Thế nhưng, dù Luật Đầu tư công ra đời và được sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã giúp hoàn thiện thể chế, khắc phục các hạn chế trước đây, song vẫn còn tồn tại những bất cập được xem là "cố hữu" trong giải ngân vốn đầu tư công.
Đáng lo là tình trạng chậm trễ trong giải ngân đã trở thành "căn bệnh trầm kha" trong nhiều năm qua. Thậm chí đến hết tháng 7 nhiều bộ, cơ quan, địa phương chưa giải ngân đồng nào.
Đơn cử, đến cuối tháng 7, tổng số vốn đầu tư công TPHCM đã giải ngân trên 8.467 tỷ đồng, đạt 26% tổng kế hoạch vốn giao (khoảng 31.943 tỷ đồng). Trong đó có 100 dự án tỷ lệ giải ngân bằng không (0). Chẳng hạn, việc xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP được bố trí 1.000 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa giải ngân được đồng nào, dù bệnh viện đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng 3 năm nay.
Những dự án “khá” hơn cũng chỉ giải ngân nhỏ giọt, như dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 được bố trí 1.990 tỷ đồng, mới giải ngân được 43 tỷ đồng, (đạt 2,1%); hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ mới giải ngân được 9,3/200 tỷ đồng (đạt 4,6%); nút giao An Phú mới giải ngân 15/375 tỷ đồng (đạt 4%)…
Thực tế, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, công điện, văn bản chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc, thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề kiểm tra, đôn đốc công tác thực hiện và giải ngân. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất ì ạch.
Tại phiên họp thứ 14 của UBTVQH diễn ra tuần qua, nhằm cho ý kiến dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, cho biết đến nay còn hơn hơn 355.000 tỷ đồng vẫn chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cho rằng số vốn hơn 355.000 tỷ đồng chưa phân bổ là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành giải trình rõ lý do để tháo gỡ. “Chúng ta không giao được vốn làm sao giải ngân được. Ta cứ nói giải ngân chậm nhưng giao đâu mà giải. Tôi đi địa phương người ta nói có danh mục hết rồi, thống nhất với các bộ rồi, tại sao không ra được chỗ này?” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Vậy nguyên nhân của tình trạng này do đâu? Có ý kiến cho rằng việc giải ngân đầu tư công khó khăn do yếu tố khách quan như dịch bệnh, khâu thủ tục... Tuy nhiên, cần thẳng thắn rằng yếu tố chủ quan do con người và khâu tổ chức thực hiện là nguyên nhân chính. Phải nhìn nhận có nơi, có lúc do sợ trách nhiệm, thiếu quyết đoán làm ảnh hưởng tiến độ dự án.
Thận trọng xem xét kỹ lưỡng với những dự án đang triển khai là cần thiết, nhưng thực tế có những nơi người đứng đầu lo ngại trách nhiệm, trình độ năng lực bộ phận tham mưu còn hạn chế, nên không dám quyết và chịu trách nhiệm.
Đã đến lúc không thể để tình trạng giải ngân vốn đầu tư công cứ mãi chậm trễ mà không có biện pháp nào. Cần có liều thuốc đủ mạnh, thực hiện nghiêm các quy định để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công.
Trước hết, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân chủ quan, khách quan để làm thực chất, bắt trúng bệnh, rõ vai trò của người đứng đầu, các đơn vị và cá nhân liên quan là gì, từ đó có hình thức kiểm điểm, kỷ luật hay phê bình phù hợp.
Với những cá nhân, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ, nếu mức giải ngân quá thấp phải có biện pháp xử lý. Việc chịu trách nhiệm phải rõ ràng, không thể nói chung chung, mức độ trách nhiệm đến đâu xử phạt đến đó, gắn với cụ thể từng vị trí việc làm, công bằng và minh bạch.