Một số nước đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ kinh tế. Ngân hàng Trung ương (NHTW) Philippines đã quyết định giảm lãi suất 0,25% để hỗ trợ nền kinh tế. NHTW Thái Lan đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 1%. Bộ Tài chính Hàn Quốc đưa ra gói hỗ trợ tài chính trị giá 2.000 tỷ won (1,7 tỷ USD) cho các doanh nghiệp nhỏ.
Một số tổ chức tài chính như Công ty Chứng khoán MB (MBS), Công ty Chứng khoán KB Việt Nam và một số chuyên gia, cũng cho rằng cần nới lỏng mức tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống NH, qua đó giúp giảm mặt bằng lãi suất, có thể tính tới phương án giảm lãi suất điều hành để giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% của Chính phủ.
Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đề xuất một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch bệnh.
Tuy nhiên, xét về xu hướng phát triển và hiệu quả kinh tế chung, Việt Nam chưa cần sử dụng chính sánh nới lỏng tiền tệ để đối phó ngắn hạn với dịch Covid-19. Việc nới lỏng tiền tệ trong lúc này có thể tạo ra đầu cơ tài chính và bất ổn kinh tế. Bởi lẽ, kinh tế đang ổn định và nền tảng cho việc phát triển bền vững, cũng như hiệu quả chúng ta đang thực hiện khá tốt trong 3 năm qua, bao gồm ổn định tỷ giá và giữ lạm phát thấp.
Hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 đã tăng hơn 5%, do có yếu tố cung tiền cuối năm 2019. Nếu nới lỏng tiền tệ trong giai đoạn hiện nay, chắc chắn sẽ tác động làm tăng CPI, tạo ra nguy cơ bất ổn kinh tế.
Hiện các hoạt động thương mại bị suy giảm do tác động của dịch Covid-19. Các ngành sản xuất kinh doanh cần biện pháp hạn chế thiệt hại và chuẩn bị, hơn là đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng. Do vậy việc nới lỏng tiền tệ khó đưa vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng hiệu quả trong giai đoạn này.
Theo đó, tiền sẽ đổ vào các kênh đầu tư tài chính, gây tăng trưởng giả tạo như thực tế đã xảy ra trong các giai đoạn trước.
Kinh tế Việt Nam trung hạn đang có dư địa từ việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đẩy mạnh mua bán sáp nhập (M&A) ở khu vực sản xuất phục vụ xuất khẩu và cung ứng. Điều này xuất phát từ xu thế tái cấu trúc kinh tế thế giới từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, và đang được tăng tốc quyết liệt từ nhận diện rủi ro cực lớn của kinh tế Trung Quốc.
Việc tăng trưởng GDP khá tốt trong các năm 2017-2019 trong bối cảnh tín dụng được kiểm soát đã minh chứng cho cấu trúc kinh tế mới.
Trong khi đó, các thiệt hại trực tiếp hiện nay như du lịch, mua sắm, nông sản vụ mùa sẽ không còn tác động nhiều cho đến mùa hè, bởi hiện nay đang vào mùa du lịch thấp điểm và mua sắm giảm sau tết. Do vậy các biện pháp nới lỏng tiền tệ để kích thích các ngành này không phải là yếu tố quan trọng.
Nhìn ở góc độ khác, với những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, đây là cơ hội sàng lọc, loại bỏ các doanh nghiệp quá phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc nhưng không có cách thức, giải pháp xử lý rủi ro. Việc này sẽ đẩy nhanh tiến trình giảm sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc với xuất siêu quá lớn, sự suy giảm sẽ bù vào các hoạt động đầu tư sản xuất hướng tới thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng kinh tế theo cấu trúc mới.
Tóm lại thay vì nới lỏng tiền tệ, Chính phủ nên ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch bệnh.
Tuy nhiên gói kích thích kinh tế nếu có cần phải hướng đến việc chuyển dịch cơ cấu, phù hợp với các chiến lược phát triển nông nghiệp và sản xuất mới, hơn là bù đắp những thiệt hại hiện tại do xuất khẩu nông sản thô, sản xuất nhỏ theo dạng gia công phụ thuộc vào nguyên phụ liệu Trung Quốc quá lớn...