Những câu chuyện thành công
Trong thời điểm dịch Covid -19 bùng phát đã có những câu chuyện chuyển dịch kinh doanh từ offline sang online thành công. Điển hình như DN nội thất BEYOURS. Trước dịch những kênh bán hàng truyền thống vẫn vận hành tốt, nên ông chủ của thương hiệu này không chú trọng đầu tư về sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Nhưng khi showroom phải đóng cửa, kinh doanh offline ảnh hưởng nghiêm trọng do bệnh dịch, BEYOURS đã phải chuyển lên online. Kết quả, sau 20 ngày đầu tư tổng doanh số tháng 4 trên các sàn TMĐT là 2 tỷ đồng, giúp công ty vượt qua khủng hoảng.
Hay chuyện của thương hiệu lụa Tân Mỹ design. Dịch Covid-19 đã khiến cửa hàng lụa thêu tay nổi tiếng lần đầu tiên trong 51 năm không có khách. Và chủ cửa hàng đã quyết định dùng giải pháp Google để kinh doanh online.
Thực tế CĐS không chỉ dừng ở chuyển đổi mô hình kinh doanh từ offline sang online với DN bán lẻ và trong thời điểm dịch, nó có thể áp dụng ở hầu khắp lĩnh vực để mang đến những hiệu quả tối ưu trong kinh doanh như ở mảng logistics.
Là một trong những ngành xương sống của chuỗi cung ứng, một số DN cung cấp dịch vụ logistics đang có những nỗ lực đáng kể trong hoạt động CĐS, khi các mảng dịch vụ đều sử dụng công cụ điện tử, thiết bị công nghệ vào quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Đơn cử, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã ứng dụng công nghệ cảng điện tử ePort và lệnh giao hàng điện tử eDO.
Theo đó, cảng điện tử ePort cung cấp công cụ cho khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến qua thẻ thanh toán nội địa (ATM) cá nhân và tài khoản ngân hàng của DN; phát hành hóa đơn điện tử đồng thời triển khai lệnh giao hàng điện tử eDO với các hãng tàu. Theo đánh giá, cảng điện tử ePort tác động tích cực đến hoạt động của dịch vụ.
Cụ thể, khách hàng của cảng và hãng tàu tiết giảm các công đoạn di chuyển, nhận lệnh, quản lý giấy tờ thủ công; điện tử hóa quy trình làm việc, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ, chứng từ giao nhận cũng như thanh toán; giảm ách tắc giao thông khi sản lượng giao nhận hàng hóa tăng cao, đồng thời giảm 2/3 số nhân viên tại khu thủ tục.
Không dành cho tất cả
Không dành cho tất cả
Trong hành trình CĐS cần nhất chính là quyết tâm và tầm nhìn của lãnh đạo DN. CĐS không còn là lựa chọn mà trở thành điều kiện cần để đi tới thành công trong bối cảnh mới. |
Dù vậy, hiện có 3 nguyên nhân khiến DN dịch vụ logistics gặp khó trong CĐS: con người, tài chính và lựa chọn công nghệ thích hợp. Hiện nay chi phí đầu tư CĐS rất lớn, từ 200 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng cho triển khai các giải pháp logistics.
Trong khi đó hơn 80% DN hội viên của VLA và khoảng 97% DN logistics nói chung là DNNVV nên thiếu vốn đầu tư. Các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế chưa ứng dụng nhiều tại Việt Nam, gây khó khăn trong lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của mỗi DN.
Bên cạnh đó, tâm lý DN chưa thực sự tin tưởng (bảo mật, an toàn, khả năng thanh toán…) cùng với thói quen ngại thay đổi của DN.
Theo một khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và dịch cụ CNTT, tỷ lệ DN đang triển khai các hoạt động CĐS chiếm khoảng 15%. Đáng chú ý có tới 99% DNNVV đang gặp khó khăn về vốn nên thường coi CĐS là sân chơi của DN lớn.
Chỉ riêng việc triển khai ứng dụng ERP, tỷ lệ thất bại đã khoảng 80% và 20% còn lại cũng chỉ 10% DN theo đuổi và thành công. Như trong lĩnh vực bán lẻ được đánh giá có nhiều động lực chuyển đổi từ bán hàng offline qua online.
Tuy nhiên những lúng túng trong khâu chuyển đổi, thiếu kỹ năng bán hàng trực tuyến, marketing trực tuyến, hạn chế kiến thức về công nghệ… lại trở thành bài toán khó cho những DNNVV trong bước đầu số hóa.
Đi tìm trợ lực
Đi tìm trợ lực
Giữa tháng 9 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) đã ký kết hợp tác với Liên minh CĐS cho DNNVV (DTS), nhằm hỗ trợ DN trong hành trình CĐS với dự án Go Online.
Cụ thể, BSA và DTS sẽ tổ chức các lớp học miễn phí cho các học viên tham gia, giúp DN nhanh chóng tiếp cận và chuyển đổi kinh doanh số dễ dàng hiệu quả. Hay Hiệp hội DN TPHCM đã ra mắt chương trình CĐS nhằm tư vấn và hỗ trợ DNNVV. Với nguồn quỹ 4 tỷ đồng, chương trình bước đầu hỗ trợ miễn phí 6 tháng đầu tiên cho 300 DN sử dụng ứng dụng CĐS X-Starter và X-SME, giảm 20% trong 6 tháng tiếp theo.
Có 8 nhóm DN được tập trung hỗ trợ CĐS lần này là các công ty khởi nghiệp, DN thương mại dịch vụ, logistics, dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, bất động sản, bán lẻ, sản xuất và nhóm dịch vụ lữ hành lưu trú du lịch.
Trước đó, từ tháng 6-2018, Google đã khởi xướng dự án Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0. Dự án được bảo trợ bởi Bộ Công Thương kết hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM, cùng nhiều đối tác cung cấp các lớp đào tạo miễn phí về kỹ năng số, kỹ năng mềm và kỹ năng kinh doanh.
Chương trình hướng đến các DN nhỏ và siêu nhỏ và cá nhân khởi nghiệp, giúp họ cập nhật kiến thức số, tăng cường khả năng quản lý DN, tăng hiệu quả kinh doanh online. Với những hiệu quả đạt được vào tháng 8-2019, Bộ Công Thương và Google tiếp tục mở rộng chương trình này.
Ngoài ra, Google còn cung cấp giải pháp marketing trực tuyến miễn phí cho DN là “Google DN của tôi” - công cụ miễn phí cho phép DN quảng bá hồ sơ và trang web của mình trên Google tìm kiếm.