Việt Nam vẫn còn dư địa cho tăng trưởng 2024

(ĐTTCO) - Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chúng ta có quyền kỳ vọng tương lai Việt Nam sẽ là trung tâm cung ứng công nghệ cao của thế giới, là văn phòng làm việc của thế giới. 

Việt Nam vẫn còn dư địa cho tăng trưởng 2024

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, 2023 là năm quá khó khăn cho cả hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác điều hành, hoạch định chính sách. Vậy năm 2024 theo ông sẽ thế nào?

GS.TS HOÀNG VĂN CƯỜNG: - Chúng ta cùng hy vọng năm 2024 một số trở ngại giảm dần, triển vọng kinh tế sớm được cải thiện, nhiều dấu hiệu tích cực sẽ xuất hiện. Trước hết, những “cơn gió ngược” như lạm phát cao, kinh tế suy giảm, cầu sụt giảm gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong năm 2023, sẽ được kiểm soát tốt và kinh tế phục hồi nhanh hơn trong 2024.

Về bối cảnh bên ngoài, năm 2024 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định không tăng lãi suất nữa, thậm chí sẽ giảm sâu. Như thế, chúng ta sẽ đỡ bị áp lực về chính sách tiền tệ, về tỷ giá hối đoái, về vốn…

Động lực tăng trưởng mới cho quá trình chuyển đổi là dựa vào năng suất, chất lượng, máy móc, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chúng ta cũng đã nhìn thấy những điểm sáng và nguồn lực trong nước. Đó là khi kinh tế thế giới phục hồi không đều, tăng trưởng kinh tế của chúng ta tăng dần qua từng quý và đang có xu hướng đi lên khá đều. Khi vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, chính sách tiền có thể “rảnh tay” hơn, nguồn lực tài khóa tốt hơn, nguồn trữ tốt hơn, nợ công thấp…

Tóm lại, năm 2024 có nhiều dư địa để chúng ta yên tâm hơn trong điều hành về chính sách cũng như dư địa cho tăng trưởng.

- Theo ông mục tiêu quan trọng đặt ra cho năm 2024 là gì, và các thị trường tài chính - tiền tệ, chứng khoán, bất động sản (BĐS) sẽ ra sao trong năm 2024?

- 2024 là năm phải có những bước quyết liệt để tạo ra sự thay đổi trong thu hút đầu tư, cũng như là trong tái cấu trúc của nền kinh tế, tháo bỏ những rào cản phát triển. Đó là nhiệm vụ nhưng cũng là thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.

hoang-vang-cuong-6983.jpg

Cụ thể, khi nền kinh tế phục hồi và có triển vọng tốt, các nguồn đầu tư mới tăng lên thường kéo theo nhu cầu đầu tư cho BĐS gia tăng. Khu vực của thị trường tiền tệ và thị trường vốn sẽ có cơ hội để phát triển sôi động trở lại. Đặc biệt, môi trường về chính sách đầy đủ hơn với các luật mới như Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở vừa được thông qua và Luật BĐS đang sửa đổi…

Các dự án đầu tư BĐS sẽ được mở rộng, gia tăng nhiều hơn và thị trường BĐS sẽ sôi động trở lại, nhưng sẽ ổn định hơn, không bùng phát hay tạo ra những “bong bóng”. Khi nhu cầu đầu tư tăng lên, thị trường vốn, chứng khoán sẽ có cơ hội để phát triển tốt hơn.

- Mục tiêu và khát vọng của chúng ta là trở thành nước công nghiệp, thu nhập cao và hiện chúng ta đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Ông nhận xét gì về điều này?

- Trước tiên cần nắm rõ phát triển kinh tế số và kinh tế xanh đã trở thành xu thế cho năm 2024, và cho cả quá trình phát triển của tương lai. Xu thế này buộc chúng ta phải chuyển đổi. Trong quá trình chuyển đổi đó sẽ mang lại 2 tác động rất lớn.

Thứ nhất, phải thay đổi cơ cấu nội tại, quản trị, công nghệ, tổ chức, và tái cấu trúc nền kinh tế. Thứ hai, đón xu thế đầu tư mới, đó là đầu tư các ngành công nghiệp mới nổi, công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn…

Chúng ta phải tạo được bước ngoặt để thu hút nhà đầu tư nước ngoài ở các ngành công nghệ cao.

Cụ thể, chúng ta phải chuyển từ sản xuất dựa vào vốn, các nguồn lực tự nhiên, lao động giá rẻ sang dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thí dụ, trước đây ta thu hút các nhà đầu tư vào may quần áo, đóng giày dép, sản xuất điện thoại… tức các hoạt động sản xuất với yếu tố vật chất. Nhưng bây giờ phải thu hút đầu tư không dựa vào giá rẻ và tài nguyên nữa, mà dựa vào khoa học công nghệ.

Tái cấu trúc bây giờ phải đi vào những lĩnh vực dựa vào công nghệ mới, phương thức tiếp cận mới, để chúng ta tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu có giá trị gia tăng cao, tiến tới làm chủ công nghệ và làm chủ trong chuỗi.

Thực tế chúng ta đã không ngồi đợi, khi Chính phủ quyết liệt và chủ động đi tìm nhà đầu tư chiến lược, đi tìm đối tác, đồng thời tìm hiểu họ cần gì để chúng ta chủ động chuẩn bị. Chẳng hạn, chủ động đặt ra kế hoạch đào tạo về nguồn nhân lực, chủ động nâng cấp doanh nghiệp để có các tập đoàn trong nước đủ nguồn lực, năng lực bắt tay với tập đoàn lớn nước ngoài, song hành với nhà đầu tư nước ngoài.

Tóm lại, động lực tăng trưởng mới cho cả quá trình chúng ta chuyển từ đất nước đang ở mức thu nhập trung bình thành nước công nghiệp và vươn đến điểm cao, không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đó là kinh tế xanh, kinh tế số, là phát triển bền vững, là mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất, chất lượng, dựa vào máy móc, dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…

- Ông kỳ vọng về một Việt Nam trong tương lai thế nào?

- Đó là một Việt Nam thịnh vượng, thu nhập cao, một Việt Nam là trung tâm cung ứng công nghệ cao, trung tâm cung cấp hàng giá trị gia tăng lớn của thế giới và là văn phòng của thế giới. Việt Nam sẽ không phải là trung tâm sản xuất gia công như hiện nay.

Việt Nam là đất nước đẹp, hiếu khách, giàu tiềm năng phát triển du lịch gắn với khoa học và công nghệ, cũng phải xanh và bền vững, để Việt Nam không chỉ là nơi để đến chơi, còn là nơi để sống, để làm việc.

Chúng ta giàu tiềm năng để làm điều này. Nhưng có tiềm năng rồi còn đòi hỏi tham vọng và quyết tâm.

- Xin cảm ơn ông!

Các tin khác