Hỗ trợ lãi suất 2%: Ngân hàng ‘dè dặt’, Chính phủ ‘trấn an’

(ĐTTCO) – Đại diện một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã tỏ ra dè dặt đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% vì lo ngại đi vào “vết xe đổ” của hơn chục năm trước, được xem là bài học đến nay vẫn còn ám ảnh các ngân hàng.
Các ngân hàng “dè dặt”
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn NHTM diễn ra chiều 6-7 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức, đại diện một số NHTM đã bày tỏ những lo ngại cũng như vướng mắc khi thực hiện nghị định này.
Vấn đề hạn mức tín dụng của các ngân hàng hiện nay được xem là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng NN&PTNT (AgriBank), cho biết, AgriBank là một trong những ngân hàng đăng ký tham gia gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 nhiều nhất bởi do tính đặc thù của ngân hàng này chủ yếu là phục vụ nhóm đối tượng là các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khó khăn hiện nay của đơn vị này chính là trần hạn mức tín dụng đã sắp hết nên khó có thể giải ngân thêm tín dụng. 
Theo ông Ấn, AgriBank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 7% trong năm 2022, song đến nay  đã tăng trưởng gần 6% tín dụng, và chỉ còn hơn 1% từ nay đến cuối năm. Do đó, dư địa để thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ không còn nhiều.
Hỗ trợ lãi suất 2%: Ngân hàng ‘dè dặt’, Chính phủ ‘trấn an’ ảnh 1 Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho rằng chúng ta mới đang ở những bước đầu tiên là phổ biến, tuyên truyền về chính sách, thời gian thực hiện là đến hết năm 2023 và việc triển khai cũng không hề dễ dàng.
Bên cạnh đó, câu chuyện tăng trưởng tín dụng hiện nay cũng gắn liền với áp lực lạm phát đang gia tăng, đặt cả ngân hàng lẫn cơ quan quản lý điều hành vào thế khó. 
“Áp lực lạm phát hiện nay rất lớn, tăng cho vay cũng là chất xúc tác đẩy áp lực của lạm phát tăng. Bài học từ các gói kích thích kinh tế trước đây đã cho thấy điều này, do đó cùng với hỗ trợ cho vay và lãi suất, phải tiếp tục kiềm chế lạm phát. Hiện nay, với tăng trưởng tín dụng ở mức 9% mà lại tiếp tục tăng trưởng tín dụng hơn nữa thì áp lực lạm phát sẽ rất lớn. 
Trong khi đó, nếu các ngân hàng vào cuộc đua tăng lãi suất thì sẽ làm tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Room tín dụng ít thì khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, còn nếu ngân hàng tự ý nới room thì lại vi phạm”, ông Ấn nói.
Cũng theo ông Ấn, một vấn đề mà các ngân hàng e ngại khi thực hiện cho vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2% đó chính là khâu kiểm toán và quyết toán. Bởi khi thực hiện, cơ quan KTNN sẽ vào để kiểm toán con số chính thức. Trong khi đó, khách hàng cho vay, ngân hàng thực hiện đúng theo như quy định hướng dẫn Thông tư 39 của NHNN. Nhưng khi kiểm toán thì yêu cầu rất nhiều nội dung, trong đó có những nội dung mà các ngân hàng không thể làm được.
Ví dụ như đối với AgriBank, đặc thù khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp với lĩnh vực hoạt động chủ yếu là nông nghiệp nông thôn, quy mô nhỏ lẻ, rất khó có thể bao quát hết.
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cho biết, cho đến bây giờ, sau chục năm, các NHTM vẫn còn thấm thía bài học trong quá khứ về triển khai hỗ trợ lãi suất “không đúng, không chính xác, không chuẩn chỉ”.
“Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ, song chúng tôi cũng muốn có những cơ chế, hướng dẫn cụ thể hơn nữa để thực hiện, để sau này không bị cho là đã làm chưa đúng.
Chúng tôi vẫn nhớ bài học về gói hỗ trợ lãi suất thời kì 2010 – 2011 mà đến nay vẫn không thể quyết toán nổi, ngân hàng phải chấp nhận đó là tổn thất. Vậy nên, đây là nhiệm vụ chính trị được giao phải làm, nhưng cần có cơ chế, cách hiểu rõ ràng để thực hiện, tránh làm không đúng”, ông Hưng nói.
Về những vướng mắc hiện nay trong thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Nguyễn Hưng cho rằng có 3 vấn đề chính cần tháo gỡ.
Thứ nhất, đó là đối tượng phải cụ thể và chính xác. Bởi số dư nợ, số khách hàng đáp ứng được yêu cầu để được hưởng hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 là không lớn.
Theo ông Hưng, riêng với TPBank thì số này chưa đến 10% tổng dư nợ. “Chúng tôi ước tính dư nợ được hỗ trợ khoảng 2 triệu tỷ đồng. Chia cho một năm rưỡi thực hiện,vậy bình quân sẽ có khoảng 1,3 triệu tỷ đồng nằm trong gói hỗ trợ lãi suất được giải ngân từ ngân sách. Nhưng vì đối tượng quy định quá chặt chẽ, nếu không cẩn thận thì sẽ không tiêu hết gói ngân sách hỗ trợ này, mục tiêu sẽ không đạt được”, ông Hưng bày tỏ lo ngại. 
