(ĐTTCO) - Trước tín hiệu bão hòa của lĩnh vực bán lẻ thiết bị số, 2 đại gia trong lĩnh vực này là CTCP Đầu tư Thế giới đi động (MWG) và CTCP Thế giới số (DGW) đã tính đến kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực phân phối dược phẩm. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là quyết định sáng suốt bởi lĩnh vực này vốn đang chịu áp lực cạnh tranh lớn trong khi kinh nghiệm trong lĩnh vực của 2 doanh nghiệp gần như không có.
Thị trường tiềm năng
Theo thống kế, chi tiêu thuốc của một người Việt Nam dù cao hơn so với các quốc gia có GDP bình quân đầu người tương đương, nhưng mới bằng khoảng 17% trung bình của thế giới. Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người, GDP vẫn đang tăng trưởng và ý thức sức khỏe ngày càng tăng là một thị trường rất rộng lớn để các doanh nghiệp khai thác.
Theo báo cáo của EIU về tiềm năng phát triển ngành y tế trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá nằm trong những nước đang và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhất trong thời gian tới, cùng với Indonesia và Philippines. Theo Business Monitor International (BMI), ngành dược của Việt Nam luôn tăng trưởng 2 con số, bất chấp suy thoái. Năm 2016, ngành này tăng trưởng ở mức 10,2%.
Nếu xét về quy mô của ngành, từ năm 2015 giá trị ngành dược Việt Nam đã vượt 4 tỷ USD. IMS Health dự báo tiêu thụ thuốc tại Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Dự báo này dựa trên cơ sở mức chi cho dược phẩm của người Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ khoảng 41USD/người/năm, trong khi ở Malaysia là 54USD/người/năm, Thái Lan 64USD/người/năm, Singapore 138USD/người/năm.
Thêm vào đó, Luật Dược sửa đổi (có hiệu lực từ 2017) với nhiều khuyến khích cho các doanh nghiệp nội từ đầu vào (hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu), sản xuất (cho phép nộp hồ sơ đăng ký sản xuất thuốc generic sớm), đến tiêu thụ (ưu tiên dược phẩm trong nước khi đấu thầu kênh điều trị ETC).
Do đó, thị trường dược Việt Nam có sức hút rất lớn với dòng vốn ngoại. Không ít doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội để tham gia vào chuỗi sản xuất và phân phối trong nước. Tính đến nay, ngành dược phẩm đã thu hút được hơn 40 dự án FDI với tổng giá trị 650 triệu USD.
Các dự án nổi bật gần đây có thể kể đến Sanofi (80 triệu USD), Nipro (250 triệu USD). Ngoài ra, các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia và công ty nước ngoài cũng đang đẩy mạnh mua cổ phần các công ty dược Việt Nam.
Cuộc đua của những “tay ngang”
Các doanh nghiệp nội cũng không đứng ngoài cuộc đua trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm. Điển hình là hệ thống phân phối của Phano với hơn 60 nhà thuốc. Kế đó là Pharmacity (39 nhà thuốc), Sapharo (18 nhà thuốc), Phúc An Khang (18 nhà thuốc), Mỹ Châu (8 nhà thuốc), Eco (11 nhà thuốc)...
Đáng chú ý, Vistar dù mới khai trương nhà thuốc vào năm 2016 nhưng đến nay cũng đã có được 20 nhà thuốc. Thế nhưng, cuộc đua trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm đã lôi kéo cả những doanh nghiệp vốn không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực.
Tại ĐHCĐ thường niên 2017 MWG tổ chức ngày 31-3, Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài cho biết có kế hoạch thực hiện các vụ mua bán, sáp nhập (M&A) với các doanh nghiệp bán lẻ khác trong thời gian tới. Để mở rộng kinh doanh, MWG sẽ thực hiện việc mua lại cổ phần hoặc mua đứt các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ.
Chẳng hạn, MWG có thể mua lại một chuỗi bán lẻ ngành dược phẩm ở quy mô 10-15 cửa hàng, sau đó phát triển chuỗi này lên quy mô lớn hơn. Chi phí cho toàn bộ việc M&A năm nay nằm trong khoảng 500 tỷ đồng.
Tiếp nối MWG, mới đây lãnh đạo DGW cũng úp mở về khả năng nhảy vào lĩnh vực đầy tiềm năng này. Theo DGW, thị trường y tế của Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng lớn, phân khúc khách hàng mục tiêu của mảng này là tầng lớp trung lưu sẽ tăng từ 12 triệu người trong năm 2015 lên 33 triệu người trong năm 2020. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ quan tâm tới sức khỏe cao với tỷ lệ chi trả cho y tế/GDP chiếm 5,8% (cao nhất trong khối Asean).
Tuy nhiên, thị trường phân phối thuốc tại Việt Nam hiện còn rất phân mảnh, nhiều sản phẩm chất lượng tốt nhưng không thể đến tay người tiêu dùng do khả năng phát triển thị trường của các hãng dược phẩm còn yếu. Đây cũng chính là lý do khiến DGW quyết định sẽ tham gia vào thị trường phân phối thuốc trong năm nay. Trước tiên là phân khúc thực phẩm chức năng bằng việc bắt tay với một hãng dược phẩm của Việt Nam.
MWG đang tính đến kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực phân phối dược phẩm. |
Mật ngọt có chết ruồi?
Tuy nhiên, bản thân ông Tài cũng thừa nhận đây là lĩnh vực tiềm năng những cũng không dễ ăn. Theo ông Tài, việc mua lại một doanh nghiệp bán lẻ sẽ rút ngắn thời gian so với việc phải tự mở chuỗi, phải tìm hiểu lĩnh vực kinh doanh mới. Như Bách hóa Xanh, chuỗi bán tạp phẩm trái ngành so với ngành công nghệ của MWG, phải mất 2-3 năm để tìm hiểu thị trường trước khi mở rộng phát triển ổn định.
Chính vì vậy, thay vì mua đứt MWG có thể chỉ mua 20-40% cổ phần của một chuỗi bán lẻ, sau đó vài năm sẽ mua lại toàn bộ và thực hiện việc mở rộng chuỗi. Khi mua một doanh nghiệp sẽ nhìn vào đội ngũ doanh nghiệp đó có đáp ứng được yêu cầu hay không, chứ không để ý đến doanh nghiệp đã có mấy cửa hàng.
Tương tự, lãnh đạo DGW cũng thừa nhận đối với lĩnh vực phân phối thuốc, một số chi phí như kho bãi sẽ được tiết kiệm nhưng đổi lại DGW sẽ phải xây dựng một đội ngũ bán hàng mới chuyên biệt cho mảng này. Do đó, biên lợi nhuận ban đầu sẽ chưa cao.
Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc chiến trong ngành bán lẻ dược phẩm dự báo sẽ chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho mô hình chuỗi nhà thuốc hiện đại mà các doanh nghiệp đang theo đuổi. Nguyên nhân do các quy định ngày càng siết chặt của ngành y tế trong hoạt động bán thuốc không kê đơn và thuốc kháng sinh, cộng với thị hiếu của người tiêu dùng đang có xu hướng chọn những nhà thuốc lớn thay vì các nhà thuốc nhỏ lẻ.
Song, đặc thù của lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, sức mạnh về vốn cũng như quy mô hệ thống không là yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định sự thành công chính là hệ thống hỗ trợ vận hành chuyên nghiệp để phù hợp với đặc thù riêng của ngành bán lẻ dược phẩm. Chính vì vậy, dù tiềm năng của lĩnh vực phân phối dược phẩm rất lớn nhưng rủi ro cũng không hề nhỏ, nhất là những doanh nghiệp mới.