Đâu là lối thoát của DPM trong tình cảnh khó chồng khó này?
Điều chỉnh chỉ tiêu giảm mạnh
2016 được cho là năm khó khăn nhất từ trước đến nay của DPM trong nhiều năm lại đây, do giá khí đầu vào sau thời gian giảm xuống mức thấp đã trở lại đà tăng dần theo mức giá dầu của thị trường thế giới.
Tổng tài sản của DPM tại thời điểm ngày 31-12-2016 là 9.569 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm 10.919 tỷ đồng. Lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm 28% còn 4.098 tỷ đồng so với đầu năm 5.690 tỷ đồng. |

Thêm vào đó, giá ure thế giới có xu hướng giảm từ giữa tháng 2-2017 sẽ tác động tiêu cực đến khả năng tăng giá bán đầu ra của DPM. Trong khi đó, tổ hợp nhà máy NH3-NPK dự kiến đưa vào hoạt động trong quý III với tổng mức vốn đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng. Với suất đầu tư lớn này, tốc độ tiêu thụ sản phẩm, giá vốn sản xuất NPK và khả năng sinh lời của nhà máy chưa mang lại nhiều hy vọng trong những năm đầu.
Gánh nặng trích lập dự phòng
Sự thận trọng của DPM là điều dễ hiểu nếu nhìn vào kết quả kinh doanh quý I-2017 vừa được công bố. Theo đó, doanh thu thuần hầu như không tăng trưởng (đạt 1.978 tỷ đồng), trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 45% (đạt 223 tỷ đồng), chủ yếu do biên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh từ 40% xuống còn 30%. Điều này do tốc độ tăng của giá phân bón đầu ra (tăng khoảng 16% so với trung bình năm 2016) chưa đủ bù đắp tốc độ tăng của giá khí đầu vào (tăng khoảng 29% so với giá khí trung bình năm 2016).
Tuy nhiên, khó khăn nhất của DPM ở thời điểm hiện nay là nghĩa vụ thanh toán 25% gốc, lãi và các chi phí, tổn thất liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh thay cho PVTEX của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), thực hiện từ 2017-2029. Với khoản lỗ lũy kế lên tới 1.307 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 519 tỷ đồng vào cuối năm 2015 của PVTEX, DPM sẽ tiếp tục phải trích lập dự phòng đối với khoản trả thay này. Ước tính khoản tiền thanh toán trong năm 2017 là 78,7 tỷ đồng. Để giảm thiểu rủi ro của khoản đầu tư vào PVTEX, DPM lên kế hoạch thoái vốn kèm thoái nghĩa vụ nợ với PVTEX. Song lãnh đạo DPM cũng thừa nhận mục tiêu này khó đạt được do những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của tổng công ty.
Kỳ vọng chính sách thuế
Có thể nói kỳ vọng lớn nhất của DPM đến thời điểm hiện nay là những thay đổi chính sách thuế VAT đầu ra với phân bón. Theo phản ánh của các doanh nghiệp phân bón, hiện ngành đang gặp bất lợi trong cạnh tranh với mặt hàng nhập khẩu do nhiều cơ chế chính sách chưa phù hợp.
Theo quy định, mặt hàng phân bón được chuyển từ đối tượng chịu thuế VAT 5% sang nhóm không chịu thuế VAT. Điều này đã khiến doanh nghiệp phân bón không còn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp phân bón gia tăng, giảm khả năng cạnh tranh.
Trước những rủi ro phải đối mặt, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ về việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức 0% (thay vì miễn thuế như hiện tại). Nếu đề xuất được chấp thuận sẽ giúp giảm đáng kể chi phí và giá thành, cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu được thông qua, nhanh nhất cũng phải sau tháng 11 Luật Sửa đổi Thuế VAT đối với phân bón mới được ban hành.
Ngày 31-3, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận hồ sơ một số doanh nghiệp yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu.
Theo giải đáp của HĐQT DMP tại ĐHCĐ thường niên năm 2017, hồ sơ đề xuất áp dụng biện pháp tự vệ còn phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, đánh giá. Thế nhưng nếu được Nhà nước chấp thuận, biện pháp tự vệ này sẽ làm giảm sự bất lợi trong cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, không hoàn toàn là cơ sở để tạo sự bứt phá trong doanh thu và lợi nhuận của DPM.