Tuy nhiên, thông tin Techcombank tiếp tục không chia cổ tức khiến nhiều cổ đông hết sức bức xúc, nhất là trong bối cảnh NH này vừa ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực trong năm 2016.
Lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng
Theo BCTC kiểm toán 2016, lợi nhuận còn lại có thể phân đến thời điểm cuối năm 2016 lên đến 4.519 tỷ đồng được duy trì dưới hình thức lợi nhuận không chia, nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Techcombank. Đến thời điểm hiện tại, Techcombank đã không còn nằm trong top 5 NHTMCP có vốn điều lệ lớn nhất, nhưng lại dẫn đầu về NH trả lương cao nhất cho nhân viên. |
Theo tài liệu chuẩn bị cho ĐHCĐ thường niên năm 2016 vừa được Techcombank công bố, kết thúc năm 2016 tổng tài sản của NH đạt 235.363 tỷ đồng (tăng 22,6% và đạt 106% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt 3.997 tỷ đồng (tăng 96,2% và đạt 113% kế hoạch).
Hoạt động tín dụng trong năm 2016 cũng ghi nhận được kết quả tương đối tích cực với tổng huy động đạt 173.449 tỷ đồng (tăng 21,9% và đạt 101% kế hoạch), tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2016 đạt 159.010 tỷ đồng (tăng 24,8% và đạt 100% kế hoạch), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đến cuối năm 2016 đạt 13,12%, cao hơn mức 9% theo yêu cầu của NHNN.
Tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2017 cũng được NH này công bố với mức tăng trưởng ấn tượng như: nâng tổng tài sản lên gần 280.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng trưởng 31% và dư nợ tín dụng tăng 16%, nợ xấu ở mức dưới 2% trên tổng dư nợ. Dự kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.020 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 26%.
Trong cơ cấu doanh thu của Techcombank, năm 2017 sẽ đi theo hướng tăng, trong đó đóng góp từ thu phí dịch vụ trong tổng doanh thu để giảm thiểu rủi ro tín dụng và sự phụ thuộc vào dư nợ nhờ việc tận dụng hiệu quả hệ thống NH giao dịch. NH cũng dự định sẽ tăng mạnh vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng lên mức 13.878 tỷ đồng.
Một trong những tờ trình được cổ đông quan tâm nhất chính là kế hoạch niêm yết CP trên TTCK với mã TCB. Theo đó, thời điểm chào bán dự kiến trong quý II hoặc quý III. Thời gian cụ thể sẽ do HĐQT của NH quyết định phù hợp với chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và điều kiện thị trường. Giá chào bán cụ thể sẽ do HĐQT quyết định nhưng không được thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng/CP).
Bỏ quên lợi ích cổ đông từ 2011
Theo tờ trình ĐHCĐ, Techcombank dự kiến sẽ sử dụng nguồn vốn tăng được trong năm 2017 để mở rộng mạng lưới, bao gồm: vật kiến trúc và các tài sản cố định khác (dự kiến 916 tỷ đồng), đầu tư công nghệ và trang thiết bị khác (dự kiến 1.617 tỷ đồng) và phần còn lại sẽ tăng nguồn vốn cho hoạt động tín dụng và đầu tư trái phiếu chính phủ (dự kiến 2.467 tỷ đồng). Thế nhưng, kế hoạch này không hề đả động tới việc chi trả cổ tức cho cổ đông, động thái mà NH này không thực hiện kể từ năm 2011 đến nay.
Tại ĐHCĐ năm ngoái, vấn đề này đã bị các cổ đông chất vấn khá gay gắt. Cụ thể, các cổ đông đặt hàng loạt câu hỏi khó như: tại sao lãnh đạo đã tự chia thù lao mỗi người lên đến 4-5 tỷ đồng (tổng thù lao năm 2015 của HĐQT là hơn 28 tỷ đồng), nhưng cổ đông lại không được đồng cổ tức nào.
Thậm chí, có ý kiến đề nghị đại diện NHNN thanh kiểm tra Techcombank về việc nhiều năm liền không chia cổ tức. Trước những chất vấn của cổ đông, Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh, cho rằng việc không chia cổ tức vì Techcombank bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về Basel II. Nếu phát triển được để đạt kỳ vọng quy mô và lợi nhuận, thì việc ưu tiên hàng đầu đủ vốn chủ sở hữu để đạt đủ điều kiện an toàn về vốn. Trường hợp việc phát triển không cần thiết mới chia cổ tức, còn các chỉ số cho thấy cần phải phát hành CP tăng vốn để phát triển.
“Trong mọi trường hợp, chia cổ tức hay không chia cổ tức đều nằm trong giá trị CP của cổ đông. Không ai mong muốn CP giao dịch ở giá trị thấp, mà muốn TCB lên tới 40.000-50.000 đồng/CP. Khi lên sàn, chúng ta cần có chương trình để làm sao NĐT hiểu giá trị thực của Techcombank và bỏ tiền mua cổ phần với giá hợp lý nhất” - ông Hồ Hùng Anh khẳng định.
Ảnh minh họa. |
Đi thụt lùi nhưng lương cao nhất
Những lý lẽ trên chắc chắn sẽ được HĐQT Techcombank tiếp tục mang ra để giải thích trước cổ đông năm nay về lý do tiếp tục không chia cổ tức. Tuy nhiên, các tờ trình trên không dễ được cổ đông đồng ý thông qua, bởi đây là thời điểm TCB lên sàn. Câu hỏi đặt ra là 1 CP mới chào sàn với “vết tích” 5 năm liền không chia cổ tức liệu có thu hút được sự chú ý của NĐT?
Đó là chưa kể đến hàng loạt vấn đề sẽ được cổ đông mang ra chất vấn HĐQT của NH. Đơn cử là lý do không chia cổ tức để tái đầu tư nhằm gia tăng sức cạnh tranh, nhưng nếu tính từ mốc 2011 đến nay, Techcombank hiện đang nằm ở vị trí nào nếu so với các NHTMCP không có vốn nhà nước chi phối.
Theo thống kê, thời điểm 2011 Techcombank nằm trong top 5 NHTMCP lớn nhất cùng với NHTMCP Quân đội (MBB), NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) và NHTMCP Á Châu (ACB). Thế nhưng, 4 NH này đã niêm yết từ khá lâu nhằm thu hút vốn trên TTCK cũng như minh bạch hóa hoạt động, trong khi thời điểm hiện tại Techcombank vẫn đang loay hoay đưa CP lên sàn.
Đến thời điểm hiện tại, Techcombank đã không còn nằm trong top 5 NHTMCP có vốn điều lệ lớn nhất, nhưng lại dẫn đầu về NH trả lương cao nhất cho nhân viên (trung bình 23 triệu đồng/tháng). Mức lương này cao hơn rất nhiều so với mức lương trung bình của NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là 14,83 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, VPBank lại đang dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm các NHTMCP tư nhân. Được biết, trước năm 2011, VPBank còn nằm ngoài Top 5 như đã nói ở trên, nhưng nay đã bắt kịp Techcombank về tổng tài sản, vốn điều lệ, thậm chí vượt mặt về lợi nhuận. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, VPBank luôn duy trì chính sách trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ không dưới 10%/năm.
Một trường hợp khác là MBB hiện đang bỏ xa Techcombank về quy mô tài sản, vốn điều lệ. Mặc dù lợi nhuận thấp hơn Techcombank, nhưng NH này vẫn duy trì chính sách trả cổ tức hàng năm cho cổ đông.