Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương
Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2021”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương khẳng định với phóng viên Báo SGGP trong cuộc trao đổi về những giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công.
- PHÓNG VIÊN: Ông giải thích sao về nhận định của bộ là giải ngân vốn đầu tư công là động lực chính để nền kinh tế Việt Nam có được tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất thế giới trong năm nay?
* Thứ trưởng TRẦN QUỐC PHƯƠNG: Năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020. Tính đến cuối tháng 12 đã đạt mức 82,8% và đến hết niên độ ngân sách (31-1-2021) có thể đạt khoảng 90%. Giải ngân vốn đầu tư công tích cực đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì mức tăng trưởng GDP 2,91% của Việt Nam trong năm 2020. Có được kết quả đó, yếu tố quan trọng đầu tiên cần nhắc đến là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, cũng như sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Việc này thực tế luôn được chỉ đạo quyết liệt trong nhiều năm qua. Nhưng năm 2020, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, Chính phủ đã sớm xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm kích thích sản xuất - kinh doanh, nên sự quyết liệt còn mạnh mẽ hơn nữa.
Cũng phải nói thêm rằng, năm 2020 là năm cuối thực hiện quy định của Luật Đầu tư công “cũ” (Luật số 49/2014/QH13), chuẩn bị bước sang thực hiện Luật Đầu tư công mới (Luật số 39/2019/QH14). Thực hiện Luật số 39, nếu tiến độ giải ngân không đảm bảo thì sẽ bị khấu trừ vốn đã phân bổ. Đây là động lực thúc đẩy các đơn vị đã được phân bổ vốn phải chạy đua với thời gian, đồng thời khiến công tác lập kế hoạch phải được tiến hành cẩn trọng hơn, sát với nhu cầu hơn.
- Nếu có chế tài đối với tình trạng “cứ xin phân bổ vốn về để đó, chưa giải ngân được… tính sau” thì cũng là cách thúc đẩy giải ngân chứ, thưa ông?
* Tôi cho rằng, cách đó khó hơn nhiều so với sử dụng giải pháp mang tính thị trường như Luật số 39. Bởi vì “đòi” phân bổ sớm mà không giải ngân được sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn nên các cơ quan tham mưu sẽ phải tính toán hết sức thận trọng. Bên cạnh đó, qua từng quý, Bộ KH-ĐT sẽ theo dõi, nhắc nhở. Nếu chậm trễ, đến cuối năm, theo luật mà trừ.
- Tiến độ giải ngân nhanh kỷ lục có ảnh hưởng đến chất lượng các dự án đầu tư công?
* Việc đảm bảo chất lượng dự án được pháp luật về đầu tư xác định rất rõ là trách nhiệm của cơ quan chủ quản cũng như hiệu quả của dự án thông qua công tác tư vấn giám sát.
- Những năm qua, tỷ lệ giải ngân đầu tư công không được như kỳ vọng. Những vướng mắc trong công tác này liệu có thể được tháo gỡ khi Luật số 39 được triển khai?
* Luật số 39 được thiết kế để khắc phục những điểm hạn chế của luật cũ, nâng cao hiệu quả đầu tư công nói chung, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Chẳng hạn, Luật số 49 cho phép giải ngân trong 2 năm, nên năm đầu tiên có thể vẫn có tâm lý chủ quan, không thật sự tích cực, vì vẫn còn được giải ngân trong năm sau. Nhược điểm này đã được khắc phục trong luật mới. Công tác chuẩn bị đầu tư theo luật cũ thiếu kỹ lưỡng, không hiệu quả cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến phải điều chỉnh dự án nhiều lần. Thậm chí có chương trình mục tiêu quốc gia phải nâng vốn lên tới 50%. Luật số 39 đã khắc phục vấn đề “con gà - quả trứng” của luật cũ (phải phê duyệt dự án trước rồi mới có kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư) bằng cách tách riêng phần chuẩn bị đầu tư. Tôi cho rằng một khi những bỡ ngỡ ban đầu được khắc phục, các bộ, ngành, địa phương sẽ có kinh nghiệm hơn trong lựa chọn ưu tiên đầu tư.
- Năm 2021, đến tháng 7 Quốc hội khóa 15 mới mới duyệt danh mục cụ thể các đầu tư công trung hạn. Liệu điều này có làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công?
* Đây đúng là vấn đề lớn. Bởi phải phân bổ được vốn cho các dự án cụ thể, mới có cơ sở để triển khai. Trước mắt, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp. Với dự án mới triển khai, có 2 loại: những dự án đã chuẩn bị, được phê duyệt trước 31-12-2020 thì tiếp tục làm. Các dự án chưa được phê duyệt sẽ đưa vào kế hoạch trung hạn 2021-2025 và phải chuẩn bị đầy đủ để trước ngày 31-5-2021 gửi Bộ KH-ĐT tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội khóa XV quyết định.
- Ông dự báo thế nào về bức tranh đầu tư công nói riêng và tình hình kinh tế năm 2021 nói chung?
* Tôi đã nhiều lần nói rằng, chưa bao giờ dự báo kinh tế khó khăn như hiện nay. Ngoài chuyện dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, các vấn đề như căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thiên tai, hạn hán, bão lũ… ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. Thêm vào đó, những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được khắc phục triệt để. Tất nhiên, chúng ta cũng có những thuận lợi, như tình hình chính trị - xã hội ổn định; khối đại đoàn kết các dân tộc và niềm tin của người dân, doanh nghiệp được củng cố. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao...
Hai Nghị quyết số 01 và 02 Thủ tướng vừa ký ban hành, là kim chỉ nam cho mọi chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nếu các biện pháp đề ra được thực hiện quyết liệt và hiệu quả, chúng ta có nhiều cơ sở để tin tưởng hiện thực hóa được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội quyết nghị là 6% (mục tiêu phấn đấu của Chính phủ khoảng 6,5%). Tất nhiên, để đạt mục tiêu này phải rất nỗ lực, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công.