Kinh tế các nước sống chung với dịch

Kinh tế các nước sống chung với dịch: Trung Quốc “chiến đấu” đến cùng?

(ĐTTCO) - Dù thành công trong việc ngăn chặn virus, nhưng Bắc Kinh đã không tận dụng được cơ hội để quảng bá hình ảnh của mình. Sự bùng phát của biến thể Covid-19 Delta đang đe dọa quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về cái giá phải trả của chiến lược ngăn chặn virus nghiêm ngặt.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 8% trong năm nay nếu virus được kiểm soát tốt.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 8% trong năm nay nếu virus được kiểm soát tốt.
Những phản ứng khó hiểu
Bất chấp những thất bại ban đầu nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược khóa cửa nghiêm ngặt, cùng với việc truy tìm tiếp xúc toàn diện trên khắp đất nước. Đến mùa thu năm 2020, khi phần lớn thế giới vẫn còn trong tình trạng khóa cửa, người ta có thể thấy công dân Trung Quốc đang tận hưởng các bữa tiệc hồ bơi ở Vũ Hán, tổ chức lễ hội bia ở Thanh Đảo, hoặc khiêu vũ trong các hộp đêm ở Thượng Hải. 
Tuy nhiên, sau khi các chiến dịch tiêm chủng tiến triển ở EU và Mỹ, các nước này bắt đầu cấp thị thực trở lại, thậm chí mở cửa biên giới cho du lịch quốc tế. Ở Trung Quốc cuộc sống dù đã trở lại bình thường, nhưng biên giới vẫn tiếp tục bị đóng cửa đối với hầu hết khách nước ngoài. Ngoài việc gây khó khăn cho những người muốn vào, điều này sẽ gây bất lợi cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Bởi lẽ, dù phần lớn Trung Quốc đã trở lại giảng dạy trực tiếp, nhưng hầu hết công dân nước ngoài đã phải từ bỏ kế hoạch học tập tại Trung Quốc. 
Trong khi hầu hết quốc gia đã thiết kế các chính sách kiểm dịch xung quanh thời gian ủ bệnh ước tính theo khoa học là 14 ngày, những khách quốc tế đến Trung Quốc phải kiểm dịch trong 3 tuần. Những người nhập cảnh dù có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19, nhưng xét nghiệm dương tính với kháng thể do tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh, có thể ngay lập tức bị chuyển vào bệnh viện cách ly trong nhiều tuần. Các chuyên gia y tế đã gọi đây là sự tập trung đáng nghi vấn về mặt khoa học, đồng thời chỉ trích việc sử dụng miếng gạc hậu môn khi khách đến, vì chúng kém hiệu quả hơn các xét nghiệm đường hô hấp và không cần thiết.

Rủi ro với làn sóng mới
Các nhà chức trách Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với các đợt bùng phát mới ở ít nhất ở 17 tỉnh, theo Ủy ban Y tế Quốc gia của nước này. Số ca nhiễm mới hàng ngày đã tăng lên 143 ca vào ngày 9-8, cao hơn gấp đôi so với con số một tuần trước đó, khi quốc gia này chứng kiến số ca nhiễm hàng ngày cao nhất sau nửa năm. Dù những con số đó rất nhỏ so với Mỹ và các quốc gia khác, nhưng chiến lược không khoan nhượng của Trung Quốc cho thấy họ đang phản ứng bằng các biện pháp cứng rắn, bao gồm khóa cửa các khu dân cư và hủy bỏ các sự kiện công cộng. Các nhà kinh tế cho rằng những bước đi đó có thể sẽ tác động đáng kể đến sự tăng trưởng của Trung Quốc nếu không sớm loại bỏ được virus. 
Các gã khổng lồ ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley trong tuần trước đã giảm triển vọng tăng trưởng cả năm đối với Trung Quốc xuống 8,3% và 8,2%, từ dự báo 8,6% và 8,7% trước đó. “Bản chất dễ lây lan hơn của biến thể và cách tiếp cận F0 của Trung Quốc chỉ ra rằng tác động kinh tế là không thể tránh khỏi” - các nhà kinh tế của Morgan Stanley viết trong một báo cáo. Như vậy, nếu dịch Covid-19 lan rộng hơn nữa có thể gây sức ép lên hoạt động sản xuất của Trung Quốc, dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu vốn phụ thuộc nhiều vào nước này để cung cấp thiết bị điện tử, y tế và các hàng hóa khác. Nền kinh tế yếu hơn cũng có thể làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu. 
Mối quan tâm của các nhà kinh tế là khả năng bùng phát Covid-19 có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng, làm trầm trọng thêm sự phục hồi không cân bằng, phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ và các nơi khác. Tommy Wu, nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, cho biết các đợt khóa cửa do biến thể Delta sẽ giáng đòn mạnh vào tiêu dùng nội địa của Trung Quốc. Các doanh nghiệp như trong lĩnh vực du lịch và ăn uống sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Công ty nghiên cứu vẫn kỳ vọng doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 8,5% trong quý III so với năm trước, nhưng con số này giảm so với dự báo trước đó là 12%.
Ji Xiaoxiang, chủ sở hữu một công ty khách sạn với hàng chục nhà nghỉ, cho biết đã phải hoàn tiền đặt cọc trị giá hơn 150.000USD khi khách hàng hủy đặt phòng trong 2 tuần qua. Dan Wang, nhà Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc, cho biết đợt bùng phát mới nhất có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở những người có thu nhập thấp, đặc biệt là ở các vùng nông thôn Trung Quốc. 

Không chấp nhận sống chung?
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn được dự đoán tăng trưởng hơn 8% trong năm nay, vượt mục tiêu 6% của chính phủ. Ngân hàng trung ương của Trung Quốc cũng có thể giải phóng thêm thanh khoản, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất cơ bản, để giúp giảm thiểu tác động của bất kỳ đợt bùng phát nào tiếp theo. Goldman Sachs cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ kiểm soát được dịch bùng phát trong khoảng 1 tháng, nhờ vậy nền kinh tế có thể phục hồi trong quý IV. 
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh không làm được điều đó với biến thể Delta rất dễ lây lan? Xuất khẩu, thế mạnh của Trung Quốc có thể suy yếu trong những tháng tới nếu người mua sắm phương Tây chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ nhà hàng, du lịch và thu hẹp quy mô đối với hàng tiêu dùng. Dữ liệu được công bố vào cuối tuần cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc dù tăng 19% trong tháng 7 so với năm trước nhưng thấp hơn so với kỳ vọng. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) vào tháng 7 cho thấy nhu cầu của người nước ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6-2020.
Hầu hết nhà kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng các hạn chế, ngay cả khi Mỹ và các nền kinh tế phương Tây học cách sống chung với virus. Gao Qiang, cựu Bộ trưởng Y tế Trung Quốc, lập luận Trung Quốc không nên từ bỏ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, tránh những sai lầm của các chiến lược ngăn chặn lỏng lẻo Mỹ và Anh đã áp dụng. Bình luận của ông được đưa ra sau khi Zhang Wenhong, một nhà dịch tễ học hàng đầu trong nước, cho rằng Trung Quốc cần phải chung sống với coronavirus vì đại dịch khó có thể kết thúc sớm. “Hoàn toàn không khả thi khi chung sống với virus. Chúng ta phải luôn thắt chặt chuỗi phòng chống virus" - ông Gao viết trên Nhân dân Nhật báo. 

Các tin khác