Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, một doanh nghiệp đang mất dần vị thế độc tôn như PLX thực sự không còn hấp dẫn với mức giá dự định mang ra chào sàn khoảng 4.0.
Dễ bị làm giá vì cơ cấu vốn cô đặc
Áp lực phải thoái vốn đa ngành hoặc bị xóa nợ mất vốn ở những khoản đầu tư thua lỗ là những rủi ro có thể phát sinh và bào mòn lợi nhuận của Petrolimex trong thời gian tới. Trong năm 2016 Petrolimex đã trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư CK hơn 20 tỷ đồng. |
etrolimex được hình thành từ việc cổ phần hóa, cấu trúc lại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam và chính thức trở thành công ty đại chúng từ năm 2012. Qua 5 năm sau IPO, tổng số vốn huy động của Petrolimex tăng từ 7.800 tỷ đồng lên 17.500 tỷ đồng. Về cơ cấu cổ đông, đến nay Petrolimex đã hoàn thành nhiệm vụ thoái vốn, đưa tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ gần 95% cổ phần giảm xuống mức 75%.
Theo số liệu công bố, cơ cấu vốn của Petrolimex khá cô đặc, trong đó Bộ Công Thương là cổ đông lớn nhất, sở hữu 75,87% vốn (tương đương 981,7 triệu CP); cổ đông chiến lược JX Nippon Oil & Energy Corporation (JX NOE) sở hữu 8% vốn (tương đương 103,5 triệu CP); các cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài chỉ nắm giữ hơn 4% vốn. Đặc biệt, Petrolimex hiện đang giữ đến 155 triệu CP quỹ (tương đương 11,98% vốn điều lệ).
Giải thích về lượng CP quỹ khủng này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, cho biết việc mua lại CP nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giá trị của doanh nghiệp trên thị trường. Vì vậy, kế hoạch bán lượng CP quỹ ra thị trường phụ thuộc vào nhu cầu vốn cho dự án và lộ trình này sẽ được quyết định tại ĐHCĐ.
Theo đó, thời gian tới Petrolimex sẽ đưa ra thị trường một số lượng CP quỹ nhằm đảm bảo tính thanh khoản của PLX sau khi niêm yết. Trong lộ trình tương lai, Petrolimex sẽ đáp ứng yêu cầu là công ty đại chúng với quy mô lớn, bảo đảm yếu tố 20% tổng số lượng CP của Petrolimex sẽ được nắm giữ bởi các cổ đông nhỏ lẻ. Song song đó, Petrolimex sẽ giảm dần tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống mức 51-65% để tạo cơ hội cho NĐT thuộc thành phần kinh tế khác tham gia. Với đối tác chiến lược JX NOE, mục tiêu hướng đến nắm giữ 20-25% vốn của Petrolimex.
Hiện nay NĐT dài hạn và tổ chức lớn quan tâm PLX vì cho rằng đây là CP thuộc lĩnh vực đặc biệt nên họ có thể chấp nhận mua PLX ở mức giá cao. Tuy nhiên, với NĐT cá nhân mức giá này không hấp dẫn, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi cơ cấu cổ đông cô đặc khiến thanh khoản thấp và dễ bị làm giá. |
Theo thông tin từ Petrolimex, PLX sẽ được niêm yết và chính thức giao dịch trên sàn HOSE vào ngày 21-4, với mức giá chào sàn không thấp hơn mức giá chào bán cho cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản trước đó. Như vậy, mức giá niêm yết nhiều khả năng không thấp hơn 39.000 đồng/CP. Hiện nay trên thị trường OTC, thị giá của PLX dao động gần mốc 50.000 đồng/CP.
Áp lực cạnh tranh và nguy cơ mất vốn
Theo kế hoạch, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam có thể chủ động được khoảng 80% nguồn nguyên liệu xăng dầu trong nước khi các nhà máy lọc hóa dầu đi vào hoạt động. Các nhà máy lọc hóa dầu này là những dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Khi đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là công ty con của PVN, cũng là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Petrolimex, sẽ có nhiều lợi thế hơn về nguồn nguyên liệu. Do đó, cục diện thị trường và sự cạnh tranh có khả năng thay đổi so với thời điểm hiện nay.
Buổi giới thiệu Petrolimex với NĐT trong và ngoài nước trước khi lên sàn. |
Không chỉ có đối thủ truyền thống như PV Oil hay Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), Petrolimex còn đối mặt với một đối thủ mới là Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsui Q8 vừa được cấp giấy phép hoạt động tháng 4-2016. 2 cổ đông của Idemitsui Q8 là Tập đoàn Idemitsui Kosan (Nhật Bản) và Công ty Dầu khí Kuwait (KPI) đang cùng chiếm 35,1% vốn trong Công ty liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn có quy mô hơn 9 tỷ USD. Theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ bán xăng dầu nhập khẩu trước, sau đó (từ giữa năm 2017) sẽ bán xăng được sản xuất từ Nghi Sơn. Điều này sẽ tạo sự cạnh tranh đối với Petrolimex trong giá bán xăng.
NĐT muốn đầu tư vào Petrolimex cũng phải lưu ý việc đầu tư ngoài ngành của tập đoàn này. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ được công bố đầu năm 2016 cho thấy ngoài ngành nghề kinh doanh chính, Petrolimex đã đầu tư hơn 2.255 tỷ đồng vào ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Trong đó, có những khoản đầu tư giá trị lớn không đúng quy định, như việc rót thêm 400 tỷ đồng vào NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), hơn 171 tỷ đồng vào bảo hiểm hay đầu tư 51 tỷ đồng vào bất động sản không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tập đoàn này còn sử dụng sai nguồn vốn đầu tư kinh doanh hơn 646 tỷ đồng cho các đơn vị thành viên vay dài hạn. Một số khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khác cũng có nguy cơ thua lỗ và mất vốn.
Tính đến thời điểm cuối năm 2016, Petrolimex có đến 70 công ty con, trong đó có 43 công ty xăng dầu do tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ, 1 công ty liên doanh và 13 công ty liên kết. Theo Nghị định 09 của Chính phủ về việc “quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác”, quy định đối vối hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, CK, công ty nhà nước chỉ được đầu tư vào mỗi lĩnh vực 1 doanh nghiệp, với mức vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn.