Hội chứng bong bóng Trung Quốc (K4): Mối đe dọa toàn cầu

Với những bong bóng tích tụ cực lớn trong các thị trường tài sản và tài chính, cùng với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán (TTCK) gần đây, Trung Quốc đang bắt đầu hạ cánh cứng. Nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới, hơn cả khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Với những bong bóng tích tụ cực lớn trong các thị trường tài sản và tài chính, cùng với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán (TTCK) gần đây, Trung Quốc đang bắt đầu hạ cánh cứng. Nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới, hơn cả khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Hội chứng bong bóng Trung Quốc (K3): Cơn lốc chứng khoán

Hội chứng bong bóng Trung Quốc (K2): Giấc mơ nhà đất

Hội chứng bong bóng Trung Quốc (K1): Quả bom hẹn giờ

Hạ cánh cứng

Những diễn biến gần đây trên TTCK Thượng Hải đã gợi nhớ đến Hoa Kỳ trước khi Phố Wall sụp đổ vào năm 1929. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite Index mất tới 29% trong tháng trước. Vụ sụp đổ TTCK năm 1929 và những thất bại chính sách sau đó đã dẫn Hoa Kỳ vào đại khủng hoảng.

Nhiều nhà phân tích nói Trung Quốc đang hướng đến một cuộc suy thoái kinh tế trên quy mô đó, nhưng cũng có người cho rằng cơn lốc trên TTCK hiện nay không nghiêm trọng. Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết dù sao TTCK vẫn cao hơn 80% so với năm ngoái và như vậy tình hình của Trung Quốc khác với Hoa Kỳ trước đây. “Chúng tôi tin rằng nền kinh tế Trung Quốc có lực đàn hồi và đủ mạnh để chịu được những biến đổi đáng kể trong thị trường” - bà nói.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lo ngại sự lao dốc của TTCK phản ánh sự suy thoái kinh tế rộng lớn hơn. Robert Shapiro, cựu cố vấn kinh tế của Bill Clinton, hiện làm việc tại Công ty Tư vấn Sonecon, nói: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng duy trì tăng trưởng đủ mạnh để tạo ra việc làm cho khoảng 10 triệu người mỗi năm. Họ làm điều này chủ yếu thông qua đầu tư công, hoặc đầu tư bán công. Rất nhiều dự án hiện nay sẽ phá sản, vì không có ai mua căn hộ và không có doanh nghiệp nào thuê văn phòng”.

Theo ông, sự hỗn loạn thị trường một phần là kết quả trực tiếp của hiện tượng này, khi giá cổ phiếu các công ty xây dựng và bất động sản bị nhấn chìm. Shapiro cũng cho rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những hậu quả của sự bùng nổ cho vay, được xem là chìa khóa để giữ nền kinh tế thịnh vượng. “Có một lượng lớn các khoản nợ xấu. Tôi nghĩ rằng các biến dạng trong nền kinh tế Trung Quốc đã tích lũy đủ lớn và xác suất hạ cánh cứng ngày càng tăng” - Shapiro nói.

Theo số liệu chính thức, GDP Trung Quốc vẫn đang ở trong tốc độ tăng trưởng phù hợp với mục tiêu 7%/năm của chính phủ. Tuy nhiên, có những câu hỏi về độ tin cậy của các số liệu chính thức. Các nhà quan sát Trung Quốc tại Công ty Tư vấn Fathom đã nghiên cứu các số liệu để đưa ra “chỉ số xung lượng Trung Quốc”.

Theo họ, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong thực tế đã giảm mạnh đến 3%. Vì thế, việc liên tục cắt giảm lãi suất gần đây không chỉ để hỗ trợ TTCK mà còn nhằm củng cố tăng trưởng.

Tác động lan rộng

Sự giảm mạnh gần đây của giá hàng hóa toàn cầu, bao gồm cả dầu, đồng và quặng sắt, được nhiều nhà quan sát thị trường tin là kết quả của nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc. Việc khối lượng thương mại toàn cầu giảm có lẽ cũng một phần do kinh tế Trung Quốc suy yếu. Điều đáng ngại, sự yếu đi của Trung Quốc diễn ra tại thời điểm mong manh của nền kinh tế toàn cầu, khi cuộc khủng hoảng khu vực đồng EUR đang tới hồi gay cấn và Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) chuẩn bị tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008.

