Trong bối cảnh địa kinh tế - chính trị phức tạp, Việt Nam cần có những chiến lược và cách tiếp cận hiệu quả để tận dụng những cơ hội.
Chuyển động nhanh chóng của Mỹ
Chuyển động nhanh chóng của Mỹ
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng gần đây, Mỹ đã có những bước đi thực chất để hiện thực hóa tầm nhìn và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình. Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ được tổ chức vào ngày 12-5, với sự có mặt của Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các quốc gia ASEAN.
Và chỉ 2 tuần sau đó, ông Biden tiếp tục có hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khuôn khổ chuyến đi này, ngày 23-5 tại Nhật Bản, Tổng thống Biden đã khởi động IPEF với 12 đối tác ban đầu, gồm Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Sự tham gia của 13 nền kinh tế chiếm 40% GDP toàn cầu, kỳ vọng lớn được đặt vào IPEF với mong muốn định hình một khu vực kinh tế kiểu mẫu mới, tạo lập thịnh vượng chung trên cơ sở phát triển bền vững, công bằng và có sức chống chịu cao với những thách thức và khủng hoảng. Như vậy, các bước đi gần đây của chính quyền Biden đã càng lúc càng cụ thể hơn, với các kế hoạch và hành động hiện thực hóa các cam kết của Mỹ.
Trước đó, tháng 10-2021, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 16 được tổ chức tại Brunei, ông Biden đã thông báo kế hoạch về sáng kiến IPEF. Đến tháng 2-2022, Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó Mỹ sẽ giữ vai trò lãnh đạo khung khổ hợp tác kinh tế tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - IPEF được khởi động vào đầu năm 2022.
Đối trọng Trung Quốc
Đối trọng Trung Quốc
Dù không có từ ngữ nào nhắc đến Trung Quốc, nhưng không khó để nhận ra IPEF muốn tạo ra hệ thống mới, mô thức phát triển mới với những giá trị cốt lõi đối lập với mô thức Trung Quốc đang phát triển và tạo lập ảnh hưởng hiện nay. Các chỉ trích chính lâu nay nhắm vào Trung Quốc tập trung vào 3 điểm chính.
Thứ nhất, Trung Quốc sử dụng các công cụ bảo hộ thị trường trong nước để cạnh tranh thiếu công bằng. Chính phủ nước này tài trợ cho các doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp nhà nước về vốn, định giá thấp đồng nhân dân tệ để tạo lợi thế xuất khẩu; dựng các rào cản kỹ thuật để ngăn cạnh tranh từ nước ngoài, khuyếch trương tinh thần dân tộc để khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa…
Tất cả công cụ, dù bị chỉ trích không công bằng và hợp lý đều có thể được Trung Quốc sử dụng để tạo lợi thế tối đa cho doanh nghiệp nước này. Lợi ích Trung Quốc là cốt lõi và đặt trên lợi ích quốc gia khác, không thể tạo ra thương mại và phát triển kinh tế công bằng giữa các quốc gia.
Chỉ trích thứ hai nhắm vào việc Trung Quốc thiếu trách nhiệm trong nỗ lực toàn cầu chống phát thải khí nhà kính. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và quy mô dân số lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang là quốc gia có khối lượng phát thải lớn nhất thế giới.
Mục tiêu giảm phát thải ròng về không (zero carbon) vào năm 2050, qua đó ngăn chặn đà xu thế ấm nóng toàn cầu, sẽ không thể đạt được nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục mô hình kinh tế thiếu thân thiện với môi trường như hiện nay.
Thứ ba, trong khi Mỹ - Trung cạnh tranh quyết liệt trên mặt trận công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, Trung Quốc lựa chọn mô hình “đóng” dựa trên ưu thế thị trường khổng lồ dân số trẻ. Trung Quốc dựng “Vạn Lý tường lửa” (Great Firewall), kiểm soát chặt chẽ và luôn tìm cách “xua đuổi” các công ty công nghệ nước ngoài, thông qua các quy định về kiểm soát kiểm duyệt nội dung, kiểm soát dữ liệu người dùng, ưu ái mạng xã hội, các platform và ứng dụng trong nước thông qua cổ súy tinh thần dân tộc, cùng hàng loạt chính sách bổ sung khác.
Điều này khiến không gian mạng Trung Quốc trở thành một thế giới “đóng”, ít liên kết với nước ngoài. Hệ quả, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khi vươn ra nước ngoài đều phải tìm một vỏ bọc khác. Thí dụ thành lập doanh nghiệp ở Singapore, từ đó đầu tư và mở rộng thị trường sang nước thứ 3. Tikok, hay các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shoppee cũng là những thí dụ.
Như vậy có thể thấy 3 mục tiêu: công bằng và hài hòa lợi ích, kinh tế xanh chống biến đổi khí hậu và kinh tế số/kinh tế kết nối được thiết kế, chính là một dạng “đối trọng” với mô hình Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung của thế kỷ 21 trở thành cạnh tranh về mô hình phát triển và thu hút ủng hộ quốc tế cho mô hình đó; và con đường phát triển dài hạn, không phải của chỉ riêng 2 quốc gia còn là của toàn cầu.
Việt Nam và những câu hỏi đặt ra
Việt Nam và những câu hỏi đặt ra
Dù Tổng thống Mỹ chưa đến Việt Nam, nhưng chưa có thời điểm nào trong lịch sử khi trong khoảng thời gian ngắn 1 năm, 3 nhân vật thuộc cấp cao cấp nhất trong chính quyền Mỹ gồm Phó Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đều đã thăm Việt Nam. Với vị trí địa chính trị đặc biệt nhạy cảm khi ở tâm điểm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng có cơ hội lớn trong bàn cờ chính trị - kinh tế toàn cầu thế kỷ 21.
Tuy nhiên, những rủi ro khi điều hòa mối quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc cũng không hề nhỏ. Xung đột Nga - Ukraine hiện nay nhắc nhở rằng, xử lý bài toán địa chính trị phức tạp để duy trì hòa bình và ổn định không hề là bài toán dễ dàng, đặc biệt đối với Việt Nam. Vậy những chiến lược và bước đi nào là phù hợp để tối ưu hóa lợi ích quốc gia? Vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận.
Thuế quan và thương mại không phải là trọng tâm chính trong mục tiêu và hoạt động của IPEF. Nhưng IPEF đi xa hơn, khi cố gắng xác lập mô hình tăng trưởng mới, với những giá trị mới nhắm vào đổi mới sáng tạo, những ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn… |