Tắc nghẽn cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực hạn chế là những nút thắt cần tháo gỡ để phát triển logistics vùng Đông Nam Bộ. Đây là những ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo "Logistics vùng Đông Nam Bộ - Chia sẻ và góc nhìn từ chuyên gia", do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Hiệp hội Logistics TP.HCM tổ chức hôm nay (23/11).
Hạ tầng giao thông yếu kém
Theo thống kê, vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Số lượng doanh nghiệp tập trung chủ yếu tại TP.HCM với 11.027 doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương là 1.655 doanh nghiệp và Đồng Nai có 1.223 doanh nghiệp. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” của logistics vùng Đông Nam Bộ là cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu kết nối.
Ông Huỳnh Văn Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM cho rằng: Hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu bởi đường nhỏ, hẹp, tải trọng hạn chế, đặc biệt đối với hàng container và hàng công trình; còn quá nhiều giao lộ gây tắc nghẽn, xung đột giao thông. Còn việc vận tải đa phương thức chưa phát huy hiệu quả vì thiếu kết nối giữa đường sắt – đường bộ - đường thủy nội địa.
Ông Cường nhận định, việc kết nối hạ tầng vùng là một bài toán khó, đòi hỏi các địa phương phải cùng chung tay, phát huy tiềm lực của địa phương, cùng với đó là đóng góp các sáng kiến nhằm hoàn thiện, thúc đẩy hoạt động logistics vùng thuận lợi nhất. Tuy nhiên, đến nay sự liên kết vẫn chưa mang lại hiệu quả mà vẫn là mạnh ai nấy làm.
Ông Cường nói: "Chưa có thể chế để hợp tác và kết nối phát triển logistics trong vùng. Hiện nay từng địa phương có những định hướng, chiến lược phát triển riêng để phát triển logistics của địa phương mình".
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng bộ phận nghiên cứu, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, toàn vùng Đông Nam Bộ chỉ có tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Các dự án quy hoạch đường vành đai và trục giao thông kết nối đang chậm triển khai. Về đường thủy, vùng có 6 tuyến nội địa nhưng nhiều cầu vượt sông trên các tuyến chính không bảo đảm tĩnh không, khoang thông thuyền (cầu Bình Triệu, cầu Bình Phước). Đường hàng không thì sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, hoạt động hết công suất.
Chất lượng nguồn nhân lực thấp
Một điểm yếu của logistics vùng Đông Nam Bộ được ông Tuấn chỉ ra là nguồn nhân lực. Vùng này có nguồn nhân lực hơn 217.000 người, trong khi cả nước có hơn 466.000. Như vậy vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 46,6% tổng nguồn nhân lực cả nước. Trong đó, phần lớn nguồn nhân lực tập trung tại TP.HCM, chiếm 78% khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, con số này không nói lên được chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực logistics. Theo khảo sát, hầu hết nguồn nhân lực đang làm việc trong lĩnh vực logistics chưa được đào tạo một cách chính quy, hầu hết là thông qua kinh nghiệm.
Để giải quyết vấn đề này, ông Tuấn đề xuất về mặt cơ chế, cần có sự phối hợp giữa các hiệp hội ngành logistics để có sự kết nối với các doanh nghiệp, tư vấn, tổ chức đào tạo nhân sự cho vùng Đông Nam Bộ. Còn với từng doanh nghiệp thì phải có những chính sách cụ thể hơn.
"Chú trọng nâng cao công tác đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực logistics. Ở đây chú trọng vào việc tự đào tạo, hoặc kết nối với hiệp hội logistics để gửi đi đào tạo", ông Tuấn nói.