Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, về chặng “khởi động” ý nghĩa này, nhất là trong bối cảnh TPHCM cùng cả nước kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2022).
- Trong 4 tháng đầu năm 2022, có những tín hiệu cho thấy TPHCM đang phục hồi nhanh và sớm hơn dự báo. Sự khởi đầu này báo hiệu điều gì và theo đồng chí, nhờ đâu TP có được bước khởi sắc tốt hơn dự kiến như vậy?
- Đồng chí Phan Văn Mãi: Bước vào những ngày tháng 4 lịch sử năm nay, cũng như nhân dân cả nước, nhân dân TPHCM kỷ niệm những ngày lễ lớn với tin tưởng sâu sắc về tương lai phát triển của đất nước sau đại dịch Covid-19. Đối với TPHCM, từ đầu quý 3-2021, đại dịch Covid-19 đã làm ngưng trệ và gãy đổ hầu hết các hoạt động kinh tế và sinh hoạt của đời sống xã hội; các doanh nghiệp phải chống chọi, vượt qua vô vàn khó khăn để tồn tại chờ cơ hội hồi sinh. Những tháng cuối năm 2021, tuy đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn TP bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, nhưng GRDP cả năm 2021 đã suy giảm đến 6,78%. Điều đáng mừng là quý 1 năm nay, TPHCM đã phục hồi mạnh mẽ hơn ở cả 3 khu vực kinh tế.
Từ mức giảm sâu ở quý 3 và quý 4-2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay, kinh tế TPHCM đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương, quý 1-2022 đạt 1,88%, và đang phát triển theo xu hướng tích cực. Sau thời gian “bạo bệnh chưa có tiền lệ”, TPHCM đã có bước hồi phục và đứng lên khởi sắc, bật lên sức sống mới.
“Quả” ngọt bước đầu này có được là hội tụ từ nhiều “nhân” tốt đẹp. Trước hết là nhờ vào truyền thống năng động, sáng tạo của TPHCM. Sức bật lớn đến từ tinh thần vươn lên của người dân và sự năng động của doanh nghiệp TP. Mỗi khi thực tiễn gặp khó khăn cũng là lúc nhân dân càng kề vai sát cánh vượt qua khó khăn thách thức và đi qua những tháng ngày cực khổ vì đại dịch, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM càng chủ động, thích ứng, linh hoạt ứng phó trong mọi tình huống để phục hồi sản xuất kinh doanh. Cùng với sức mạnh nội tại của TPHCM, còn có động lực quan trọng đến từ Trung ương với các chính sách ban hành kịp thời và đúng đắn, tạo hành lang, tạo điều kiện cho cả nước cũng như TPHCM phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.
Đặc biệt là sự nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị TPHCM, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, đã cùng tạo nên sức mạnh của sự đồng thuận trong phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Chính nhờ đó, ngay trong những thời điểm khắc nghiệt nhất của đại dịch, TPHCM vẫn gìn giữ được nhiều giá trị cốt lõi, nhiều thế mạnh sẵn có vô cùng ý nghĩa, là nền tảng cho quá trình phục hồi. Và ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, TP đã bước vào giai đoạn phục hồi (năm 2022) với kết quả bước đầu khởi sắc như chúng ta đang chứng kiến.
- Dù đối diện với nhiều khó khăn, song TPHCM không điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch 5 năm 2021-2025. Theo đồng chí, TPHCM có những cơ hội phát triển như thế nào trong thời gian tới?
- Có thể nói, tuy đời sống kinh tế - xã hội đã bắt đầu phục hồi, nhưng TPHCM cũng đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Có một số vấn đề tồn tại nhiều năm về quản lý và phát triển đô thị, những bất cập về hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị chưa giải quyết được, thì đại dịch Covid-19 ập đến cùng các tác hại của nó đã làm cho khó khăn chất chồng thêm lên.
Tuy nhiên, trong “nguy” luôn có “cơ”. Vấn đề là chúng ta cần nhận biết, chắt chiu tận dụng và phát huy. Về tổng quan, kinh tế trên địa bàn TPHCM là một bộ phận của kinh tế cả nước, mà hiện nay triển vọng kinh tế chung của nước ta khá tích cực. Về tiềm lực nội tại của TPHCM, nền sản xuất và chuỗi cung ứng cơ bản đã phục hồi, hạ tầng kinh tế và hệ thống doanh nghiệp đang vận hành tốt trở lại, chương trình phục hồi kinh tế đang phát huy tác dụng. Ba điểm nghẽn về thể chế kinh tế liên quan đến hấp thụ vốn đầu tư; hạ tầng giao thông đô thị, giao thông kết nối Vùng và nguồn nhân lực chất lượng cao đang được Trung ương hỗ trợ tháo gỡ cùng với nỗ lực của TPHCM đang mở ra nhiều triển vọng.
Hiện nay, TPHCM chú trọng phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. TPHCM cũng nỗ lực biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị; tạo đột phá trong việc xây dựng nền hành chính phục vụ, kiến tạo phát triển. Với vai trò của mình, TPHCM luôn chú ý liên kết kinh tế vùng và phát triển vùng đô thị; phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước. Đây chính là những cơ hội và cũng chính là dư địa và tiềm lực phát triển của TPHCM trong thời gian tới, với quyết tâm đi đầu cả nước về phát triển kinh tế số, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM nhanh và bền vững.
Một lực nén rất lớn đến từ dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động phải ngưng đọng lại thì tương ứng, chúng ta cũng hoàn toàn có thể có một sức bật tỷ lệ thuận, thậm chí bật nhảy mạnh mẽ hơn để phát triển, lấy lại những gì đã mất. Những tháng đầu năm 2022 đang hiển hiện điều đó rõ ràng hơn. Tôi cho rằng, có nhiều cơ hội đang mở ra đối với TPHCM và TP kiên trì thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của cả 5 năm. Trong đó, năm 2022 phấn đấu tăng trưởng 6-6,5%, số tuyệt đối GRDP đạt mức trước đại dịch (hơn 1,3 triệu tỷ đồng); trong 3 năm 2023-2025 sẽ tăng tốc phát triển để hoàn thành mục tiêu chung vào năm 2025.
- Lãnh đạo TPHCM và các chuyên gia từng đề cập đến “chiếc áo chật” của TP. Để phát triển xứng tầm và thực sự đột phá, đâu là những vấn đề cốt lõi mà TP mong mỏi được Trung ương tháo gỡ?
- Từ lâu khi nói về cơ chế quản lý của một “siêu đô thị” như TPHCM theo các quy định chung, chúng ta thường dùng hình ảnh “chiếc áo chật” trên một cơ thể lớn. Đến nay, mặc dù TPHCM vẫn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng nhìn thẳng thắn thì phát triển kinh tế chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế, tiềm năng và cơ hội của TPHCM. Thậm chí tăng trưởng kinh tế của TPHCM có xu hướng giảm tốc, không có nhiều đột phá trong bối cảnh các địa phương khác bứt tốc, tăng trưởng nhanh và thu hẹp khoảng cách với TPHCM. Đối với một đô thị lớn như TPHCM, những bất cập về phân cấp, phân quyền so với thực tế sự phát triển đô thị đặc biệt và tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM quá thấp là hai vấn đề đã và đang khiến cho TP phát triển chưa được như tiềm năng.
Cũng cần thấy rằng từ hơn 20 năm trước (năm 2001) đến nay, Trung ương đã rất quan tâm đến việc mở rộng phân cấp, thí điểm cơ chế đặc thù, đổi mới cơ chế quản lý phù hợp với quy mô và vai trò, vị trí của TPHCM. Năm nay, TPHCM tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Đây cũng là cơ hội để TPHCM kiến nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện những cơ chế, chính sách nhằm phát huy cao nhất các nguồn lực phát triển TPHCM, củng cố vị trí vai trò “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế phía Nam và cả nước trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, TPHCM sẽ kiến nghị Trung ương tiếp tục mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho TPHCM trong một số lĩnh vực như: quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội; quản lý nhà, đất và hạ tầng kỹ thuật - xã hội đô thị; quản lý ngân sách nhà nước; tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức; cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức – thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước. TPHCM cũng đề nghị giảm bớt các loại công vụ “lồng ghép”, chồng chéo giữa Trung ương và địa phương, giảm cơ chế xin – cho…
- Việc quản lý đối với một siêu đô thị 10 triệu dân như TPHCM gặp không ít thách thức. TP sẽ chú trọng những mặt nào, chuyển đổi số ra sao để quản trị và phục vụ dân một cách hiệu quả?
- TPHCM có quy mô diện tích hơn 2.000 km2, dân số hơn 10 triệu người. Nâng cao năng lực quản trị đối với một “siêu đô thị” trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ dựa vào cải cách thể chế, mà còn phải tận dụng yếu tố công nghệ, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên thế giới, đô thị thông minh là xu hướng quản trị của loại hình TP trên 10 triệu dân. Chính vì vậy, TPHCM xác định chuyển đổi số, hướng đến đô thị thông minh từ đó giúp chính quyền quản trị tốt, giúp người dân có thể dễ dàng tương tác trực tiếp với chính quyền. Hiện nay, TPHCM đang tập trung triển khai xây dựng chính quyền số, tăng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phát triển kinh tế số; chú trọng liên thông, kết nối dữ liệu lớn ở phạm vi toàn TP và phát triển Kho dữ liệu dùng chung.
- Trong phát triển, một trong các yếu tố quan trọng nhất là phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân. Trải qua những tháng ngày giãn cách xã hội, giao thương và nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng càng cho thấy vai trò của doanh nghiệp trong nước. TPHCM có giải pháp gì để kiến tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khối kinh tế tư nhân phát triển?
- Đối với TPHCM, khu vực kinh tế tư nhân có tầm quan trọng: chiếm khoảng 33% số lượng doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp; chiếm hơn 10% số lượng các hộ sản xuất kinh doanh cá thể của cả nước. Kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 55% GRDP trên địa bàn và là khu vực tạo ra giá trị, đóng góp thực sự cho ngân sách. Trong lĩnh vực đầu tư, cứ 1 đồng vốn đầu tư công của ngân sách nhà nước trên địa bàn TPHCM sẽ huy động từ 8-10 đồng vốn đầu tư tư nhân.
Vì thế, TPHCM luôn chú trọng đồng hành, kiến tạo môi trường thuận lợi, cải cách hành chính để doanh nghiệp có điều kiện phát triển, mở mang sản xuất kinh doanh. Tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức là phục vụ, phục vụ và phục vụ, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Bất cứ hành động nào gây khó khăn cho doanh nghiệp đồng nghĩa đang làm trở ngại sự phát triển của TP. TPHCM cũng trân trọng mời gọi các nhà đầu tư đến TP tìm kiếm cơ hội làm ăn buôn bán, sản xuất kinh doanh. Các tổ công tác của UBND TPHCM thường xuyên phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!