Tuy nhiên, để biến ý tưởng trở thành hiện thực không phải dễ dàng, nhất là từ điểm xuất phát như hiện nay. Nhân dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, tôi xin góp vài suy nghĩ mang tính gợi ý về những vấn đề phải giải quyết trong quá trình xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM.
Ý tưởng vẫn còn hiện hữu
Đô thị sáng tạo - TP thông minh gắn liền với thời đại của kinh tế số, và rộng hơn là cuộc CMCN 4.0 đang là xu thế phát triển của các đô thị trên thế giới. Nhiều nước đã trở thành chiến lược phát triển của quốc gia, nhằm hiện thực hóa việc việc ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào đời sống kinh tế, cải thiện dân sinh và quản trị đất nước.
Từ đầu những năm 2000, khi xây dựng Khu công nghệ cao và Đại học quốc gia, TP đã có ý tưởng xây dựng khu đô thị khoa học dựa trên tam giác gồm khu công nghệ cao, khu Đại học quốc gia và khu công viên văn hóa lịch sử, sau đó với tầm nhìn rộng hơn là quy hoạch cả 3 quận gồm quận 2, 9 và Thủ Đức phía Đông TP, cùng với quy hoạch xây dựng Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, hình thành đô thị văn minh hiện đại nằm trên bờ sông Đồng Nai và Sài Gòn.
Với vị trí thuận lợi do có diện tích TP phía Đông tương đương khoảng 1/3 phố Đông Thượng Hải, song đến nay ý tưởng trên đã không thành hiện thực, trong khi cuộc sống người dân không thể chờ ý tưởng của nhà quy hoạch, của người làm chính sách, nên đã và đang diễn ra với hàng chục dự án khu dân cư trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội yếu kém.
Cho đến nay, dù ý tưởng khu đô thị khoa học và TP Đông không hình thành, nhưng 2 tác nhân quan trọng của đô thị này vẫn phát triển và đạt những thành công nhất định: khu công nghệ cao gồm khu công nghệ cao hiện hữu và khu công viên khoa học và công nghệ, với diện tích hơn 1.000ha; Đại học quốc gia TPHCM với 18 trường đại học, viện nghiên cứu với diện tích gần 650ha, dù tự nó không thể hình thành đô thị khoa học như ý tưởng ban đầu. Nhưng dù sao 2 nhân tố trên là điều kiện cần thiết và “vốn liếng” quý báu cho ý tưởng xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM.
Từ trung tâm sáng tạo khởi nghiệp đến đô thị sáng tạo
Có lẽ một trong những chức năng quan trọng nhất của Nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị là quy hoạch và tuân thủ kỷ cương xây dựng theo quy hoạch. Dù đô thị truyền thống, đô thị thông minh - sáng tạo đều bắt đầu từ ý tưởng quy hoạch, thể hiện triết lý xây dựng dài hạn của đô thị đó. Song đây là điểm yếu kém nhất ở nước ta hiện nay, trong đó TPHCM cũng không ngoại lệ.
Từ hiện trạng về chiếm hữu và sử dụng đất, kết cấu hạ tầng, dân cư… trên địa bàn 3 quận phía Đông hiện nay, đặt ra thách thức rất lớn cho nhiệm vụ quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch một đô thị sáng tạo - thông minh bên trong có từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hoạt động kinh tế, môi trường giao tiếp, kết nối… thông minh.
Dĩ nhiên, việc xây dựng đô thị sáng tạo - thông minh trên một địa bàn đến 22.000ha gồm 3 quận phía Đông sẽ được phân kỳ phát triển với tầm nhìn dài hạn, nhưng với môi trường pháp lý, phương thức quản lý đô thị như hiện nay e rằng quá khó khăn. Để có một khu đô thị thông minh sáng tạo cần 3 yếu tố là thể chế - công nghệ - con người (con người và công nghệ suy cho cùng cũng bắt nguồn từ thể chế mà ra).
Thực chất “khu đô thị sáng tạo là các khu công nghệ cao nằm trong đô thị”. Tháng 11-2018 vừa qua, tôi có dịp thăm và tìm hiểu “Georgia tech” ở TP Alanta (thuộc tiểu bang Georgia, Mỹ), là một trong 9 trung tâm sáng tạo của nước Mỹ được chính quyền liên bang tài trợ đã thể hiện rất rõ.
Chức năng của trung tâm này là đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, từ nghiên cứu cho đến quá trình đưa sản phẩm ra thị trường. Đô thị hình thành trên cơ sở hoạt động của các khu công nghệ cao, trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu… sẽ tạo ra mối quan hệ tương tác, thúc đẩy đô thị sáng tạo phát triển bền vững.
Từ thực tế địa bàn phía Đông TPHCM, tôi cho rằng trước hết nên chọn Khu công nghệ cao và Đại học quốc gia như “2 trụ”, để từ đó quy hoạch xây dựng khu đô thị sáng tạo với quy mô vừa phải, nhưng ở đó được quy hoạch và xây dựng theo tiêu chí đô thị thông minh. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ xây dựng 3 trung tâm sáng tạo khởi nghiệp ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.
Cần xem đây là cơ hội TP nắm bắt về chính sách để thực thi tại khu đô thị sáng tạo phía Đông như chủ trương của TP. Như vậy, phải chăng TP nên bắt đầu từ việc xây dựng trung tâm sáng tạo - khởi nghiệp với nền tảng là tận dụng vai trò và lợi thế của Khu công nghệ cao và Đại học quốc gia… để tạo bước đột phá khởi đầu cho ý tưởng xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông.
Khi các trường đại học chưa thể tự mình sáng tạo ra những sản phẩm, công nghệ thiết thực phục vụ đời sống, khi đó sẽ không có khu đô thị thông minh sáng tạo. Nhưng để có thể thúc đẩy sự sáng tạo trong các trường đại học, Nhà nước cần thay đổi phương thức đầu tư, không thể tài trợ cho nghiên cứu khoa học bằng cách chi tiền cho đầu vào, mà phải là tài trợ ở đầu ra như cách làm tại nhiều nền kinh tế phát triển hiện nay.
Nghĩa là Nhà nước sẽ trả tiền cho những sản phẩm được sáng tạo ra và có thể ứng dụng, chứ không phải đầu tư đầu vào nhưng cuối cùng chẳng tạo ra được sản phẩm hữu ích nào.
TPHCM đến nay là nơi lập nghiệp của người dân từ mọi địa phương của cả nước. Để TPHCM trở thành nơi khởi nghiệp, sáng tạo không chỉ cho người dân trong nước, mà ở phạm vi khu vực, thế giới, cũng như thể hiện vị trí vai trò của TP trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng chính là điều kiện để ý tưởng khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM thành hiện thực.
Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2018 với chủ đề “Kiến tạo đô thị sáng tạo - tương tác - vai trò động lực của doanh nghiệp”, với sự tham gia của hàng chục chuyên gia trong nước và quốc tế, hàng trăm doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Nhiều báo cáo khoa học có giá trị tập trung hiến kế để ủng hộ ý tưởng xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM. |