Đây là một điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam năm nay.
“Ngân hàng Nhà nước quan sát rất kỹ lạm phát cơ bản, lạm phát lõi, qua đấy thấy được áp lực của lạm phát, đặc biệt là lạm phát vòng 2 khi mà giá của các mặt hàng sẽ tác động đến CPI trong thời gian tới là rất dữ dội, đây là điều mà ngân hàng Nhà nước luôn kiên định để điều hành chính sách, hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô” - đây là nhận định của ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đưa ra hồi đầu năm về áp lực lạm phát trong năm 2023.
Lạm phát là một trong những câu chuyện chính và chi phối nhất với kinh tế thế giới năm 2022. Năm 2023, lạm phát vẫn đang tiếp tục diễn ra với những điều tiết chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn được cho sẽ chưa dừng lại, tới chừng nào đáp ứng được mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Biến động lãi suất theo đó được đánh giá là một trong những yếu tố vẫn góp phần lớn tác động vào tổng thể bức tranh kinh tế 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, lạm phát năm 2023 sẽ được kiểm soát dưới ngưỡng Quốc hội cho phép, tạo đà cho kiểm soát lạm phát năm 2024.
Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay giảm xuống còn 5,2% so với dự báo trước đó là 5,8%. Trong khi tăng trưởng trong năm 2024 được dự báo duy trì ở mức 6,0%. Theo ADB, sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát lại là một điểm sáng khi chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động, được hỗ trợ bởi việc kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, giúp kiểm soát lạm phát. Lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% cho năm 2023 và 4,0% dự báo trước cho năm 2024.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá: “Chúng tôi thấy rằng Việt Nam kiểm soát thị trường tài chính tương đối ổn định. Năm nay thanh khoản thị trường tài chính đã cải thiện hơn, áp lực về lãi suất, tỷ giá ở mức độ giảm nhiệt hơn, đặc biệt đã có sự phục hồi của thị trường trái phiếu, bất động sản, qua đó góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát”.
Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát trong bối cảnh thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động. Trong năm 2023, thị trường thế giới chịu tác động đan xen bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội; tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường.
Bên cạnh đó, xung đột quân sự một số nơi trên thế giới, nhiều quốc gia có lãi suất ở mức cao, tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm, lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng chậm lại tuy vẫn ở mức cao...
Ông Frederic Neunamni, Giám đốc khối nghiên cứu kinh tế Châu Á, Ngân hàng HSBC phân tích những yếu tố tích cực trong kiểm soát lạm phát năm nay: “Chúng tôi dự báo lạm phát bình quân cả năm nay của Việt Nam là 3,4%, thời gian qua Việt Nam giảm kịp thời thuế giá trị gia tăng và thuế bào vệ môi trường với xăng dầu, bên cạnh đó nỗ lực đảm bảo nguồn cung trong nước dồi dào khiến thị trường không có bất thường”.
Với chính sách điều hành “lạ” nhưng lại hiệu quả của Chính phủ, NHNN, ngược chiều với chính sách tiền tệ của một số quốc gia trên thế giới, năm 2023, khi các nền kinh tế khác trên Thế giới đều tăng lãi suất cho vay để giảm lạm phát thì NHNN giảm lãi suất điều hành 4 lần (từ mức 0,5 - 1,5%) nhằm giảm lãi suất cho vay, các NHTM cũng đã giảm mặt bằng lãi suất.
Cũng trong năm nay, tổng giá trị các gói hỗ trợ tài khóa của Chính phủ vào khoảng gần 200.000 tỷ đồng, với giá trị thực chi tính đến tháng 10/2023 là khoảng 78.000 tỉ đồng. Tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến lạm phát.
Tuy nhiên, việc gia hạn thời gian nộp VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; giảm 30% tiền thuê đất; cho phép giãn hoãn thuế, giảm một số thuế, phí với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198.400 tỷ đồng, các NHTM cũng cơ cấu lại các khoản vay, thẩm định kỹ càng, kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng, thì với các chính sách này lại góp phần ổn định lạm phát.
Với chính sách hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng VAT 2% đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, qua đó giảm giá bán sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, giám đốc truyền thông tập đoàn Center Retail Việt Nam cho biết: “Khoảng 25% sản phẩm đang có giá tốt hơn thị trường, người dân từ nay đến cuối năm có thể mua sắm, chi tiêu cho tiêu dùng tăng lên”.
Việc kiểm soát lạm phát năm 2023 sẽ tạo dư địa cho năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều yếu tố thuận lợi trong năm 2024. Cụ thể, như: lạm phát quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo chậm lại, qua đó hạn chế áp lực “lạm phát nhập khẩu” đối với chi phí sinh hoạt và sản xuất ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào sự kiên định của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát được củng cố sau nhiều năm hoàn thành tốt mục tiêu lạm phát cũng là yếu tố rất quan trọng.Tuy nhiên, cần lường trước các thách thức, trong đó có áp lực lớn từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý (điện, giáo dục, y tế) sau gần 4 năm trì hoãn hoặc chưa thực hiện theo lộ trình trong năm 2023 và sẽ được tiếp tục điều chỉnh trong năm 2024.
Tốc độ tăng CPI bình quân năm 2024 khoảng 4 - 4,5%, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, đây là mức lạm phát hợp lý để duy trì trạng thái chính sách tiền tệ hỗ trợ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 (dự kiến khoảng 6 - 6,5%), đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ tiêu này cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc duy trì ổn định lạm phát như các năm trước, mặc dù áp lực lạm phát gia tăng, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.