Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, muốn bền vững phải bỏ 'thói quen' tiểu ngạch

(ĐTTCO) - 3 tháng đầu năm, trong bối cảnh nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu nhu cầu chưa phục hồi, Trung Quốc lại nổi lên như điểm sáng xuất khẩu cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể tiến sâu hơn vào thị trường tỷ dân này, cần có sự chuyển mình mạnh mẽ vì Trung Quốc đã không còn dễ tính.
Các xe container chở hàng hóa sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, Lào Cai.
Các xe container chở hàng hóa sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, Lào Cai.

Khách hàng lớn

Từ ngày 8-1, khi Trung Quốc chính thức mở cửa thị trường, nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam đã tăng tốc xuất khẩu sang thị trường này. Qua tháng 2, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng ghi nhận mức tăng mạnh.

Tiêu biểu như thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tới 33%, trong khi giảm sâu tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu. Tuy mức tăng này chưa thể kéo lại đà giảm chung của cả ngành thủy sản khi lũy kế 2 tháng đầu năm vẫn giảm 26% so với cùng kỳ, nhưng cũng mang lại hy vọng cho không ít doanh nghiệp (DN) nhất là DN xuất khẩu cá tra.

Một mặt hàng khác cũng nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng khi Trung Quốc mở cửa là rau quả. Theo thống kê, 2 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả Việt Nam thu về gần 570 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá, trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng rau quả khả quan. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 320 triệu USD tăng hơn 25% so với cùng kỳ, chiếm gần 57% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này.

Nếu tính chung nhóm ngành nông lâm thủy sản, 2 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất khẩu 1,27 tỷ USD sang Trung Quốc và thị trường này trở thành khách hàng lớn nhất chiếm 20,2% tổng giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đà tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn duy trì qua tháng 3, nên tính đến hết quý I Trung Quốc vẫn duy trì vị thế là thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD chiếm 21,5% thị phần.

Nhìn lại con số xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 Việt Nam xuất được hơn 53 tỷ USD, trong đó xuất qua thị trường Trung Quốc 14 tỷ USD. Nếu xét trên tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc là 260 tỷ USD, chúng ta mới chiếm chưa tới 5%.

Chia sẻ cùng ĐTTC, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết xét riêng nhóm ngành rau quả thị trường Trung Quốc rất mênh mông. “Mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ trên 300 triệu tấn rau quả nhưng mới nhập khẩu 7-8 triệu tấn. Cơ hội cho rau quả Việt Nam còn rất nhiều. Nhưng để tiến sâu hơn thị trường tỷ dân này phải đảm bảo chất lượng cũng như các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Nguyên nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyên không chỉ các nước trong khu vực ASEAN đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc, mà nhiều quốc gia cách rất xa như Chile, Ecuador… cũng nhắm đến thị trường này. Riêng mặt hàng trái cây, Chile cũng nằm trong top 3 nước xuất khẩu lớn vào Trung Quốc.

Nói thêm về việc siết chặt các yêu cầu về chất lượng an toàn thực phẩm, ông Nguyên đánh giá việc này hoàn toàn bình thường khi đời sống người dân Trung Quốc ngày một nâng cao, nền nông nghiệp của họ cũng ngày càng phát triển nên yêu cầu với hàng nhập cũng không thể dễ dãi.

Tại Diễn đàn Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc diễn ra hồi tháng 2, bà Trà My, Chủ tịch Hội DN Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, khẳng định thị trường Trung Quốc đã không còn dễ tính như trước. Bà My cũng cảnh báo nếu xuất hàng không đảm bảo, không chỉ cá nhân, DN mà cả ngành hàng sẽ bị ảnh hưởng.

Trung Quốc siết, Việt Nam chuyển mình

Việc siết kiểm soát hàng nhập khẩu của Trung Quốc được nói đến nhiều từ tháng 4-2021, khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định quản lý đăng ký DN sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Theo đó, DN nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bắt buộc tuân thủ những quy định mới.

2 lệnh này có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Sau hơn 1 năm thực hiện, tuy ban đầu có những khó khăn nhất định nhưng từng bước các DN Việt Nam đã đáp ứng được. Đặc biệt, khi đáp ứng Lệnh 249 DN ngày càng phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết việc đáp ứng các yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc không làm khó DN Việt, bởi DN thủy sản đã làm hàng xuất đi nhiều quốc gia như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… tiêu chuẩn còn khắt khe hơn. Tính cho đến nay, thủy sản và các sản phẩm liên quan đến thủy sản được hải quan Trung Quốc cấp mã số nhiều nhất theo Lệnh 248.

Không chỉ dừng lại ở Lệnh 248, 249, Trung Quốc còn đang thực hiện kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua đường biên mậu, tiểu ngạch hướng đến đưa hoạt động thương mại vào chính quy. Chưa hết, quốc gia này còn yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm, ký kết lại Nghị định thư xuất khẩu đối với các loại quả truyền thống.

Trong năm 2022 Việt Nam đã ký được Nghị định thư cho sầu riêng, mít, khoai lang, năm nay Bộ NN-PTNT đang đàm phán cho nhóm tiếp theo là bưởi, mãng cầu, bơ. Tuy nhiên, để có được Nghị định thư các sản phẩm phải đảm bảo đáp ứng được nhiều quy định, được gọi vui là tuân thủ “luật chơi” chính ngạch.

Để chuyển hướng đưa hoạt động thương mại vào chính quy, mới đây Bộ Công Thương đưa ra dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới để lấy ý kiến các bộ ngành. Theo đó, đến đầu năm 2028 các cửa khẩu, lối mở chỉ được làm thủ tục thông quan cho hàng đã được cấp phép xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Nghĩa là, đến thời điểm này bán hàng thông qua hình thức tiểu ngạch bị đóng cửa hoàn toàn.

Nói về dự thảo này, bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, bày tỏ sự đồng tình và cho biết đây là điều DN chờ đợi nhiều năm. Tất nhiên, ban đầu có thể khó khăn cho các DN nhỏ, thương lái buôn bán quen hình thức tiểu ngạch, nhưng nếu đặt lên bàn cân những lợi ích thu về sẽ rất lớn cho cả 2 bên.

Xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc là con đường tất yếu. Bởi khi không còn phương thức tiểu ngạch, cạnh tranh mới sòng phẳng, các sản phẩm nông sản Việt Nam xây dựng được thương hiệu tại thị trường lớn Trung Quốc và không phải e dè đối thủ nào.

Các tin khác