Lao dốc kinh hoàng
Ngày 4-3, YEG bất ngờ công bố thông tin về việc chấm dứt CSHA với Youtube (sau ngày 31-3) đối với các công ty con/công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng Youtube Adsense, bao gồm SpringMe Pte. Ltd, Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
Nguyên nhân khiến Youtube chấm dứt CSHA với YEG do SpringMe Pte. Ltd (YEG sở hữu gián tiếp 16,93% cổ phần) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của Youtube. Điều này dẫn tới việc Youtube áp dụng chính sách tương tự với tất cả công ty khác liên quan tới Youtube Adsense trực thuộc YEG.
Dư địa tăng trưởng của YEG ở mảng kinh doanh truyền thống không còn nhiều, nhất là trong bối cảnh người dùng dần chuyể n từ truyền hình sang kỹ thuật số (Youtube, Facebook, Instagram, Zalo). CTCK Rồng Việt (VDSC) |
Theo báo cáo tài chính quý IV-2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của YEG đạt lần lượt 1.658 tỷ đồng (tăng hơn 97%) và 180 tỷ đồng (tăng 119%) so với mức 82 tỷ năm 2017. Trong đó, hoạt động kinh doanh dựa vào quảng cáo trên nền tảng Youtube, đóng góp 28% doanh thu và 51% lợi nhuận sau thuế của YEG.
Thông tin sốc này ngay lập tức ảnh hưởng lên giá CP YEG với hàng chục phiên giảm sàn liên tiếp. Từ mức giá 245.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 4-3), đến phiên hôm qua (20-3), YEG chỉ còn 95.700 đồng/CP (tương đương mức giảm lên đến 60%).
Điều đáng nói, trong những phiên sụt giảm kinh hoàng này, YEG thường xuyên rơi vào trạng thái không có người mua, khiến NĐT nắm giữ CP muốn bán cắt lỗ cũng không dễ. Thậm chí, ngay khi doanh nghiệp công bố kế hoạch mua lại 3,1 triệu CP quỹ, thay vì 600.000 CP như phương án ban đầu, NĐT vẫn bán tháo CP YEG do mất niềm tin vào doanh nghiệp.
Mô hình kinh doanh của Yeah1.
Bơm thổi quá đà
YEG chính thức niêm yết 27,3 triệu CP trên sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 26-6-2018, với giá tham chiếu 250.000 đồng/CP. Việc YEG chào sàn với mức giá lên đến 25.0 khiến giới đầu tư hết sức bất ngờ. Bởi thời điểm này mã CP có thị giá cao nhất trên TTCK là SAB (Sabeco) cũng chỉ ở mức 225.000 đồng/CP. Với mức giá chào sân này, P/E của YEG lên đến 50x, cao gấp 2,7 lần so với P/E bình quân của VN Index là 18,74x.
Thế nhưng, mức giá này chưa gây choáng bằng việc YEG có 3 phiên tăng trần lên tiếp lên mức giá khủng 343.000 đồng/CP. Ở mức giá này, vốn hóa thị trường của YEG lên đến 9.400 tỷ đồng (gấp 34 lần vốn điều lệ). Song, dù giao dịch ở mức cao chót vót này, vẫn có CTCK khuyến nghị NĐT mua vào YEG khi vẽ ra những viễn cảnh hết sức tươi sáng.
Thời điểm này, ĐTTC đã có bài viết khuyến cáo NĐT về những rủi ro khi đầu tư vào YEG, nhất là khi lãnh đạo doanh nghiệp này có những giao dịch mua bán 7,82 triệu CP hết sức kỳ lạ giữa Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống với VinaCapital Venture Investment Ltd (DFJ). Cụ thể, trên số báo ngày 2-7-2018, ĐTTC có bài viết “YEG - Có dấu hiệu giao dịch nội gián”, đã phản ánh những rủi ro kinh doanh và các giao dịch mua bán lòng vòng của YEG. Các thương vụ giao dịch mờ ám này của YEG đã bị Thanh tra UBCKNN xử phạt (ĐTTC cũng có bài viết về quyết định này qua bài viết “Thương vụ mua bán cổ phần YEG bị tuýt còi” trong số báo ngày 6-9-2018).
