Cạn kiệt tài nguyên, lợi nhuận thấp
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) công bố mới đây, nửa đầu năm 2021, ngành xi măng đã xuất khẩu gần 21 triệu tấn sản phẩm xi măng và clinker (tương đương lượng xuất khẩu của cả năm 2017), đạt trị giá 812 triệu USD, tăng lần lượt 27% và 32% so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, trong suốt 3 năm liên tiếp (2018-2020), ngành xi măng đều xuất khẩu số lượng lớn, với giá trị vượt 1 tỷ USD/năm (riêng năm 2020 xuất khẩu hơn 38 triệu tấn, trị giá 1,46 tỷ USD).
Giải thích về điều này, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), cho biết ngành xi măng tuy chịu tác động bởi dịch Covid-19, song xuất khẩu vẫn có mức tăng tốt, do xi măng Việt Nam đã tạo được vị thế trên thị trường. Ngành xi măng đang trong tình trạng dư cung lớn, nên xuất khẩu là kênh chủ lực giúp ngành giải phóng công suất.
Thống kê cho thấy, cơ cấu tiêu thụ xi măng và clinker của Việt Nam giữa thị trường nội địa và xuất khẩu đã có sự thay đổi lớn trong những năm gần đây, trong khi tỷ trọng tiêu thụ ở thị trường nội địa giảm chỉ còn 38%, tỷ trọng xuất khẩu đã tăng lên đáng kể 62%. Xu hướng tăng dần tỷ trọng về xuất khẩu của ngành được dự báo vẫn là chủ đạo những năm tới.
Hiện nay, ngành xi măng Việt Nam có 90 dây chuyền sản xuất clinker, xi măng với tổng công suất 107 triệu tấn/năm (tính theo 80% clinker + 20% phụ gia). Thực tế công suất có thể sản xuất khoảng 120-130 triệu tấn xi măng (70% clinker + 30% phụ gia). Với quy mô công suất nói trên và khả năng sản xuất còn lớn hơn, ngành xi măng được coi có quy mô và sức ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường trong khu vực.
Ở thị trường thế giới, Việt Nam đang xếp thứ 5 về năng lực sản xuất xi măng (chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga). Tuy nhiên, nghịch lý đang hiện hữu là dù tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, xuất khẩu luôn cao nhưng tỷ suất lợi nhuận ngành xi măng có thể bị suy giảm do công suất và chi phí nhiên liệu tăng.
Các doanh nghiệp xi măng thường luôn chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ giá than và giá điện. Cụ thể, ngành này có rủi ro lớn do chi phí giá than và giá điện chiếm 40-45% giá thành sản xuất clinker.
Đặc biệt, giá clinker chiếm hơn 60% chi phí nguyên liệu đầu vào xi măng, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo giá điện và giá than. Hiện kênh xuất khẩu đang có thuận lợi để tiêu thụ sản lượng đáng kể trong ngành xi măng, đặc biệt giá clinker từ đầu năm đã tăng nhẹ, nhưng chỉ cần giá than, điện tăng nhẹ hiệu quả xuất khẩu sẽ không cao.
Bên cạnh đó, trong ngắn hạn việc xuất khẩu nhiều có thể giải tỏa năng lực sản xuất trong nước, nhưng về lâu dài đây không phải là giải pháp bền vững. Xi măng là ngành khai thác tài nguyên không tái tạo, xuất khẩu nhiều sẽ làm cạn kiệt tài nguyên, nhất là trong bối cảnh bị ép giá khiến tỷ suất lợi nhuận của ngành không lớn.
Rủi ro lớn từ yếu tố thị trường
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI công bố mới đây, một trong những rủi ro lớn nhất ngành xi măng Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay là yếu tố biến động của thị trường xuất khẩu. Sở dĩ xuất khẩu xi măng tăng mạnh nhờ Trung Quốc thay đổi chính sách đầu tư đối với ngành này.
Cụ thể, Trung Quốc giới hạn và giảm dần các nhà máy xi măng (chủ yếu vì mục đích môi trường), tăng nhập clinker từ nước ngoài, đặc biệt từ Việt Nam. Trong giai đoạn 2017-2019, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu xi măng và clinker lớn nhất Việt Nam. Hiện tại, thị trường Trung Quốc chiếm tới 57% sản lượng xuất khẩu xi măng và clinke, chiếm 22% tổng sản lượng tiêu thụ của Việt Nam trong năm 2020.
Sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc cũng là điều đáng lo ngại, đặc biệt khi chính sách tài khóa tại quốc gia này có thể bị thắt chặt trong những năm tới. Sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng 6 tháng đầu năm 2021 tăng vượt mục tiêu do nhu cầu của Trung Quốc vẫn cao nhờ thị trường này tiếp tục có sự đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này thời gian tới sẽ khó đạt được mức tăng trưởng mạnh, khi nguồn cung nội địa tại Trung Quốc dần ổn định trở lại. Do đó, các nhà xuất khẩu xi măng cần ý thức nếu Trung Quốc ngưng các chính sách kích cầu cơ sở hạ tầng, sản lượng xuất khẩu sẽ giảm khoảng 25-30% trong ngắn hạn và trung hạn.
Sau Trung Quốc, thị trường lớn thứ 2 về xuất khẩu xi măng của Việt Nam là Philippines. Nhưng hiện nước này đang cáo buộc Việt Nam bán phá giá mặt hàng xi măng, đã ảnh hưởng nền sản xuất xi măng trong nước. Thị trường lớn thứ 3 của xuất khẩu xi măng Việt Nam là Bangladesh, chiếm 12,5% trong tổng lượng, chiếm 11,2% trong tổng kim ngạch xi măng và clinker xuất khẩu của cả nước. Tiếp đó là các thị trường nhập khẩu khác gồm Peru, Malaysia, Đài Loan, Australia, Indonesia, Lào... song tỷ trọng thị phần không nhiều.
Theo một số chuyên gia kinh tế, đã đến lúc ngành xi măng cần nhìn nhận lại việc tái cơ cấu, trong đó phải tính toán đến các yếu tố như chi phí đầu vào với giá xuất khẩu của xi măng, cân nhắc giữa giá trị xuất khẩu, kể cả khai thác tài nguyên cũng như chi phí để bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, hiệu quả của xuất khẩu xi măng cần tính đến nguyên tắc thị trường, tức đầu vào của các nguyên nhiên liệu cho ngành công nghiệp đó, không thể tiếp tục trợ giá dưới bất kỳ hình thức nào.
Bởi lẽ, giá điện, xăng dầu điều hành theo nguyên tắc thị trường, buộc các doanh nghiệp phải tính đúng, tính đủ, từ đó có hướng sản xuất, cải tiến công nghệ cũng như thay đổi kỹ năng quản trị kể cả trong hoạt động thị trường, xuất khẩu, nhằm đảm bảo chi phí và nâng cao hiệu quả trong tiêu thụ và xuất khẩu xi măng. Điều này phải đánh giá kỹ lưỡng hơn giữa các bộ ngành và cơ quan quản lý, nếu muốn định hướng lâu dài, cần tính đến việc điều chỉnh quy hoạch nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.