Theo đó, với chương trình này gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ quy mô 350.000 tỷ đồng là chất kích hoạt. Dù còn khiêm tốn nếu so sánh với các gói hỗ trợ của các nước khác đã làm trong 2 năm qua, nhưng đây là gói hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam kể từ khi đổi mới đến nay.
Như vậy, chương trình hành động và nguồn lực thực hiện đều đã có. Dựa trên thông lệ chung, đây là 2 yếu tố then chốt để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Trong 2 năm qua, Việt Nam nặng về chính sách tiền tệ và nhẹ về tài khóa trong hỗ trợ nền kinh tế, nay gói hỗ trợ đã chuyển trọng tâm vào chính sách tài khóa. Thông thường, hỗ trợ tài khóa sẽ nhìn thấy ngay và có tác động nhanh hơn.
Thế nhưng đặt trong điều kiện của Việt Nam, muốn kinh tế phục hồi phát triển nhanh và như mong đợi lại đòi hỏi thêm một yếu tố thứ ba, đó là hiệu quả thực thi.
Các động thái của Chính phủ gần đây cho thấy đang ráo riết đưa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đi vào cuộc sống. Song muốn thực hiện hiệu quả lại đòi hỏi sự đồng bộ và thống nhất ở các lĩnh vực, các địa phương. Điểm vướng nằm ở đây.
Đồng bộ, thống nhất đầu tiên hiện vẫn được nhắc đến là nhận thức phòng chống dịch bệnh. Bởi các địa phương vẫn còn tình trạng mỗi nơi phòng chống dịch một kiểu, dựng lên các rào cản đối với khả năng phục hồi và phát triển kinh tế.
Tiếp theo là về cách triển khai, hành động. Về gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, đã có khá nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế sẽ không đủ năng lực hấp thụ. Nhưng nói không đủ năng lực hấp thụ là do đâu, do sức khỏe doanh nghiệp quá kém hay do tắc nghẽn đường dẫn nguồn lực là câu hỏi được PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt ra.
Lâu nay nhận định nền kinh tế không hấp thụ được vốn luôn mang ý nghĩa ám chỉ sức khỏe doanh nghiệp yếu kém. Trong khi thực chất, như ai cũng biết, tắc nghẽn hấp thụ phần lớn nằm ở thể chế, ở thủ tục hành chính.
Như vậy lúc này, phân biệt và nhìn rõ nguyên nhân để tháo gỡ đúng điểm nghẽn cho nguồn lực lưu thông là điều tối quan trọng. Nếu không nhìn nhận đúng, điểm nghẽn vẫn tắc, gói hỗ trợ không được hấp thụ, nền kinh tế sẽ chịu thiệt thòi.
Nhưng để đạt được hiệu quả, điều quan trọng nữa là dòng tiền phải đến đúng địa chỉ. Ý này nhắm đến gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023. Hiện khu vực sản xuất hàng hóa dịch vụ tuy phục hồi nhưng chậm chạp, có độ trễ nhất định.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán và bất động sản lại đang rất nóng, hút vốn nhanh và mạnh dưới nhiều hình thức. Còn khu vực tài chính ngân hàng lại rất linh hoạt. Như vậy khi thực hiện gói hỗ trợ lãi suất nói trên, nếu các đơn vị không tuân thủ quy tắc “cuộc chơi”, không đến đúng địa chỉ đến hoặc không kiểm soát chặt chẽ đường đi của những khoản hỗ trợ, sẽ dễ lặp lại vết xe đổ trong quá khứ.
Vì thông thường đảm bảo tốt thanh khoản cho thị trường thì thế nào tiền cũng vào chứng khoán và bất động sản.
Nguồn lực gói hỗ trợ phân bổ thế nào để có hiệu quả tốt nhất cũng là câu chuyện được đặt ra. Quan điểm của một vài chuyên gia kinh tế đưa ra gần đây cho rằng, nếu chia đều cho các địa phương tạo sự công bằng nhưng không tạo hiệu quả. Phải xác định tọa độ ưu tiên để tạo hiệu ứng phục hồi đột phá và phát triển.
Trong đó, TPHCM phải là một trong các tọa độ ưu tiên vì sự hồi phục phát triển kinh tế của TPHCM sẽ tạo động lực dẫn dắt sự phục hồi của kinh tế vùng và cả nước. Lúc này sự hỗ trợ của Trung ương rất quan trọng.
Để Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt được hiệu quả cao nhất, các Bộ ngành và địa phương không chỉ quyết liệt trong lời nói mà cần quyết liệt trong hành động, tôn trọng mục tiêu của Chương trình để từng khoản hỗ trợ đến đúng địa chỉ.
Nhưng đây có vẻ vẫn là một vấn đề khá khó trong bối cảnh lợi ích ngành, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ địa phương vẫn đang tồn tại. Trong bối cảnh như vậy, có lẽ sắp tới đòi hỏi phải có sự đốc thúc ráo riết và cụ thể từ phía Chính phủ trong cách tổ chức thực thi mới có thể tăng hiệu quả giải ngân gói hỗ trợ.