Xuất khẩu xoay xở thế nào giữa 'cơn bão' suy thoái kinh tế?

(ĐTTCO) - Cái gì đến đã đến. Bão khó khăn khởi phát từ cuối năm 2022, càng lộ từ đầu 2023. Thông tin về sụt giảm xuất khẩu (XK) của cả nước trong quý I-dày đặc trên truyền thông.
Xuất khẩu xoay xở thế nào giữa 'cơn bão' suy thoái kinh tế?

Từ “kinh tế thế giới phục hồi chậm”, xuất khẩu của Việt Nam quý I “kém sắc” cho đến “kim ngạch của hầu hết mặt hàng đều giảm so với cùng kỳ năm trước”, trong đó có gương mặt chủ lực giảm tới 2 con số. Cả 2 khối doanh nghiệp (DN) Việt Nam và FDI đều giảm, phần DN nội giảm sâu hơn.

Tăng trưởng XK dệt may quý I chạm đáy, DN lo lắng đơn hàng quý cao điểm sắp tới, các nhà máy hoạt động dưới công suất. XK thủy sản lao dốc 28%, tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc năm ngoái thi nhau tăng, quý này kéo nhau giảm. Nhiều DN “ăn đong” đơn hàng. Qua đợt kiểm lần thứ 3 (công bố ngày 3-2, tại Đà Nẵng), Hội đồng châu Âu (EC) vẫn chưa gỡ thẻ vàng cho Việt Nam vì vẫn có vi phạm tàu cá bị bắt khi hoạt động ở vùng biển nước ngoài.

Trong khi đó, XK gỗ và sản phẩm gỗ giảm nhiều, sẽ tiếp tục đối mặt với sự co giảm của thị trường, chung quy chỉ là sức mua trên toàn cầu giảm mạnh, dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ cũng giảm mạnh theo, nếu có chủ yếu là những đơn hàng nhỏ thường chỉ tới tháng 6. Rồi tin Trung Quốc chuyển sang buôn bán chính ngạch đi cùng với cảnh báo đường vào thị trường này ngày càng gập ghềnh, không còn là “chợ làng” dễ tính mà ngày một khắt khe.

Các phân tích càng sốt ruột. Theo lộ trình đã cam kết, năm 2023 nhiều mặt hàng XK của Việt Nam sang EU được hưởng thuế 0%. Mặt khác, ta là 1 trong 4 nước có FTA với EU ở khu vực châu Á, chính sách thương mại của EU đang tập trung vào các quốc gia này để tháo gỡ khó khăn cho thị trường nội địa.

Đây là những yếu tố sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tăng XK sang EU. Tuy nhiên, thuế giảm bao nhiêu chi phí tiếp cận thị trường lại tăng bấy nhiêu. Cơ hội dù rộng mở nhưng cánh cửa thị trường đang khép lại.

Tại các thị trường XK, hàng Việt phải cạnh tranh với các đối thủ đã đứng chân tại đó mà sức lực của họ không hề thua kém. Riêng vào Trung Quốc, hoa quả Việt đang nơm nớp vì có thứ đại lục đã trồng được. Cùng với đó, một số hàng XK của ta đã và đang bị một số bạn hàng lớn khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, sẽ tăng cường săm soi mỗi khi qua cửa khẩu, mất thêm thời gian, đội chi phí.

Câu hỏi đặt ra là xoay sở cách nào? Dù mục tiêu tăng trưởng XK năm 2023 thấp hơn mức tăng trưởng 2022, song vẫn là thách thức lớn.

Năm 2023, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục chịu nhiều sức ép do căng thẳng chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát tăng cao; thị trường thu hẹp, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ và phòng chống dịch Covid-19 ở một số nước tác động mạnh đến thị trường nội địa cũng như XK, theo hướng bất lợi khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Một trong đó, đến nhanh và lan rộng là XK vào Mỹ, khi suy thoái ập đến kinh tế Mỹ, lập tức ta "vạ lây".

Những giải pháp có thể tính tới gồm:

- Các FTA tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan. Vì thế mỗi DN phải chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA. Mỗi FTA có ưu đãi riêng nhưng đều là hành lang dẫn DN tới thành công, cần mặn mà tiếp cận đối tác để có nhiều sự chọn lựa và chọn được điều thích hợp nhất.

- Xúc tiến thương mại phải là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả góp phần hỗ trợ DN phát triển sản xuất, đẩy mạnh XK.

- DN phải đa dạng hóa sản phẩm. Với nông sản, cần và có thể làm ngay là tăng cường chế biến, nhất là chế biến sâu, giá trị gia tăng cao, theo đòi hỏi của khách. Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi, giảm trung gian, hạ giá thành, nâng chất lượng theo quy chuẩn VietGAP, cảm quan hấp dẫn.

- Để gắn với các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử, kinh tế số, DN khẩn trương chuẩn bị chủ yếu là nhân sự, tài chính, đầu tư cho XK đúng, trúng, hiệu quả trên nền tảng số hóa.

Các tin khác