Từ vị trí 12
Theo phân tích của Wall Street Journal từ dữ liệu Trade Data Monitor, hiện chỉ một nửa hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, tương đương với 250 tỷ USD hàng năm, bị áp thuế. Thực tế, gần 2/3 tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tương đương khoảng 370 tỷ USD hàng năm, bị Mỹ áp thuế trong năm 2018 và 2019. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chuyển hướng sang mua tại các thị trường khác.
Giai đoạn 2018-2019, Mỹ đã áp các khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, nhằm mục đích thúc đẩy hoạt động sản xuất tại các nhà máy trong nước. Nhưng hàng loạt doanh nghiệp lại chuyển hướng tìm nhà cung cấp tại các nước châu Á khác.
Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi lớn khi đứng thứ 6 toàn cầu về nhập khẩu vào Mỹ. Trước đó, năm 2018 Việt Nam còn ở vị trí thứ 12.
Ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung nhận định: "Nếu mục tiêu là giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, việc áp thuế quan đã có tác dụng. Tuy nhiên, nếu mục tiêu là tạo thêm việc làm trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ, thì điều này hiện vẫn chưa xảy ra. Còn nếu là tăng nhập khẩu từ các quốc gia châu Á, hay tăng việc làm trong ngành chế tạo tại Việt Nam, thì mục tiêu này cũng đã thành công".
Chất bán dẫn là một ví dụ điển hình. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Mỹ muốn giảm nhập khẩu chất bán dẫn từ Trung Quốc, khiến kim ngạch nhập khẩu chip từ Trung Quốc giảm mạnh, nhưng từ Việt Nam hay Malaysia lại tăng.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, kim ngạch nhập khẩu của hàng hóa Trung Quốc không bị áp thuế đã bắt đầu có dấu hiệu tăng. Dù vậy, nhìn chung nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn giảm từ mức đỉnh 539 tỷ USD năm 2018 xuống còn 472 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31-3-2021.
"Chiến tranh thương mại đã tác động tiêu cực đối với hàng hóa Trung Quốc lâu hơn là đại dịch COVID-19. Dư âm của dịch bệnh đang bắt đầu giảm dần, song ảnh hưởng kéo dài của thương chiến vẫn còn", chuyên gia kinh tế Adam Slater tại Oxford Economics nhấn mạnh.
Tháng 1-2021, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một để tạm đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến thương mại, nhưng Mỹ vẫn duy trì thuế quan như một đòn bẩy buộc Trung Quốc phải tuân thủ thỏa thuận. Đến nay, Trung Quốc vẫn đang kêu gọi giảm thuế quan.
Chính sách thuế mới?
Hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tiến hành đánh giá toàn diện chính sách thương mại của Mỹ, nhưng các quan chức hàng đầu chính phủ không tiết lộ thông tin liên quan đến các loại thuế trừng phạt trong tương lai.
Trong cuộc phỏng vấn cùng WSJ hồi tháng 3, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho hay, trong tương lai gần, Chính phủ Mỹ chưa sẵn sàng gỡ bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc."Không nhà đàm phán nào muốn từ bỏ đòn bẩy của mình", bà Katherine khẳng định.
Chính quyền cựu Tổng thống Trump ban hành tổng cộng 4 đợt thuế quan trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc, mỗi đợt liệt kê hàng nghìn mặt hàng sẽ phải chịu thuế.
Trong 12 tháng tính đến tháng 3 năm nay, Mỹ nhập khẩu tổng cộng khoảng 22 tỷ USD các mặt hàng trong đợt thuế đầu tiên và 9 tỷ USD trong đợt thuế thứ hai, lần lượt giảm 36% và 43% so với giá trị ban đầu.
Đợt thứ ba áp dụng với hơn 200 tỷ USD hàng hóa, diễn ra ngay sau giai đoạn căng thẳng thương mại leo thang và có hiệu lực vào tháng 9-2018. Trong giai đoạn này, chính quyền ông Trump áp thuế với một số danh mục hàng hóa tiêu dùng quan trọng như đồ nội thất và hàng may mặc, cũng như linh kiện ô tô, điện tử và Tivi.
Mức thuế đối với hàng hóa đợt thứ ba bắt đầu ở mức 10%, nhưng sau đó được nâng lên 25%. Trong 12 tháng qua, tổng kim ngạch nhập khẩu của các mặt hàng này đạt 119 tỉ USD, giảm 43% so với số liệu ban đầu.
Thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, ông Chad Bown cho biết: "Sản xuất hàng hóa ở một số nơi khác sẽ đỡ tốn kém hơn là mang dây chuyền sản xuất trở về Mỹ".
Đợt thuế thứ 4, cũng là đợt cuối cùng áp dụng vào tháng 9-2019. Các mặt hàng áp thuế chủ yếu tập trung vào máy tính và linh kiện máy tính, hàng may mặc, Tivi và giày dép.