Việc PLX tăng mạnh trong phiên chào sàn khiến cho giới đầu tư hết sức bất ngờ, bởi trước đó nhiều NĐT nhận định mức giá tham chiếu 43.200 đồng/CP không hấp dẫn đối với doanh nghiệp đang mất dần lợi thế độc quyền như Petrolimex.
Petrolimex tiền thân là Tổng công ty Xăng dầu mỡ, được thành lập theo Nghị định 09/BTN ngày 12-1-1956 của Bộ Thương nghiệp và được thành lập lại theo Quyết định 224/TTg ngày 17-4-1995 của Thủ tướng Chính phủ.
Là doanh nghiệp nhà nước trọng yếu, Petrolimex được xếp hạng đặc biệt, có quy mô toàn quốc, bảo đảm 60% thị phần xăng dầu cả nước. Petrolimex hiện có 41 công ty thành viên, 34 chi nhánh và xí nghiệp trực thuộc các công ty thành viên 100% vốn nhà nước, 23 công ty cổ phần có vốn góp chi phối của tổng công ty, 3 công ty liên doanh với nước ngoài và 1 chi nhánh tại Singapore.
Năm 2016 là một năm thành công của Petrolimex với các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều vượt kế hoạch ĐHCĐ thường niên 2016 thông qua, đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận. Sản lượng xăng dầu xuất án đạt hơn 11,44 triệu tấn (tăng 5,3% kế hoạch), doanh thu thuần đạt 123.097 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6.300 tỷ đồng (tăng 58,8% kế hoạch).
Với kết quả kinh doanh vượt trội, Petrolimex trình Bộ Công Thương phê duyệt phương án trả cổ tức 32,24% bằng tiền mặt, dự kiến mức chi cổ tức 3.736 tỷ đồng (tương đương 80% phần lợi nhuận sau thuế năm 2016). Nếu phương án này được thông qua, dự kiến Nhà nước sẽ thu về hơn 3.164 tỷ đồng cổ tức từ Petrolimex. Tại thời điểm 31-12-2016, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của tập đoàn đạt hơn 5.068 tỷ đồng.
Năm 2017, Petrolimex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 143.208 tỷ đồng (tăng 16,3% thực hiện 2016), lợi nhuận hợp nhất trước thuế 4.680 tỷ đồng (tăng 17% so với kế hoạch 2016).