Theo đánh giá của CIEM, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), dù mới chỉ chính thức đi vào thực hiện 1 năm nhưng bước đầu đã đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2019, năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1%, tăng 1%.
Kết quả tính toán các chỉ số thương mại của Việt Nam cho thấy, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như giày dép, hàng mây tre, cà phê, quần áo và may mặc. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam có độ tương đồng khá cao với các đối tác như ASEAN, Trung Quốc, RCEP, CPTPP. Mức độ tương đồng xuất khẩu có xu hướng tăng trong giai đoạn kể từ năm 2008 đến nay.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng, kể từ năm 2012, Việt Nam đã tập trung hơn vào đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới cải thiện chất lượng tăng trưởng cũng như chất lượng công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế đã có sự chuyển dịch từ chủ yếu theo chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu.
Đặc biệt, sự góp mặt của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng giúp Việt Nam mở ra những cơ hội mới. Từ nền tảng này, Hiệp định CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo thêm xung lực mới cho phát triển thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn cải cách kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích tiềm năng từ Hiệp định CPTPP còn phụ thuộc vào năng lực thể chế, năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong nước.
Quang cảnh hội thảo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp tại CIEM cho rằng, Hiệp định CPTPP có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam, các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng nhà đầu tư cũng sẵn sàng hơn với những cơ hội từ CPTPP. Bên cạnh đó, niềm tin của các nhà đầu tư tại Việt Nam ngày càng được củng cố trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định. Nhìn chung, công tác xây dựng khung khổ pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả CPTPP đã có sự chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, theo ông Dương, việc thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP vẫn đòi hỏi Việt Nam phải xử lý một số yêu cầu về thể chế, bao gồm hiểu đúng và đầy đủ các nội dung pháp lý trong CPTPP, cải thiện hiệu quả việc phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan, kịp thời rà soát và ban hành các văn bản pháp luật thực thi Hiệp định này.
Cụ thể, ở cấp độ doanh nghiệp, về mức độ hiểu biết, hiện nay hầu như các doanh nghiệp còn quá lưu tâm đến vấn đề ngắn hạn, mới chỉ hiểu về thuế và cắt giảm thuế chứ chưa thực sự hiểu đầy đủ về quy tắc xuất xứ, được xem là vấn đề rất quan trọng để được hưởng ưa đãi thuế.
CIEM khuyến nghị, muốn tận dụng tối đa lợi ích từ CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam cần xử lý các thách thức, cải thiện năng lực cạnh tranh, hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác. Mặt khác, Chính phủ cần củng cố hơn nữa đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, đồng thời tạo dựng thêm không gian để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.