“Hoa Kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh bất ổn kinh tế thế giới nói chung sẽ là thách thức đối với Trung Quốc” - GS. Danny Quah, chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Kinh tế London, nói. Nhưng ông khẳng định với 4.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và lãi suất vẫn ở trên 4%, Bắc Kinh vẫn có khả năng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Nhưng khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc buộc phải mở kho báu dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ tăng trưởng, cộng với việc chuyển chiến lược tăng trưởng từ xuất khẩu và đầu tư sang tiêu thụ, những chấn động sẽ được cảm nhận tại các thị trường trên toàn thế giới. Simon Derrick, Trưởng chiến lược thị trường tại Công ty Đầu tư BNY Mellon, cho biết những dấu hiệu đó đang xảy ra.

Theo đó, dự trữ Trung Quốc đã giảm khoảng 7,5%, từ gần 4.000 tỷ USD vào cuối tháng 6-2014 xuống 3.690 tỷ USD vào cuối tháng 6 năm nay. Sự thay đổi này có thể là nguyên nhân góp phần vào biến động lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ và tạo áp lực giảm một loạt tiền tệ trong những tháng gần đây, bao gồm EUR, đô la Canada và Australia.

"Đột nhiên, bạn không còn sự hỗ trợ tương tự trong 15 năm qua, đó là lý do tại sao bạn nhìn thấy rất nhiều biến động" - ông nói. Và khi FED chuẩn bị tăng lãi suất USD, Derrick cho rằng sự vắng mặt cửa mua của Trung Quốc tại các thị trường tài chính có thể tác động lớn đến thị trường tài chính thế giới, với chi phí đi vay tăng vọt ở Hoa Kỳ và các thị trường mới nổi.

Cỗ máy không bền vững

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ, nhưng xét về đóng góp tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Trung Quốc hơn hẳn. Đất nước này đã đóng góp hơn 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ năm 2008-2009. Vì vậy ngay cả sự suy giảm vừa phải ở nước này cũng có khả năng gây chấn động trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cỗ máy tăng trưởng này của thế giới vẫn tồn tại nhiều điểm không bền vững.

Thứ nhất, Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người vẫn chỉ là một phần nhỏ so với các nước tiên tiến. Với số lượng người nghèo đứng thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ, giảm nghèo vẫn còn là một thách thức cơ bản đối với Trung Quốc, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Sự lao dốc của TTCK Trung Quốc đe dọa đến kinh tế toàn cầu?

Sự lao dốc của TTCK Trung Quốc đe dọa đến kinh tế toàn cầu?

Thứ hai, quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng tại Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn và ngày càng cao trên thị trường. Nước này chiếm khoảng một nửa nhu cầu toàn cầu đối với niken, nhôm và đồng. Vì vậy, khi Trung Quốc chậm lại, giá cả hàng hóa sẽ bị nhấn chìm, giá cổ phiếu các công ty cổ phần khai thác mỏ sụt giảm và nỗi đau sẽ được cảm nhận ở các nhà xuất khẩu hàng hóa lớn, chẳng hạn như Australia.

Trung Quốc chiếm gần 1/3 lượng xuất khẩu của Australia. Trên thị trường năng lượng, với dân số khoảng 1,3 tỷ người, Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ lớn nhất thế giới khi đã vượt Hoa Kỳ để trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất. Phần lớn nguồn điện của Trung Quốc đến từ than nhưng nước này cũng là nhà sản xuất năng lượng gió lớn nhất.

Trên thị trường sắt thép, Trung Quốc là nước sản xuất lớn nhất thế giới, với hơn 822 triệu tấn trong năm ngoái, tương đương 1/2 sản lượng toàn cầu, theo Hiệp hội Thép Thế giới. Trung Quốc cũng là nhà tiêu thụ thép lớn nhất, khoảng 46% các sản phẩm thép thành phẩm trong năm 2014.

Các tin khác