Thực tế, sau khi vượt đỉnh 340.000 đồng/CP, YEG liên tục lao dốc và nhanh chóng rớt xuống dưới mốc 200.000 đồng/CP. Mức sụt giảm này không chỉ khiến cổ đông nhỏ bị thiệt hại, ngay cả tổ chức nước ngoài là Macquarie Bank Limited (Australia) đã phải bán cắt lỗ hơn 8,1 tỷ đồng chỉ sau 1 tháng đầu tư vào YEG. Quỹ đầu tư này mua vào thời điểm YEG lên 300.000 đồng/CP.
YEG còn lại gì?
YEG còn lại gì?
Việc NĐT bán tháo CP sau khi Youtube chấm dứt CSHA là điều dễ hiểu, bởi hoạt động kinh doanh của YEG phụ thuộc quá nhiều vào mảnh kinh doanh này. Theo thống kê, nguồn thu của YEG từ 3 nguồn: doanh thu từ phát các nội dung quảng cáo được nhận từ Youtube trên kênh của các đối tác; doanh thu từ phát các nội dung quảng cáo được nhận từ Youtube trên kênh của YEG; và doanh thu quảng cáo trên kênh của YEG từ các hợp đồng trực tiếp với các nhãn hàng.
Chấm dứt hợp tác với Youtube, đồng nghĩa với việc YEG sẽ không thể chia sẻ doanh thu quảng cáo từ kênh Youtube của đối tác.
Năm 2018, khoảng 1.100 kênh của đối tác tạo ra 16,7% doanh thu và 12,9% lợi nhuận sau thuế (tương đương 1 triệu USD). Trong khi đó, khoảng 75 kênh thuộc sở hữu của YEG, trong đó có 11 kênh nội địa, tạo ra 600.000USD lợi nhuận sau thuế.
Như vậy, nếu không còn hợp tác với Youtube, YEG chỉ còn 2 mảng kinh doanh chính: kinh doanh kỹ thuật số ngoài Youtube và kinh doanh truyền thống. Hiện mảng kinh doanh kỹ thuật số của YEG bao gồm 2 hoạt động Netlink (hoạt động như một nhà quản lý xuất bản đại diện cho Google) và WebFace (quản lý Website/Facebook fanpage). Đối với Netlink, YEG đã chủ động tấn công ra thị trường nước ngoài, dù biên lợi nhuận thấp, để có thể thu hút các đối tác xuất bản.
Chính vì vậy, dù tạo ra 20% doanh thu nhưng Netlink chỉ mang lại 5% lợi nhuận gộp cho YEG. Trong khi đó, WebFace hiện đóng góp 8% doanh thu và 14% lợi nhuận gộp. YEG đang quản lý 69 Facebook fanpage với 63 triệu người theo dõi và trên 60 website với 450 triệu lượt xem/tháng.
Các mảnh kinh doanh truyền thống của YEG bao gồm các kênh truyền hình cáp, kinh doanh phim chiếu rạp và đại lý quảng cáo. Theo thống kê, các kênh truyền hình cáp thuộc sở hữu của Yeah1 Entertainment nhưng biên lợi nhuận rất thấp (3,2%). Hoạt động kinh doanh phim chiếu rạp thông qua Yeah1 CMG đóng góp không đáng kể vào kết quả kinh doanh, do mức độ tham gia của công ty vào các bộ phim chủ yếu chỉ dừng lại ở quảng cáo và tiếp thị.
Trong khi đó, mảng kinh doanh đại lý mua bán quảng cáo thông qua TNT Media ghi nhận doanh thu tăng mạnh trong năm 2018, nhờ giành được quyền phân phối quảng cáo cho 1 số kênh truyền hình. Tuy vậy, do chỉ là kênh trung gian, cùng với cạnh tranh trong ngành cao, khiến biên lợi nhuận ngày càng mỏng.
Trước khi thành lập YEG (năm 2006), ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống từng là diễn viên điện ảnh và người mẫu thời trang. Thời điểm YEG giao dịch ở mức giá 300.000 đồng/CP, lượng CP YEG ông Tống nắm giữ có giá trị lên đến 2.226 tỷ đồng. |