Cẩn trọng nhóm cổ phiếu Gia Lai

(ĐTTCO) - Từ đầu năm 2017 đến nay, nhóm CP Gia Lai bất ngờ tăng mạnh nhờ những thông tin từ việc xử lý được các khoản nợ khủng.

Thế nhưng, việc giải ngân vào nhóm CP này vẫn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro bởi tình hình kinh doanh các doanh nghiệp này không mấy sáng sủa.

Hút dòng tiền Thời điểm đầu năm 2017, mã HAG của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chỉ giao dịch trên mốc 5.000 đồng/CP. Đến phiên giao dịch ngày 23-3, HAG lần đầu tiên tăng vượt mốc 10.000 đồng/CP sau hơn 1 năm ngụp lặn dưới mệnh giá. Tương tự, công ty con CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) thời điểm đầu năm 2017 giao dịch trên mức 6.000 đồng/CP, nhưng đến nửa cuối tháng 3 mã CP này đã có thời điểm vượt mốc 13.000 đồng/CP. Một trường hợp khác là CP của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) khởi đầu năm 2017 với mức giá 2.500-2.800 đồng/CP. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, DLG chốt ở mức trên 4.300 đồng/CP. Như vậy, kể từ đầu năm 2017 đến nay, mã CP này đã ghi nhận mức tăng hơn 65%. Cùng với giá CP, thanh khoản của 3 mã CP này cũng tăng mạnh với hàng triệu CP được khớp lệnh mỗi phiên.  Nếu 3 mã CP trên đã kết thúc đợt sóng tăng, mã QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai vẫn đang trong chuỗi tăng giá rất mạnh với 15 phiên tăng trần trong 1 tháng trở lại đây. Cụ thể, thời điểm đầu năm 2017 QCG trồi sụt quanh mức 3.500 đồng/CP, nhưng đến phiên giao dịch cuối tuần qua, QCG đã tăng vượt mốc 14.000 đồng/CP, tương đương với mức tăng hơn 4 lần. Đây là mức giá cao nhất của mã CP này trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt, thanh khoản của QCG cũng gia tăng rất mạnh với nhiều phiên giao dịch vượt mốc 1 triệu đơn vị. Thậm chí, phiên giao dịch 3-5 có gần 30 triệu CP QCG được chuyển nhượng thành công.
Cẩn trọng nhóm cổ phiếu Gia Lai ảnh 1
Cẩn trọng nhóm cổ phiếu Gia Lai ảnh 2 Cẩn trọng nhóm cổ phiếu Gia Lai ảnh 3
Đầu tư bất động sản, nuôi bò, trồng cao su... đã đưa HAG gánh khoản nợ khủng,
đã vậy còn bị HOSE đưa vào diện cảnh báo.
Giải tỏa phần nào áp lực nợ Theo lý giải của giới đầu tư, sóng tăng giá của bộ đôi HAG - HNG trong những tháng đầu năm xuất phát từ thông tin trái chủ nắm giữ hơn 12.000 tỷ đồng trái phiếu đồng ý gia hạn thời gian trả nợ 3-6 năm. Cùng với đó, việc HAG hoán chuyển đổi trái phiếu thành công 20 triệu CP HNG cho Temasek là thông tin tích cực hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của bộ đôi này. Điều này có nghĩa HAG sẽ tạm thời gỡ bỏ áp lực dòng tiền trong vài năm tới để có thời gian cơ cấu lại tập đoàn. Trong khi đó, sóng tăng của QCG xuất phát từ thông tin doanh nghiệp này hoàn tất chuyển nhượng đất nền dự án Hải Châu và bàn giao căn hộ ở các dự án cho khách hàng. Đây là dự án QCG phải chi khoảng 900 tỷ đồng mua lại từ 2 đối tác là công ty con HAG và một phần từ Nhà nước tháng 3-2016. Tuy nhiên, thông tin gây nên cơn sốt giá CP chính là việc QCG chuyển nhượng thành công dự án Phước Kiểng và được tạm ứng 50 triệu USD để thanh toán nợ đến hạn cho ngân hàng. Việc thoái vốn khỏi dự án này được kỳ vọng giúp hoạt động kinh doanh QCG ổn định hơn trong thời gian tới.  Đối với DLG, sóng tăng của CP này có phần khó lý giải bởi doanh nghiệp này không có thông tin gì nổi bật, ngoại trừ kế hoạch kinh doanh năm 2017 với lợi nhuận tăng gấp đôi, vừa được ĐHCĐ thông qua. Cụ thể, DLG đặt mục tiêu doanh thu 2.800 tỷ đồng (tăng 12,42%), lợi nhuận 200 tỷ đồng (tăng 108,94%), cổ tức 5%. Theo cổ đông, đây là kế hoạch quá tham vọng của DLG sau thời gian dài làm ăn không hiệu quả và thường xuyên vỡ kế hoạch. Năm 2016, DLG đạt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt 2.800 tỷ đồng và 220 tỷ đồng, nhưng kết quả thực hiện chỉ đạt 88,95% kế hoạch doanh thu và 43,5% kế hoạch lợi nhuận. Chưa đủ cơ sở kỳ vọng Tại ĐHCĐ của DLG, nhiều cổ đông tỏ ra nghi ngờ với mục tiêu 2.800 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận HĐQT đề ra trong năm 2017. Đặc biệt, nhiều cổ đông vẫn thắc mắc mục tiêu chính của của tập đoàn là gì khi đầu tư dàn trải vào quá nhiều lĩnh vực, trong khi hiệu quả đầu tư quá mù mờ. Mới đây, DLG công bố sẽ bổ sung thêm lĩnh vực xây dựng dân dụng - cầu đường và công nghiệp vào chiến lược phát triển trong những năm tới. Hiện tại, DLG đang đầu tư vào bất động sản, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng; đầu tư hạ tầng dưới các hình thức PPP, BT, BOT; đầu tư vào năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời); sản xuất điện tử, linh kiện điện tử... Sự hưng phấn của NĐT với bộ đôi HAG - HNG đã phần nào hạ nhiệt sau khi HOSE có thông báo đưa cả cả 2 vào diện cảnh báo kể từ ngày 12-5 do thua lỗ trong năm 2016. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 của HAG là âm 1.115 tỷ đồng. Tương tự, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 của HNG là âm 984,86 tỷ đồng căn cứ BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016. Chưa dừng lại ở đây, bộ đôi này tiếp tục bị HOSE nhắc nhở do vị phạm từ 3 lần trở lên trong 1 năm về công bố thông tin. Đến lúc này, nhiều cổ đông mới vỡ lẽ về tình hình hoạt động của HAG - HNG. Liệu một doanh nghiệp đang gánh khoản nợ vay hàng chục ngàn tỷ đồng, lại thường xuyên vi phạm các quy định niêm yết, có đủ sức cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, chưa nói đến biến lỗ thành lãi như kỳ vọng của cổ đông. Đối với NĐT lỡ đua giá QCG trong những phiên giao dịch gần đây chắc hẳn sẽ “đứng ngồi không yên” với kết quả kinh doanh quý I vừa được công bố. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng, trong khi doanh thu đạt hơn 268 tỷ đồng. NĐT càng có cơ sở để lo ngại trước thông tin hàng loạt quỹ đầu tư đã bán hết CP QCG trong những phiên giao dịch gần đây. Đơn cử, các quỹ đầu tư thuộc VinaCapital như VOF Investment Limited, Asia Investment & Finance Limited và VOF PE Holding 5 Limited vừa bán ra toàn bộ 29,42 triệu CP.

Các tin khác