Kinh tế Việt Nam khép lại năm 2022 với nhiều con số ấn tượng

(ĐTTCO) - Nhìn lại năm 2022, dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều con số đáng chú ý.
Lần đầu tiên quy mô GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: VN Media)
Lần đầu tiên quy mô GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: VN Media)

GDP đạt 409 tỷ USD

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên quy mô GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ USD. Ước tính GDP năm nay tăng 8,02% so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022.

FDI thực hiện cao nhất 5 năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

CPI đạt mục tiêu

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 732,5 tỷ USD

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 732,5 tỷ USD cùng mức xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước 3,32 tỷ USD) là rất ấn tượng.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động kinh tế - xã hội năm 2022 của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó chính là nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.

Bước sang năm 2023, được đánh giá là một năm tiếp tục có nhiều thách thức với Việt Nam, vậy chúng ta cần làm gì để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu kinh tế lớn?

Các mục tiêu kinh tế lớn 2023

Dù năm 2022, nhiều nền kinh tế lớn còn phải chịu mức lạm phát 2 con số, Việt Nam vẫn kiểm soát lạm phát thành công.

Năm 2023, áp lực lạm phát không nhỏ do các yếu tố cầu đẩy, điều chỉnh tăng lương, chi phí cơ bản và Trung Quốc mở cửa làm tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa…, nhưng với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ, Tổng cục thống kê cho rằng mục tiêu lạm phát 4,5% năm 2023 là khả thi

"Chúng ta có nguồn lương thực dồi dào, đáp ứng nhu cầu trong nước và vẫn phục vụ xuất khẩu. Đây là lợi thế lớn của Việt Nam, nó sẽ giúp chúng ta có khả năng giảm bớt áp lực lạm phát cho năm 2023. Vừa qua, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường dự kiến tiếp tục được kéo dài sang 2023 giúp giảm bớt giá xăng dầu", bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê, đánh giá.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Trước tình hình nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống lớn giảm sút đơn hàng do kinh tế suy giảm, giới chuyên gia đánh giá Việt Nam sẽ cần tập trung nỗ lực khai thác các lực đẩy khác từ tiêu dùng nội địa và thị trường mới.

"Hôm nay Tổng cục Thống kê có một số liệu rất hay. Mặc dù tổng mức bán lẻ 2022 tăng trên 19%, nhưng nếu giả sử không xảy ra dịch COVID-19 mà kinh tế cứ tăng đều thì tổng mức bán lẻ năm 2022 mới chỉ bằng khoảng 82,5%. Quy mô tổng mức bán lẻ nếu nền kinh tế tăng trưởng bình thường thì đó là dấu hiệu cho rằng dư địa để kích thích tăng trưởng qua tổng cầu của nền kinh tế, cụ thể là qua nhu cầu tiêu dùng của thị trường 100 triệu dân", TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay.

"Xuất khẩu sang EU giữa khó khăn vẫn rất tốt, tăng 2 con số, trên 10%, nhưng chúng ta vẫn đang tập trung vào một số thị trường chứ chưa phải hàng chục quốc gia tại đây. Việc đa dạng hóa, đi sâu để tìm hiểu thị trường, phát triển tiếp, đó là khâu quan trọng", TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đánh giá.

Việt Nam xuất siêu tới 11,2 tỷ USD

Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt kỷ lục trên 732,5 tỷ USD và Việt Nam xuất siêu tới 11,2 tỷ USD. Đây là một kết quả rất đáng mừng. Để tiếp tục đạt được mục tiêu về xuất nhập khẩu trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục trên 732,5 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Để tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp: chủ động rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết; tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, ưu tiên nguồn lực cho phát triển thương mại điện tử, góp phần phát triển chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước; tích cực hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; tháo gỡ rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Kinh tế vượt 14/15 chỉ tiêu

Năm 2022, kinh tế Việt Nam phát triển khá toàn diện, đạt và vượt kế hoạch 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội được Quốc hội giao. Theo một số chuyên gia, bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022 của nước ta sẽ sắc nét hơn, nếu đầu tư công - động lực tăng trưởng của nền kinh tế được giải ngân nhanh hơn. Bởi giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,058%.

Tuy nhiên, với tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt của Chính phủ, cùng sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, kinh tế Việt Nam năm 2023 được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định và phát triển, trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Các tin khác