Điều này có vẻ hợp lý khi người ta nhìn thấy cách Trung Quốc bơm thanh khoản hơn 1.200 tỷ NDT (khoảng 174 tỷ USD) để bình ổn thị trường tài chính. Trong khi đó, đồng tiền của một số nước châu Á - Thái Bình Dương như Thái Lan và Australia đều giảm giá hơn 4% tính từ đầu năm.
Đồng đôla Australia giảm xuống mức thấp nhất trong cả thập niên sau khủng hoảng tài chính 2008, trong khi Thái Lan đã cắt giảm lãi suất chính sách xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 1%. Tuy nhiên, cần suy xét kỹ trước khi chọn nới lỏng tiền tệ với hy vọng kích thích kinh tế.
Rủi ro gây bất ổn tiền tệ
Rủi ro gây bất ổn tiền tệ
Nói về hiệu quả, sự kích thích kinh tế của việc nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh hiện tại khá thấp, trong khi rủi ro gây bất ổn tiền tệ lại lớn. Bởi thực tế, từ năm ngoái tới nay, thanh khoản của hệ thống tài chính khá dồi dào.
Những ngày đầu tháng 2, lãi suất cho vay qua đêm và 2 tuần đều có xu hướng giảm và vẫn đang ở mức thấp trong nhiều năm. Không có căng thẳng thanh khoản, vậy nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất ngắn hạn hay bơm thêm thanh khoản vào nền kinh tế sẽ giải quyết được điều gì?
Điều nền kinh tế cần là giảm lãi suất trung, dài hạn đối với DN, trong khi công cụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đa phần là công cụ có thể tác động được trực tiếp lên lãi suất ngắn hạn. Trừ khi NHNN bỏ tiền ra mua trái phiếu chính phủ (TPCP) trung, dài hạn (về cơ bản NHNN in tiền ra cho chính phủ vay trung, dài hạn) như một số NHTW trên thế giới làm để hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian sau khủng hoảng tài chính 2007-2009.
Nhưng đặc thù ở Việt Nam là có mối tương quan rất ít giữa lãi suất TPCP trung, dài hạn và lãi suất cho vay trung, dài hạn của NH, cũng như lãi suất TPDN. Hiện nay một số DN thiếu vốn do vấn đề nội tại, chẳng hạn như DN bất động sản.
Vì thế, dù có giảm lãi suất TPCP đến mức nào đi nữa họ cũng sẽ thiếu vốn (như những DN phải phát hành TP với lãi suất cực cao năm ngoái). Mặt khác, với mặt bằng lãi suất TPCP trúng thầu trong tháng 1 vừa qua cũng ở mức thấp kỷ lục, 1,8% (kỳ hạn 5 năm) tới 3,8% (kỳ hạn 30 năm), tức dư địa để can thiệp bằng biện pháp này cũng chẳng còn bao nhiêu.
Nói vậy để thấy, các chính sách nới lỏng tiền tệ có rất ít dư địa để phát huy tác dụng. Trong khi đó, thông tin nới lỏng tiền tệ, hoặc các biện pháp hành chính đè nén lãi suất tiền gửi NH, lại có thể khiến người dân đổ xô mua tài sản thay thế để tích trữ, gây bất ổn lên thị trường tiền tệ.
Việc giá vàng quốc tế đang có xu hướng tăng trở lại là điều đáng chú ý người làm chính sách cần thận trọng theo dõi. Nếu người dân chuyển nhiều tiền từ tiết kiệm sang vàng, thanh khoản của hệ thống tài chính có thể sẽ cần được tiếp sức. Vì vậy, thay vì cắt giảm lãi suất ngắn hạn vào lúc này, hãy để dành dư địa cho những rủi ro như vậy.
Nguy cơ bị Mỹ áp thuế và bất ổn tỷ giá
Nguy cơ bị Mỹ áp thuế và bất ổn tỷ giá
Chọn dùng công cụ chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời điểm này vừa thiếu hiệu quả, vừa có thể sẽ “tự bắn vào chân mình”. |
Trong khi đó, Việt Nam đang nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ. Nếu nới lỏng tiền tệ thông qua nỗ lực làm giảm giá đồng tiền một cách trực tiếp hay gián tiếp để hỗ trợ DN xuất khẩu, Việt Nam có nguy cơ bị đánh thuế trừng phạt theo quy định mới của Mỹ. Hấp tấp hành động không tính toán kỹ có thể bị thiệt nhiều đường hơn là có lợi.
Vấn đề nữa cần xem xét kỹ là ổn định tiền tệ là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư quốc tế yên tâm đầu tư vào Việt Nam. Những chính sách nới lỏng tiền tệ nhiều khả năng sẽ làm tăng độ bất ổn của tỷ giá trên thị trường vì người ta sẽ bắt đầu suy đoán động thái chính sách. Tỷ giá dậy sóng là tin xấu cho giới đầu tư nước ngoài đang rót vốn vào Việt Nam.
Vì những yếu tố trên, chọn dùng công cụ chính sách tiền tệ trong thời điểm này vừa thiếu hiệu quả, vừa có thể sẽ tự bắn vào chân mình.
Công cụ thay thế: chính sách tài khóa
Công cụ thay thế: chính sách tài khóa
Dịch Covid-19 có thể được giảm nhẹ qua những hỗ trợ về mặt thuế và tăng chi tiêu công để thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới. Cụ thể hơn, DN có thể được hoàn một phần thuế thu nhập DN đã nộp trong năm trước, cũng như giảm đi chi phí nộp bảo hiểm xã hội trong thời gian xảy ra dịch bệnh.
Mặt khác, một gói kích thích kinh tế dưới dạng chi tiêu công để cải thiện hạ tầng, đẩy nhanh giải ngân các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm để tạo thêm việc làm mới, giảm bớt chi phí logistics - vốn ở mức cao hàng đầu khu vực, là cần thiết. Một gói tín dụng ưu đãi có thể cũng có hữu ích.
Vấn đề cần phải tính đến là kiểm soát được việc không giải ngân sai đối tượng. Những giải pháp này tất nhiên phải chấp nhận thâm hụt ngân sách lớn hơn dự toán và tăng vay nợ. Thế nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, buộc phải chi thêm tiền và tăng vay nợ để giúp DN không sụp đổ, nhất là DNNVV, là sự đánh đổi cần thiết.
Thật ra, trong bối cảnh dịch cúm như vậy, bỏ đi những giấy phép con, bỏ đi cơ hội nhũng nhiễu DN là cách thiết thực nhất để giúp DN cắt giảm rất nhiều chi phí không tên mà không tốn nhiều tiền. Thế nhưng đây lại là giải pháp rất khó làm vì sức ì của hệ thống trong điều kiện nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt.
Trong thời thế hiện tại, không chừng đây lại là cơ hội để quyết tâm cắt bỏ giấy phép con và làm nền kinh tế trở nên tự do, linh hoạt hơn. Đó mới là những thứ mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho nền kinh tế, không phải những chính sách nới lỏng tiền tệ ngắn hạn trong bối cảnh các lãi suất chính sách đều đã khá thấp.