Dịch bệnh COVID-19 tác động mạnh đến xuất khẩu cá tra vào đầu năm 2020 khiến giá cá tra sụt giảm mạnh. Điều này làm cho những người thả nuôi cá tra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long e ngại vì phải chịu lỗ vốn khi giá cá bán ra thấp, thu hồi vốn chậm, thậm chí khó xoay xở nguồn vốn để tiếp tục thả nuôi trong những vụ tiếp theo trong giai đoạn cuối năm 2020.
Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra phục hồi vào thời điểm cuối năm 2020 thì ngành cá tra lại rơi vào trạng thái thiếu nguồn cung cục bộ.
Bài toán về nguồn cung
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi cá tra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 5.700ha, với tổng sản lượng 1,56 triệu tấn, tăng 6,9% so với năm 2019. Các tỉnh, thành phố Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ có diện tích thả nuôi cá tra lớn nhất cả nước. Trong tổng diện tích thả nuôi này, hiện chỉ có 1.800ha trong giai đoạn thu hoạch, được đánh giá là mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.
Thêm vào đó, trong nửa đầu năm 2020, tình trạng xâm nhập mặn kéo dài khiến người nuôi cá tra khó thả giống vụ mới, cá nuôi bị bệnh và chết, hiệu quả sản xuất giảm do tỷ lệ hao hụt ngay từ công đoạn giống lên thương phẩm. Doanh nghiệp chế biến chủ yếu thu mua cá nguyên liệu trong chuỗi liên kết hoặc cá của doanh nghiệp khiến lượng cá tồn trong dân và hàng tồn trong kho doanh nghiệp khá cao.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, khi tình hình dịch bệnh được khống chế, sự phục hồi của các thị trường nhập khẩu cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp, người nuôi cá nên sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra đã có những chuyển biến tích cực.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, theo thông tin từ nguồn tiêu thụ cá tra từ các quốc gia trên thế giới, nguồn tiêu thụ từ các kênh dịch vụ như nhà hàng, khách sạn tại Mỹ, Trung Quốc, châu Âu tiếp tục phục hồi mạnh trở lại về mức trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, với hơn 70% so với các kênh tiêu thụ khác.
Trong khi đó, nguồn cung cá tra được dự báo sẽ khó có thể mở rộng để cung ứng kịp thời nhu cầu trong vòng 3 đến 6 tháng tới. Đồng thời, đơn hàng hồi phục trong những tháng cuối năm 2020 tại các thị trường dần tăng lên cũng là một yếu tố làm cho cá tra nguyên liệu tại Việt Nam không đủ đáp ứng, lượng cá tra tồn kho cũng sẽ suy giảm liên tục trong những tháng tới.
Các chuyên gia ngành cá tra phân tích, nguyên nhân chính là do giá cá tra nguyên liệu trong giai đoạn cuối năm 2019, đầu năm 2020 thấp khiến người nuôi không có động lực để mở rộng vùng nuôi hoặc tiếp tục thả nuôi.
Với mức giá cá tra nguyên liệu này, người nuôi phải chịu lỗ từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/kg. Điều này gây tâm lý e ngại trong việc mở rộng diện tích thả nuôi mới. Tuy giá cá có sự phục hồi sau đó, nhưng vẫn chưa tác động lớn đến việc thả nuôi của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Triển vọng từ các Hiệp định thương mại tự do
Mặc dù nguồn cung nguyên liệu được dự báo chưa cung ứng kịp thời cho yêu cầu xuất khẩu cá tra trong năm 2021, nhưng hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đều còn một nguồn dự trữ nhỏ để xoay sở các đơn hàng.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong trường hợp nguồn cung nguyên liệu thấp sẽ khiến giá cá tra khả quan hơn. Đồng thời, với sự cộng hưởng của các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực theo thời gian, giá trị sản phẩm cá tra Việt Nam lưu hành trên thị trường thế giới sẽ cao hơn.
Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự đó Việt Nam-châu Âu (EVFTA) sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2021 nhờ mức chênh lệch về thuế. Sau 3 năm Hiệp định này có hiệu lực, các sản phẩm cá tra Việt Nam hầu hết sẽ giảm về mức thuế 0%, thấp hơn mức thuế của các đối thủ cạnh tranh như Indonesia (4,5-9%), Trung Quốc (0-9%).
Đặc biệt, trong các thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam thì Vương quốc Anh đang trở thành điểm sáng khi kim ngạch liên tục tăng. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) tác động tích cực đến xuất khẩu cá tra Việt Nam. Ước tính, trong năm 2020 kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 65,6 triệu USD, tăng 48% so với năm 2019.
Như vậy, năm 2020, Anh là thị trường xuất khẩu duy nhất đạt mức tăng trưởng dương liên tục bất chấp dịch COVID-19. Đáng chú ý, tỷ trọng cá tra chế biến (HS 1604) tăng mạnh, chiếm 32% tổng xuất khẩu cá tra và tăng hơn 1.400% so với cùng kỳ năm trước. Một yếu tố tích cực ở thị trường này phải kể đến là giá.
VASEP ước tính, giá cá tra nhập khẩu trung bình của Anh cũng tương đối ổn định, dao động từ 2,98-3,98 USD/kg và đây là mức tương đối khả quan với cá tra Việt Nam. Nếu giá trị xuất khẩu tại Anh tiếp tục khả quan trong thời gian tới thì mức tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm này qua Anh có thể đạt ít nhất 10% trong năm 2021.
Ngoài yếu tố trên, tại thị trường Anh còn có tác động tích cực của UKVFTA có hiệu lực từ ngày 31/12/2020. Theo thông báo chính thức của Chính phủ Anh, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong danh sách các nước thụ hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) của Anh. Như vậy hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này được hưởng thuế quan ưu đãi GPS khi doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình C/O mẫu A theo quy định.
Hồi cuối tháng 12/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố kết quả sơ bộ thuế bán phá giá cá tra (POR16). Kết quả này dường như không mấy tích cực khi mức thuế của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn là 0,09 USD/kg (hiện giá bán của Vĩnh Hoàn khoảng 3,5 USD/kg) và Công ty cổ phần Nam Việt cũng có mức thuế tương tự.
"Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả sơ bộ và kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra trong vòng 120 ngày kể từ ngày thông báo kết quả sơ bộ (dự kiến khoảng tháng 4/2021). VASEP hy vọng kết quả cuối cùng có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Trong năm 2021, sản lượng cá tra cả nước đạt ít nhất 1,65 triệu tấn.
Vì vậy, ngành chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2021 là 1,6 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2020," ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ.