Tất cả đều dựa trên mục tiêu xuyên suốt trong nhiều năm, đó là tối ưu hóa lợi ích cổ đông.
Đổi vị thế để giữ lợi thế
Trong những năm gần đây, SMC đã thúc đẩy và khuyến khích các đơn vị thành viên chủ động xây dựng bản sắc kinh doanh riêng của mình, nâng cao năng lực tự hạch toán và tự chịu trách nhiệm trước kết quả kinh doanh, trong khi công ty mẹ SMC giữ vai trò giám sát, hỗ trợ và điều phối. Như vậy, yêu cầu về sức mạnh của cả hệ thống sẽ ngày càng lớn, cả công ty không thể tiến vững chắc nếu có một thành viên yếu. Ông Nguyễn Ngọc Anh |
Năm 2016 cực kỳ thuận lợi của ngành thép đã dẫn đến xu hướng đầu tư rất mạnh. Rất nhiều dòng vốn, đơn vị gia nhập ngành thép sẽ dẫn đến lượng hàng hóa thời gian tới tăng mạnh. Điều này có lợi cho các nhà phân phối với sản lượng lớn như SMC (1 triệu tấn/năm), nhưng đồng thời cũng tạo ra một loạt sức ép.
Theo đó, một số nhà sản xuất sẽ nghĩ đến việc bán hàng trực tiếp cho khách hàng thay vì thông qua nhà phân phối. Theo chiều ngược lại, một số nguồn tiêu thụ sản phẩm lớn cũng thích thương lượng trực tiếp với nhà sản xuất hơn qua một khâu trung gian, nhằm tiết kiệm chi phí.
Hơn nữa, hoạt động bảo hộ và tự vệ thương mại đối với ngành thép tại nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam ngày càng có xu thế gia tăng, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu. Việc gia tăng bảo hộ cho một số đơn vị sản xuất trong nước thuận lợi hơn, trong khi các đơn vị thuần kinh doanh thương mại sẽ ngày càng khó tìm kiếm lợi nhuận.
Vì vậy, việc đa dạng hóa và chuyên sâu hóa chuỗi sản phẩm sẽ trở thành mục tiêu quan trọng của SMC nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Với hệ thống 5 nhà máy gia công, chế biến thép (coil center) được đầu tư bằng vốn tự có hoặc liên doanh với các đối tác nước ngoài (Nhật Bản), vị thế của SMC trên thị trường cơ bản đã thay đổi.
Không còn là đơn vị thương mại thuần túy như cách đây 1 thập niên, SMC giờ đã là nhà phân phối và gia công, chế biến thép chuyên nghiệp. Chuỗi sản phẩm của SMC không chỉ là thép xây dựng mà còn có cả thép tấm cán nóng, thép lá cán nguội, ống thép, với các tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng khác nhau, và sắp tới đây sẽ là thép mạ.
Năm 2017, SMC tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh dây chuyền tẩy mạ khổ 700m/m, với tổng vốn đầu tư 130 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành đi vào hoạt động, tùy theo khả năng đáp ứng sản lượng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường, công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1 trong 3 khâu tẩy, ép, mạ, nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, công ty cũng đang gấp rút tìm kiếm quỹ đất để mở rộng nhà xưởng và lưu trữ hàng hóa. Theo kế hoạch ban đầu, SMC có thể tìm kiếm được một quỹ đất diện tích 10-11ha và xây dựng phương án đầu tư 750 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay tại đại hội ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC, cho biết quỹ đất SMC được chấp thuận để đầu tư chỉ có diện tích 5ha, vì vậy tổng vốn đầu tư sẽ xuống chỉ còn 350 tỷ đồng. Ngoài việc đầu tư mới, SMC tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất hệ thống coil center hiện có. Đối với SMC Hà Nội, một đơn vị thành viên có KQKD rất khả quan trong năm 2016, công ty cũng đang xem xét đầu tư thêm phân xưởng gia công thép cán nóng, nhằm tận dụng mối quan hệ sẵn có với các nhà sản xuất lớn cũng như mở rộng mặt hàng kinh doanh tại thị trường phía Bắc.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC, trò chuyện với các cổ đông. |
Nỗ lực cao hơn kỳ vọng
Hiện nay, nếu muốn sản lượng tăng chỉ 1%, SMC sẽ phải tiêu thụ được 10.000 tấn thép. Nếu 10.000 tấn này là thép xây dựng, áp lực cạnh tranh rất lớn vì đây là sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường, sẽ có nhiều đơn vị gia nhập và sẽ tìm mọi cách để đưa giá bán về mức thấp nhất có thể.
