ĐẦU TƯ CÔNG: Giảm sự 'lệch pha' giữa chính sách với thực tế bằng cách nào?

(ĐTTCO) - Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định: “Đầu tư công là trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng “lệch pha” giữa các quy định chính sách với thực tế".
Hạ tầng chưa đồng bộ làm giảm hiệu quả các dự án đầu tư công.
Hạ tầng chưa đồng bộ làm giảm hiệu quả các dự án đầu tư công.

PHÓNG VIÊN: - Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam mới đây, ADB có nhận định việc triển khai các dự án đầu tư công (ĐTC) vẫn còn những hạn chế về mặt pháp lý, dù cam kết chính trị giúp giải ngân ĐTC được cải thiện đáng kể. Ông có thể nói rõ hơn?

Ông NGUYỄN BÁ HÙNG: - Những nỗ lực cũng như cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ đã được thể hiện ở kết quả giải ngân ĐTC trong quý III với những chuyển biến tích cực, đây là điều đáng ghi nhận. Nhìn rộng hơn nữa, những năm gần đây khuôn khổ pháp luật về ĐTC của Việt Nam ngày càng được cập nhật và hoàn thiện.

Thế nhưng, thực tiễn triển khai các dự án ĐTC tại Việt Nam cho thấy các quy trình, thủ tục liên quan đến quản lý hợp đồng, dự toán chi phí vẫn chưa sát với thực tế, quá trình triển khai thường phát sinh kinh phí bổ sung. Đơn cử, định mức về chi phí theo Luật ĐTC hiện nay vẫn tương đối cứng nhắc, trong khi đó diễn biến thị trường, giá nguyên vật liệu lại biến động.

Thực tế có những dự án được phê duyệt, nhưng nhà thầu lại thiếu nguyên vật liệu để thi công hoặc giá nguyên vật liệu tăng lên, dẫn đến tình trạng thi công không đúng khối lượng. Đây là những vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân ĐTC.

Theo tôi để thúc đẩy ĐTC hiệu quả hơn, Việt Nam cần cải thiện quy định về tài chính cho ĐTC theo hướng tạo thuận lợi, phù hợp với thực tế thị trường. Các quy định pháp luật cũng không nên quá cứng nhắc, dẫn đến trở thành rào cản trong việc triển khai các dự án ĐTC, cần có sự linh hoạt nhất định.

- Bên cạnh vấn đề pháp lý, theo ông việc triển khai các dự án ĐTC của Việt Nam còn có những vướng mắc nào?

- Thứ nhất, đó là tính hiệu quả chưa cao. Tôi cho rằng ĐTC phải tính đến hiệu quả thực hiện cả trong các bước đấu thầu và giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và thanh toán. Khi nói đến hiệu suất thi công, cần tính đến yếu tố giá nguyên vật liệu, tính linh hoạt trong quản lý hợp đồng đối với nhà thầu, làm sao để các hoạt động được thực hiện hiệu quả, nhanh chóng. Những vướng mắc về giải phóng mặt bằng hay hợp đồng với nhà thầu sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai các dự án ĐTC.

Thứ hai, đó là hạ tầng chưa đồng bộ. Đối với phát triển hạ tầng, thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, nâng cấp đáng kể hệ thống hạ tầng kinh tế. Cùng với kết quả thu hút đầu tư nước ngoài tương đối thuận lợi, nhu cầu về phát triển hạ tầng ngày càng tăng, nhưng tốc độ cũng chưa nhanh như kỳ vọng, đặc biệt là tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm vẫn chậm.

Khi hạ tầng phát triển chậm, không theo kịp nhu cầu của nền kinh tế tương lai, thì hệ thống hạ tầng đó sẽ quá tải, tạo ra những khó khăn, dẫn đến chuyện tăng chi phí, thời gian, làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

- Bên cạnh câu chuyện chậm giải ngân, vấn đề làm sao để nâng cao tính minh bạch trong ĐTC cũng được dư luận rất quan tâm. Ý kiến của ông về việc này thế nào?

- Phải khẳng định rằng, muốn hoạt động ĐTC được thực hiện có hiệu quả và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, thì yêu cầu rõ ràng, minh bạch là cần thiết. Để làm được điều này, năng lực thực hiện của các đơn vị phải nâng cao hơn. Thêm vào đó, các quy định pháp luật cần đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình triển khai, bởi đôi khi quy định cứng nhắc quá sẽ dẫn đến khó thực thi trong thực tế.

Nhưng để ĐTC được công khai, minh bạch phải có hoạt động giám sát tốt. Giám sát các hoạt động ĐTC là thông lệ và bao giờ cũng có đơn vị giám sát độc lập, để đảm bảo công trình xây dựng đáp ứng được yêu cầu đặt ra của dự án. Cùng với đó, việc định kỳ kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước cũng là để đánh giá xem dự án có sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách và góp phần phát triển kinh tế - xã hội hay không.

Tuy nhiên, việc giám sát chỉ thực sự hiệu quả khi đi kèm với một khuôn khổ pháp luật phù hợp, nếu các quy định pháp luật quá cứng nhắc sẽ gây khó khăn cho các đơn vị, bộ phận liên quan trong quá trình triển khai dự án.

- Những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức. Theo ông vai trò của ĐTC đối với tăng trưởng kinh tế sẽ như thế nào?

- Tôi cho rằng rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao. Trong nước, các vấn đề có tính hệ thống trong giải ngân vốn ĐTC vẫn là điểm nghẽn, là nguy cơ chính dẫn tới suy giảm tăng trưởng.

Ở bên ngoài, kinh tế toàn cầu tăng chậm lại đáng kể và Trung Quốc phục hồi kém, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm của Việt Nam. Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng đôla Mỹ mạnh hơn, có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, dẫn đến giảm tỷ giá tiền VNĐ.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn những cơ hội có thể thúc đẩy tăng trưởng. Đơn cử, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất chế biến chế tạo tăng hơn 50 (mở rộng sản xuất) vào tháng 8 sau 5 tháng suy giảm liên tiếp, cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất dựa trên tiêu dùng.

Công nghiệp được dự báo tăng trưởng 7% trong năm 2023. Xây dựng cũng sẽ tăng nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai theo đúng kế hoạch. Và ĐTC chính là nhân tố hàng đầu để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi ĐTC sẽ giúp phục hồi các hoạt động kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, để từ đó đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.

Một số tính toán cho thấy, khoảng 30 tỷ USD ĐTC đã được Việt Nam lên kế hoạch, do đó cần tăng cường nỗ lực để xúc tiến việc chi tiêu số tiền này. Bởi điều này sẽ thực sự thúc đẩy nhu cầu thị trường, giúp tạo thêm việc làm và tăng cường các hoạt động kinh tế nói chung.

- Xin cảm ơn ông.

Định mức về chi phí theo Luật ĐTC hiện nay vẫn tương đối cứng nhắc, trong khi đó diễn biến thị trường, giá nguyên vật liệu lại biến động. Thực tế có những dự án được phê duyệt, nhưng nhà thầu lại thiếu nguyên vật liệu để thi công hoặc giá nguyên vật liệu tăng lên, dẫn đến tình trạng thi công không đúng khối lượng.

Các tin khác