Trước diễn biến giá dầu thô cũng như xăng, dầu thành phẩm trên thị trường thế giới giảm sâu, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách tiêu thụ tối đa lượng xăng, dầu sản xuất trong nước.
Tồn kho ở mức cao
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, cơ cấu nguồn cung xăng dầu quý 1/2020 hiện ở mức 30% là nhập khẩu, tương ứng 1,85 triệu m3/tấn, sau khi trừ đi phần tái xuất còn khoảng 1,4 triệu m3/tấn và 70% là sản xuất trong nước, tương ứng khoảng 3,3 triệu tấn.
Riêng mặt hàng xăng trong quý đầu năm nguồn nhập khẩu chỉ khoảng 18,62% trong khi sản xuất trong nước là 81,38%, vượt xa so với quý 4/2019 với cơ cấu nguồn xăng là 39% nhập khẩu và 61% là sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tiêu thụ hàng hóa nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng giảm mạnh.
Thống kê cho thấy lượng tồn kho xăng dầu tăng cao ở cả doanh nghiệp sản xuất là nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn cũng như doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Theo số liệu của Hiệp Hội Năng lượng Việt Nam, hiện mức tồn kho xăng dầu trong nước đang ở mức trên 90% so với quy định, mức rất cao có thể đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong vài tháng tới.
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã có công văn số 1730/BCT-TTTN ngày 11/3/2020 đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và ưu tiên mua hàng từ nguồn sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước xuất khẩu bổ sung 136.000 tấn xăng RON95 trong trường hợp không tiêu thụ hết tại thị trường nội địa.
Tối ưu hóa, tiết giảm chi phí vận hành
Về việc điều hành giá xăng dầu trong bối cảnh dịch COVID-19, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết đã phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc hỗ trợ đời sống của người dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm giá bán xăng dầu trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng thực hiện trích lập quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức hợp lý để có dư địa điều hành giá xăng dầu những kỳ tiếp theo trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang có diễn biến phức tạp, khó lường.
Duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Hiện tại, Việt Nam có hai Nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (đều có vốn góp của PVN), đáp ứng trên 80% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Thời gian vừa qua, do tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu, các Nhà máy lọc dầu trong nước gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu nghiên cứu, thực hiện các giải pháp như: tối ưu hóa, tiết giảm chi phí vận hành và giảm giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có cơ chế thanh toán linh hoạt và điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường như giảm công suất, điều chỉnh cơ cấu chủng loại sản phẩm Nhà máy lọc dầu, xuất khẩu sản phẩm trong nước không tiêu thụ hết...
Về phía các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương yêu cầu điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách tiêu thụ tối đa lượng xăng, dầu sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu về thuế, tiền tệ..., đồng thời khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh.