Chiều tối nay (3/8), Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Một trong những vấn đề được báo chí quan tâm tại buổi họp báo là nội dung liên quan đến giá xăng dầu và giá cả hàng hóa.
Hiện nay, sau các đợt điều chỉnh, giá xăng dầu đã giảm khá sâu, tuy nhiên giá các mặt hàng dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là giá cước vận tải, vẫn ở mức cao. Vậy có biện pháp gì để kéo giảm giá các mặt hàng theo giá xăng dầu? Chính phủ chuẩn bị những công cụ, những biện pháp gì để bình ổn giá các dịch vụ hàng hóa thiết yếu này trong thời gian tới?
Liên quan đến vấn đề giá xăng dầu giảm, giá dịch vụ vận tải tăng cao, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang cho biết: Một trong những yếu tố cấu thành giá cước vận tải là giá nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí là điều dễ hiểu.
"Trong thời gian vừa qua, khi giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông tăng. Ví dụ, về đường bộ, theo thống kê của chúng tôi có đến 80-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10-15%, vận tải hàng hóa tăng từ 7-10% nhằm bù đắp cho chi phí về xăng dầu. Còn đối với vận tải hành khách công cộng ở đô thị do có trợ giá nên giá không tăng", ông Nguyễn Xuân Sang nói.
Về dường sắt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho rằng, mặc dù tỉ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chiếm đến 21-29% nhưng thời gian vừa qua, do vận tải hành khách bằng đường sắt đang trong chương trình cạnh tranh nên giá không tăng. Chỉ có giá vận tải hàng hóa bằng đường sắt tăng từ 3-5%. Đường thủy nội địa tăng khoảng 10%. Riêng về hàng hải do trước đây giá tăng cao, hiện nay giá giảm 20-25% so với thời điểm cao nhất. Và thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu tăng, hàng hải là ngành có tỉ lệ cấu thành giá từ xăng dầu lớn, nhưng các hãng tàu cũng không có thông báo tăng giá. Như vậy chỉ có một số loại cước vận tải trong đó có đường bộ, đường thủy tăng.
"Phải nói là khi giá xăng dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thời gian đầu giá xăng dầu giảm nhưng giảm không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm. Trong thời gian qua, trước tình hình như vậy, Bộ GTVT đã có một loạt chỉ đạo các đơn vị để khẩn trương triển khai các công việc như rà soát để kê khai giảm giá", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nêu rõ.
Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện 679 về việc tăng cường các biện pháp quản lý điều hành giá. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã tiếp tục có văn bản chỉ đạo các cơ quan rà soát khẩn trương, triển khai thực hiện các nhiệm vụ Bộ đã giao từ trước và đặc biệt triển khai nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong Công điện.
"Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các tổng cục, cục phối hợp chặt chẽ với các Sở GTVT địa phương để làm việc với các đơn vị. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục cũng đã triển khai tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn các Sở GTVT để triển khai các quy định về kê khai niêm yết và Công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới khi giá xăng dầu giảm ổn định thì giá vận tải cũng sẽ giảm theo giá xăng dầu", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho hay.