Điều đáng nói ĐHCĐ của TFC lại thiếu vắng một loạt vị trí chủ chốt như Chủ tịch HĐQT David Hồ, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Nguyệt, thành viên HĐQT Hồ Văn Trung... và chỉ có duy nhất thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính là ông Võ Thiên Chương. Chuyện gì đang xảy ra tại TFC và nhiều cổ đông ví von “Đại hội ma”.
Sốc vì vừa lên sàn đã báo lỗ
TFC có phiên giao dịch đầu tiên tại HNX vào ngày 3-12-2015 với nhiều kỳ vọng, nhưng thực tế lại tương phản hoàn toàn. Sau khi giao dịch được ít ngày, TFC báo lỗ quý IV-2015 hơn 6 tỷ đồng, quý I-2016 công ty lỗ tiếp gần 4 tỷ đồng, quý II-2016 lỗ hơn 10 tỷ đồng, và chỉ bắt đầu có lãi trong 2 quý cuối của năm 2016. Trước tiên cần khẳng định việc lãi lỗ là rất bình thường trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên cách thua lỗ của TFC lại khiến những cổ đông, NĐT và những ai có quan tâm đến công ty này cảm thấy khó hiểu.
Thứ nhất, việc TFC thua lỗ ngay sau khi lên sàn khiến nhiều NĐT bị sốc vì trước đó họ đã kỳ vọng vào ngành nghề chế biến thực phẩm của TFC sẽ tăng trưởng mạnh, nên đã bỏ ra số tiền lớn để mua TFC dưới sàn với giá hơn 3.0. Hệ quả rất rõ ràng, giá CP TFC giảm rất mạnh, từ mức giá hơn 3.6 trong phiên giao dịch đầu tiên, hiện nay CP này chỉ còn khoảng 0.7 và thanh khoản càng về sau lại càng tê liệt, không ai muốn giao dịch.
Thực tế cho thấy, nếu một số NĐT mua TFC từ dưới sàn và bán trong những phiên đầu tiên có thể thu được một phần lợi nhuận, hoặc nếu có lỗ cũng không nhiều. Nhưng rõ ràng, những NĐT đã bỏ công tìm hiểu CP và mua dưới sàn chắc chắn sẽ kỳ vọng một mức giá cao hơn để bán ra thay vì "ăn non", vì vậy không ít NĐT đã đợi, bất chấp việc CP này bị bán ra và cứ vậy mà giảm. Lý lẽ được đưa ra ở đây có khi CP đang trong giai đoạn thay máu, NĐT chốt lời, khi nào bán hết sẽ có lớp NĐT mới tham gia và giá tăng. Nhưng kỳ vọng này cứ xa dần cho đến ngày hôm nay và trong khoảng thời gian này thậm chí có NĐT mua vào TFC trung bình giá để rồi lỗ tiếp.
Thứ hai, cách ứng xử của doanh nghiệp khi CP giảm không rõ, thậm chí còn khiến NĐT cảm thấy ức chế hơn. Những thông tin giải trình về việc giảm giá của CP, tình hình kinh doanh khó khăn chung chung, không rõ ràng và đặc biệt NĐT không cảm nhận được quyết tâm thoát lỗ của ban lãnh đạo công ty, dù công ty đã làm được điều này vào nửa cuối năm 2016.
Một chi tiết đáng chú ý TFC có hệ thống phân phối sản phẩm tại một số quốc gia trên thế giới và nhiều người thắc mắc đây có phải là những công ty có liên quan đến những thành viên sáng lập của công ty không. Sự thắc mắc này có thể sẽ không lớn nếu công ty làm ăn thuận lợi, chủ động minh bạch. Đằng này, vừa làm ăn thua lỗ, hoạt động kém cỏi, CP mất thanh khoản đã khiến nhiều NĐT quan tâm đến TFC cảm giác giống như mình bị... phản bội.
Cổ đông và NĐT kỳ vọng TFC trước khi lên sàn bao nhiêu nay phải thất vọng bấy nhiêu. |
Bất ổn nội bộ?
Những gì diễn ra tại ĐHCĐ 2017 bất thành lần đầu tiên có thể xem như tận cùng của sự chán ngán. Theo như thông báo của ban tổ chức đại hội, việc các cổ đông lớn, các vị trí chủ chốt vắng mặt với lý do... trễ máy bay. Khả năng này không phải là không có, nhưng thử đặt ngược câu hỏi với một sự kiện quan trọng hàng đầu của công ty, tại sao ban lãnh đạo, những cổ đông lớn không có sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng hơn. Và nói cách nào chăng nữa, việc một ĐHCĐ tổ chức thiếu vắng Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là một sự bất thường.
Điều cần biết, ông David Hồ, Chủ tịch HĐQT hiện sở hữu gần 23% cổ phần TFC, là con trai của bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt sở hữu gần 17%, giữ ghế Tổng giám đốc và ông Hồ Văn Trung, thành viên HĐQT, giữ hơn 17% cổ phần TFC. Điều này gợi ra hình ảnh một công ty gia đình dù rằng TFC hoạt động theo mô hình CTCP. Vậy khi cả gia đình vắng mặt tại ĐHCĐ có thể tiềm ẩn những xung đột về mặt lợi ích, quyền lợi. Nếu vì lý do bất khả kháng không thể đến dự, việc ủy quyền cũng có thể thực hiện rất đơn giản. Nên câu hỏi đặt ra ở đây phải chăng gia đình ông Trung, bà Nguyệt và ông David dường như không muốn đến với ĐHCĐ này.
Một chi tiết đáng chú ý, trong Tờ trình ĐHCĐ thường niên năm 2017 của TFC có liên quan đến vấn đề ứng cử một người vào vị trí thành viên HĐQT. Đề xuất này bắt nguồn từ nhóm cổ đông lớn nắm giữ 2,57 triệu CP. Đây là nội dung đáng chú ý nhất trong số các tờ trình liên quan đến hoạt động của TFC. Điều dễ thấy là nếu kết cấu sở hữu phụ thuộc vào một gia đình, việc xuất hiện những thành viên độc lập bên ngoài có thể tạo ra những thách thức về mặt quản trị, thích nghi được hay không sẽ tùy vào sự lựa chọn của mỗi người.
Và dù lý do đằng sau một ĐHCĐ thiếu vắng Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc trong tình hình công ty làm ăn không thuận lợi, CP rơi về giá chỉ bằng ly trà đá, cũng là một hình ảnh rất xấu cho cả về thương hiệu, mối quan hệ NĐT, đặc biệt là về chất lượng quản trị. NĐT có quyền đặt câu hỏi những người đứng đầu doanh nghiệp nếu không tham dự được ĐHCĐ liệu có điều hành được doanh nghiệp hay không? Việc không xuất hiện nhằm mục tiêu né tránh điều gì? Tình trạng này dù như thế nào cũng tạo ra những lo ngại cho sự phát triển của doanh nghiệp về sau.