Nhiều DN đã sẵn sàng
Sự chuyển đổi nhanh nguồn nguyên liệu nhập khẩu phải kể đến đầu tiên là trong lĩnh vực dệt may. Nhiều DN đã chuyển sang mua vải nguyên liệu từ thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, nhằm tận dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp để hưởng ưu đãi thuế suất xuất khẩu theo quy định của EVFTA.
Ông Nguyễn Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nguồn nguyên liệu dệt may tự chủ trong nước chỉ đáp ứng 20% nhu cầu sản xuất. Để được hưởng thuế suất theo EVFTA, DN cần thêm 25% nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước đã ký FTA với Việt Nam và EU. Vinatex đã nhanh chóng chuyển sang mua vải nguyên liệu tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hiện ước tính lượng vải nguyên liệu nhập khẩu từ hai thị trường trên đã bổ sung thêm khoảng 25% trên tổng lượng vải nguyên liệu sản xuất trong nước (17% từ thị trường Hàn Quốc và 8% thị trường Nhật Bản). Như vậy, nếu áp dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp thì hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn đáp ứng đủ điều kiện quy tắc xuất xứ để được hưởng thuế suất ưu đãi vào thị trường EU.
Trên lĩnh vực nông, lâm thủy sản, nhiều DN đã chuyển đổi công nghệ sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm. Công ty CP Nafood group cho biết, để thâm nhập thị trường EU, công ty đã đổi mới công nghệ sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của EU, đồng thời đầu tư xây dựng vùng trồng chanh leo quy mô 1.500ha theo quy trình sản xuất tự nhiên tại Gia Lai.
Đến nay, khi EVFTA thông qua thì vùng nguyên liệu này đã đi vào khai thác, chế biến. Với sự chuẩn bị từ trước cộng với thuế suất ưu đãi 0%, việc gia nhập thị trường EU của Nafood group gần như không có rào cản. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm (chủ yếu là chanh leo và một số loại trái cây nhiệt đới cô đặc) vào EU của công ty sẽ đạt hơn 15 triệu USD/năm.
Ở chiều ngược lại, DN châu Âu cũng gia tăng sự hiện diện của mình tại thị trường Việt Nam. Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết, nhiều DN chuyên sản xuất trang thiết bị, máy móc cho ngành dệt may, da giày, năng lượng sạch, chế biến thực phẩm… đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận DN Việt Nam. Khảo sát mới nhất của EuroCham, 1/4 DN châu Âu đã được hưởng lợi từ việc hoãn thuế của Chính phủ. Trong đó, khoảng 1/5 DN được hưởng lợi thêm từ việc giảm tiền thuê đất và tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Điều này đã giúp tăng chỉ số lạc quan của các DN châu Âu về môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam.
Tận dụng lợi thế với công nghệ “made in EU”
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, quy mô xuất khẩu vào thị trường EU trong lĩnh vực dệt may là 250 tỷ USD, nhưng Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được 5,5 tỷ USD nên dư địa thị trường còn rất lớn. Từ đầu tháng 8, khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU được hưởng thuế suất 0%. Tỷ lệ còn lại sẽ được giảm trong 3 năm và 7 năm tiếp theo. Ngoài chuyển đổi thị trường nhập khẩu nguyên liệu, các DN cần tính đến nhập khẩu và chuyển đổi công nghệ sản xuất từ châu Âu, nhất là công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu dệt may.
Ông Lê Tiến Trường phân tích, châu Âu đứng đầu thế giới về công nghệ sản xuất nguyên liệu dệt may, da giày, chế biến thực phẩm. Hơn nữa, giá cả công nghệ châu Âu cũng đã được điều chỉnh ở mức tương đồng với nhiều nước trên thế giới và ở khu vực châu Á. Do vậy, nếu hướng đến xuất khẩu vào thị trường châu Âu, việc sử dụng công nghệ sản xuất từ châu Âu có thể giúp loại bỏ ngay rào cản kỹ thuật về môi trường, trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung.
Đánh giá về tiềm năng thị trường EU thời gian tới, theo Bộ Công thương, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là châu Âu đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần, nhất là vào những tháng cuối năm, lễ, Tết, Giáng sinh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã đề xuất Chính phủ tăng thêm các tham tán thương mại tại hai thị trường trọng yếu là châu Âu và Hoa Kỳ, nhằm giúp DN có thêm thông tin sâu về nhu cầu tiêu dùng các thị trường này. Song song đó, thiết lập trang điện tử chuyên sâu về EVFTA, tuyên truyền các quy định về quy tắc xuất xứ đến DN. Riêng với một số mặt hàng nông sản, nhằm nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản ra các nước phát triển, Bộ đã triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có dán tem Idea-blockchain. Ngoài ra, Bộ cũng đã thiết lập email thương hiệu, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ cộng đồng DN xúc tiến bán hàng trên mạng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam đề nghị, các ngành chức năng tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN. Ngoài ra, luật hóa ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện để ngành phát triển bền vững, bởi đây là cơ sở nền tảng để thu hút sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đến Việt Nam và giải quyết nút thắt thiếu nguyên liệu sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Mặt khác, góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho DN xuất khẩu. |