Tất cả đang hứa hẹn cho kết quả cao nhất trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam một năm 2023 đầy khó khăn, thách thức.
Xuất khẩu - một trong ba chân kiềng quan trọng của tăng trưởng kinh tế (là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đã tăng trưởng âm tới hai con số ngay từ quý đầu tiên của năm 2023 - với mức giảm tới 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Con số này đã phản ánh đúng thực trạng khó khăn của nền sản xuất trong nước - khi công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm từ 85 đến hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam cũng đã suy giảm sâu từ cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Lội dòng nước ngược trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực phụ thuộc nhiều vào các thị trường lớn như Mỹ, EU - nhưng các thị trường này lại chịu tác động mạnh từ áp lực lạm phát dẫn đến thắt chặt chi tiêu, giảm tổng cầu, giảm nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Đó là chưa kể nhiều nước nhập khẩu đặt ra các yêu cầu cao về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên sản phẩm hàng hoá của Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nước xuất khẩu có cơ cấu hàng hoá tương đồng.
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm đạt kỷ lục mới
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối với các cơ quan Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài để tìm kiếm cơ hội thị trường, quảng bá các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, có chất lượng cao để đưa vào các thị trường mới; tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu… được cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm, và đây cũng là điểm sáng đáng kể, thu nhận được nhiều kết quả trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong đó mặt hàng gạo xuất khẩu vào thị trường EU - khối lượng xuất khẩu không nhiều, nhưng đã xuất khẩu được chủng loại gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm cho giá trị cao.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương khẳng định: "Trong bức tranh đó, chúng ta thấy có xuất khẩu rau quả và xuất khẩu gạo là những điểm sáng. Đây cũng là kết quả rất tích cực thể hiện sự phục hồi cũng như mở rộng thị trường rất mạnh mẽ... Trong khó khăn chung hiện nay, có một điểm tích cực, đó là việc lực lượng sản xuất của chúng ta vẫn được duy trì rất tốt và vẫn tiếp tục là địa điểm thu hút đầu tư. Thứ hai, chúng ta cũng đang phát huy tốt việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để duy trì xuất khẩu vào các thị trường chính".
Từ thực tế kết quả xuất khẩu rau quả, trái cây của Việt Nam sau 11 tháng, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm 2023 dự kiến đạt tới 5,6 tỷ USD - mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận: "Nhà nước, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương đã đàm phán để mở cửa thị trường, ký nhiều hiệp định, ký các nghị định thư với Trung Quốc cũng như các nước để nhằm tạo điều kiện đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, nông sản, rau quả của Việt Nam được tiêu thụ rộng rãi khắp thế giới. Ngoài ra, người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được hướng dẫn cách trồng trọt đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của các nước nhập khẩu".
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tìn hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt hơn 619 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Với sự phục hồi trong những tháng cuối năm, mức suy giảm xuất khẩu cả năm đã được thu hẹp khá nhiều so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.
Một điểm đáng lưu ý trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 đó là cán cân thương mại hàng hoá ghi nhận mức xuất siêu lớn. Mặc dù xuất khẩu tháng sau đã có cải thiện so với tháng trước và duy trì kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 30 tỷ USD ở các tháng cuối năm, song thặng dư thương mại vẫn tiếp tục ghi nhận tăng cao, đưa cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng xuất siêu gần 26 tỷ USD. Cùng với kim ngạch nhập khẩu vẫn giảm tới 10,7% cho thấy rõ những khó khăn của các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ dừng lại ở năm 2023.
Thách thức xuất - nhập khẩu 2024
Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp và thương mại xác định, đây cũng là thách thức lớn đặt ra cho năm 2024 - khi điều kiện về “giảm dấu chân các bon” từ các thị trường nhập khẩu lớn ngày càng ngặt nghèo hơn. Xúc tiến xuất khẩu xanh vì thế liên tục là chủ đề của các chương trình xúc tiến thương mại cuối năm 2022 và 2023, để tìm hướng đi bền vững hơn và hiệu quả hơn.
Với vai trò là cầu nối doanh nghiệp đến với các thị trường xuất khẩu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, vì thế Bộ Công Thương đã và đang tập trung vào 3 nhóm công việc cần phải làm để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, các địa phương thực hiện trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ông Vũ Bá Phú khẳng định: "Tôi cho rằng song song với việc nâng cao năng lực để đáp ứng những tiêu chuẩn mới thì các bộ, ngành liên quan sẽ phải nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đưa ra những tiêu chuẩn, quy định về chuyển đổi xanh, thế nào là xanh đối với từng lĩnh vực cụ thể, thế nào là Bộ chỉ số về chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại.
Chúng tôi cũng đã xây dựng Bộ chỉ số về năng lực xúc tiến thương mại, nhưng sắp tới Bộ chỉ số đó sẽ được bổ sung thêm những chỉ số về chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại và trong xúc tiến xuất khẩu. Chính phủ chúng ta đã có chương trình liên quan đến hoàn thiện khung khổ pháp lý từ giai đoạn 2023 - 2027. Theo đó, các bộ, ngành cũng đã xây dựng chương trình hoàn thiện pháp luật cho giai đoạn 2023 - 2027 liên quan đến chuyển đổi xanh, liên quan đến hoạt động sản liên quan đến kinh tế tuần hoàn và kinh doanh có trách nhiệm".
Đánh giá về các tác động từ xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế, xuất khẩu trong bối cảnh thực thi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU được áp dụng, không chỉ dừng lại ở 6 mặt hàng công nghiệp thải ra nhiều carbon và không phải chỉ EU mà các quốc gia khác như Mỹ, Canada… cũng đã, đang và sẽ áp dụng các quy định xanh trong xuất nhập khẩu, TS. Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC) cho rằng, ứng phó với tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường nhập khẩu phải được coi là bắt buộc đối với các chủ thể tham gia vào hoạt động xuất khẩu, trong đó cùng với vai trò của quản lý nhà nước là sự chủ động từ chính các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm.
Theo TS.Nguyễn Phương Nam: "Doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nguồn lực, con người và kiến thức hạn chế nên phải có được sự linh hoạt nhất định, đấy cũng chính là cái lợi thế. Chúng ta phải chuyển đổi từ kế hoạch chiến lược là phải đi tập trung vào một hai sản phẩm chứ đừng đi dàn trải tất cả các sản phẩm đang có, như thế sẽ tốn nguồn lực rất lớn và ảnh hưởng tới lợi nhuận trong ngắn hạn của doanh nghiệp.
Do đó, cần có chiến lược thay đổi toàn diện, tập trung vào một số ngành hàng. Việt Nam có đến 50.000 doanh nghiệp có các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên thì chỉ có khoảng 160 - 200 doanh nghiệp có được những sản phẩm hữu cơ và một doanh nghiệp cũng không phải có tất cả các sản phẩm của mình đều hữu cơ, chỉ có một vài sản phẩm...".
Theo các chuyên gia thương mại, để ứng phó thích hợp với các tiêu chuẩn xanh trong xuất nhập khẩu hàng hoá thời gian tới đây, có ít nhất “7 cần” mà doanh nghiệp phải làm được, đó là: Cần đa dạng hoá đối tác thương mại; Cần đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược giảm lượng carbon; Cần tham gia vào các dự án Bù đắp carbon; Cần đánh giá mức độ thâm dụng carbon; Cần đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ và Cần tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp. Có như vậy hoạt động xuất khẩu mới phát triển bền vững.