Trong khi nếu đó là 10.000 tấn thép dẹt (thép tấm cán nóng, thép lá cán nguội) sẽ đòi hỏi khả năng tổ chức, sản xuất, gia công qua nhiều giai đoạn của SMC. Mục tiêu sản lượng tiêu thụ của SMC trong 5 năm tiếp theo sẽ ở mốc 1,2 triệu tấn thép và việc đẩy công suất của Nhà máy Ống thép Sendo lên đạt 100.000 tấn/năm vào giữa năm 2018 là điều kiện cần.
Tuy nhiên, sự phát triển của Sendo cũng lại có liên quan chặt chẽ với các hoạt động khác của SMC như gia công cán ép, tẩy mạ, gia công cắt xả, quan hệ mua hàng và phát triển sản lượng. Bên cạnh đó, công tác tài chính kế toán cần được tiếp tục đẩy mạnh nhằm đảm bảo năng lực tài chính phục vụ kinh doanh, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành.
Năm 2016, SMC đã trực tiếp nhận tổng thầu thi công nhà xưởng cho Liên doanh SMC-Toami, với giá thấp hơn 20% so với các nhà thầu khác. Dự án với diện tích nhà xưởng 10.000m2 đã được bàn giao cho chủ đầu tư Toami trong tháng 7-2016.
Đây cũng là minh chứng cho nét độc đáo về tính hệ thống SMC đã dày công xây dựng. 750 tỷ đồng vốn đầu tư cho 5 coil center không phải là một số vốn quá lớn nhưng lại tạo ra hệ thống nhà máy được xây dựng rất nhanh chóng và đi vào hoạt động có hiệu quả.
Cuối năm 2016, HĐQT SMC đã xây dựng kế hoạch kinh doanh 2017 được cho là thận trọng với lợi nhuận (LN) sau thuế trong khoảng 70-80 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 so với kết quả đạt được 2016 (362,3 tỷ đồng). Tuy nhiên, tại ĐHCĐ 2017 của công ty, kế hoạch LN đã được nâng lên gấp đôi thành 150 tỷ đồng. Nhưng một số cổ đông vẫn tỏ ra chưa hài lòng với kế hoạch này, nhất là khi ban lãnh đạo SMC công bố LN sau thuế sơ bộ quý I-2017 đã đạt 105 tỷ đồng.
"Việc kỳ vọng quý I lãi 105 tỷ đồng nên 4 quý sẽ lãi 420 tỷ đồng là điều không thể, vì còn phụ thuộc rất nhiều vào biến động giá thép, sức tiêu thụ... Tôi không phủ nhận SMC có sự thận trọng ở đây nhưng điều này phát xuất từ việc có được LN trong ngành thép hiện nay không đơn giản. Đầu năm 2017, giá thép cán nóng rơi vào khoảng 515USD/tấn, nhưng đến cuối quý I đã giảm xuống chỉ còn 470USD/tấn và xen kẽ trong giai đoạn này là những biến động giá liên tục và phức tạp.
Tại thời điểm hiện nay, rất khó để dự báo được diễn biến giá thép. Bản thân tôi cũng kỳ vọng SMC sẽ đạt lợi nhuận khoảng 180-200 tỷ đồng nhưng kế hoạch kinh doanh cần sự thảo luận, thông qua của rất nhiều cá nhân, phòng ban trong công ty với sức ép dành cho từng đơn vị là rất lớn. Vì vậy, tôi mong các cổ đông thấu hiểu cho ban lãnh đạo SMC, mặc dù kế hoạch thận trọng nhưng chúng tôi luôn cố gắng đạt được LN ở mức cao nhất nhằm tối ưu hóa lợi ích cổ đông" - ông Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.