Vị đại diện TPBank lấy dẫn chứng, NHNN đã có Thông tư 01, và Thông tư 03 sửa đổi quy định về hỗ trợ cho các khách hàng là doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Điều này cũng có nghĩa là những khách hàng này đã được cơ cấu lại các nhóm nợ và không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ lãi suất này. Các khoản giải ngân lại phải trước 1-8-2021.
Như vậy, các đối tượng này đáng lẽ phải được hỗ trợ để phục hồi sản xuất thì lần này họ lại không được hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2%, trong khi đây là nhóm đối tượng chiếm đa số và cần được tiếp tục hỗ trợ. Tất nhiên, điều này là khó bởi vì NHNN còn liên quan.
Thứ hai, đó là Nghị định 31 chưa quy định cụ thể về khái niệm đối tượng khách hàng nợ quá hạn.
“Quy định về khách hàng nợ quá hạn sẽ có 2 vấn đề: thứ nhất, các khách hàng trả nợ trong vòng 10 ngày kể từ ngày đáo hạn trả nợ thì không bị chuyển sang nợ nhóm 2. Nhưng ở đây, Nghị định 31 lại chỉ dùng chung khái niệm là nợ quá hạn, vậy nên hiểu theo nghĩa này thì những khách hàng bị trả nợ chậm vài ngày, nhưng chưa quá 10 ngày thì có nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ lãi suất hay không?
Thêm nữa, DN Nếu trong kỳ đó đã trả hết nợ, kỳ kế tiếp mới được hỗ trợ thì kỳ kế tiếp là kỳ trả nợ gần nhất hay là kỳ trả nợ xấu gần nhất? NHNN cần làm rõ, nếu không sẽ hỗ trợ nhầm, hỗ trợ thừa, rất phiền phức”, ông Hưng kiến nghị.
Thứ ba, đó là khâu giám sát, kiểm tra, đánh giá khách hàng sử dụng vốn theo gói hỗ trợ lãi suất 2%, điều này cần được thực hiện chặt chẽ, bởi nếu không đúng mục đích, dòng tiền chảy không đúng địa chỉ thì ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng mất vốn, ngân sách Nhà nước cũng chịu thiệt hại.
Chính phủ “trấn an”
Ghi nhận ý kiến của đại diện các ngân hàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, về gói hỗ trợ lãi suất, chính sách này không phải là chính sách mới, các nước cũng làm. Việt Nam cũng đã từng triển khai từ năm 2008-2009, nhưng khi đó chúng ta không sử dụng ngân sách nhà nước để giảm lãi suất.
Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước không thể dùng chỉ đạo hành chính để chỉ đạo các ngân hàng thương mại (hoạt động theo thị trường) giảm lãi suất. Chính vì vậy, việc sử dụng ngân sách nhà nước thông qua các ngân hàng thương mại để hỗ trợ 2% lãi suất cho những đối tượng chịu tác động của đại dịch Covid-19 là phù hợp.
Đối với các ngân hàng, Phó Thủ tướng phân tích, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống NHTM bởi không ai hiểu doanh nghiệp, hiểu khách hàng bằng ngân hàng, không tổ chức nào có hệ thống với đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp cho việc này bằng ngân hàng thương mại.
Hỗ trợ lãi suất 2%: Ngân hàng ‘dè dặt’, Chính phủ ‘trấn an’ ảnh 2 Tại hội nghị, đại diện một số NHTM đã tỏ ra dè dặt với gói hỗ trợ lãi suất 2% do lo ngại "vết xe đổ" của hơn chục năm trước.
“Triển khai chính sách này ngân hàng thương mại cũng tốt mà Nhà nước bỏ tiền ra cho vay đúng đối tượng cũng yên tâm, các doanh nghiệp, người dân cũng được thụ hưởng. Do đó, các NHTM triển khai nhiệm vụ này không chỉ có ý nghĩa đối với công việc chung của đất nước mà còn có ý nghĩa với chính mỗi ngân hàng.
Thay vì thu lợi nhuận từ khách hàng, các NHTM tham gia triển khai chính sách của nhà nước, qua đó giúp cho khách hàng của mình “khỏe lên”, gắn bó hơn với ngân hàng hơn, hoạt động của ngân hàng cũng tốt hơn. Điều này không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích thiết thực của mỗi ngân hàng thương mại”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho rằng, hiện các ngân hàng đã đăng ký vượt mức, vì vậy NHNN cần tính toán điều phối theo thứ tự ưu tiên để việc triển khai chính sách đạt được hiệu quả cao nhất, theo mức Quốc hội cho phép. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trong chức năng, nhiệm vụ được giao phải triển khai thực hiện chính sách công khai, minh bạch, rõ ràng.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì trao đổi, đề xuất để kịp thời tháo gỡ. Đối với những đề nghị của ngân hàng thương mại, hiệp hội ngành nghề nêu tại hội nghị, Phó Thủ tướng giao các bộ ngành tiếp thu, nghiên cứu để có giải pháp xử lý phù hợp.
“Việc xây dựng chính sách đã khó nhưng việc thực hiện còn khó hơn. Chúng ta mới đang ở những bước đầu tiên là phổ biến, tuyên truyền về chính sách, thời gian thực hiện là đến hết năm 2023 và việc triển khai cũng không hề dễ dàng”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Các tin khác