PHÓNG VIÊN: - Vậy thưa ông bức tranh kinh tế Việt Nam 2022 có những điểm gì đáng chú ý?
Ông VÕ TRÍ THÀNH: - Theo tôi có 2 điểm đáng chú ý về kinh tế Việt Nam trong năm nay. Thứ nhất, 3 quý đầu năm có mức phục hồi khá ấn tượng, thậm chí vượt kỳ vọng đã đặt ra 2 thách thức lớn với kinh tế vĩ mô. Một là biến động của tình hình thế giới chúng ta không thể đoán định được, như dự báo về diễn biến cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hai là chúng ta thực hiện cùng lúc nhiều mục tiêu, vừa ổn định vĩ mô, vừa giảm khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển. Đây là những mục tiêu không đơn giản khi cả ngoại lai và nội tại đều có những khó khăn.
Mặc dù vậy, so sánh với nhiều quốc gia, chúng ta đã đạt được sự ổn định một cách tương đối. Lạm phát tăng nhưng không quá mạnh. Đồng Việt Nam mất giá trung bình thấp so với nhiều nước. Lãi suất tăng hơi mạnh trong tháng 10, 11 nhưng ít nhiều lãi suất cho vay tăng không mạnh như lãi suất huy động. Chính sách nới room tín dụng được thực hiện và có thể sẽ tiếp tục.
Thứ hai, bên cạnh những kết quả đạt được, khi nhìn lại tôi cũng có sự tiếc nuối, giá như chúng ta thực hiện được chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và mạnh hơn, đặc biệt nếu thực hiện được ĐTC nhanh, mạnh hơn, kết quả phục hồi sẽ tốt hơn và đặt thêm nền tảng cho những năm sau. Hy vọng trong quý IV này và trong năm 2023 việc triển khai ĐTC sẽ hoàn thành kế hoạch, chương trình phục hồi sẽ được triển khai nhanh hơn.
- Như vậy trong điều hành kinh tế vĩ mô năm tới cần có sự thay đổi?
- Như đã nói, nhìn chung kết quả phục hồi kinh tế năm 2022 đã thấy, tuy nhiên có một số vấn đề cần lưu ý. Từ đầu năm, chúng ta kỳ vọng triển khai chương trình phục hồi, trọng tâm là ĐTC và nhờ tăng trưởng xuất khẩu. Song đến nay nhìn lại, động lực phục hồi 3 quý vừa qua chủ yếu là từ xuất khẩu, tiêu dùng và một phần nào đó là giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tình hình này đặt ra vấn đề liệu các động lực tăng trưởng năm tới có còn tốt như năm nay?
Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy từ cuối quý III đến nay kinh tế đã bắt đầu xuất hiện nhiều khó khăn. Bên cạnh những áp lực rất lớn cho điều hành vĩ mô về lãi suất, tỷ giá, lạm phát, còn xảy ra những vụ việc không hay liên quan đến thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng. Sản xuất bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn. Đơn hàng xuất khẩu của rất nhiều lĩnh vực giảm đáng kể. Nếu việc triển khai ĐTC nhanh, mạnh hơn, kết quả phục hồi kinh tế sẽ tốt hơn.
Trong khi đó do dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều nên gánh nặng hỗ trợ phục hồi kinh tế đang đặt lên vai chính sách tài khóa rất nhiều. Phần lớn nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là từ chính sách tài khóa. Làm được như vậy là nhờ vị thế tài khóa của Việt Nam tương đối tốt, kể cả trong những năm đại dịch, thu, chi ngân sách vẫn được quản lý tốt, thu ngân sách có mức tăng tích cực, nợ công được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, thời gian tớinguồn lực này không còn nhiều, đòi hỏi phải triển khai một cách quyết liệt. Bởi nguồn thu ngân sách bắt đầu từ quý III, quý IV có dấu hiệu suy giảm và khả năng thu được tốt như những năm qua rất khó khăn.
Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài vẫn là câu hỏi khi hiện nay vốn đăng ký giảm, dù vốn thực hiện có tăng và Việt Nam vẫn là điểm đến được quan tâm. Do đó, vai trò của ĐTC cực kỳ quan trọng cho triển vọng tăng trưởng thời gian tới.
- Hiện nay, nhiều thành phố ở Trung Quốc đã nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch Covid-19. Theo ông, điều này có tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
- Kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với kinh tế toàn cầu cũng như với Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường của nhiều mặt hàng nông nghiệp, thủy, hải sản và một số hàng công nghiệp. Đây cũng là nơi cung cấp hàng hóa trung gian đầu vào cho rất nhiều mặt hàng Việt Nam sản xuất để xuất khẩu, cũng như tiêu thụ trong nước. Năm 2021, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam hơn 2,13 tỷ USD, xếp thứ 7 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Với những ảnh hưởng đó, việc nới lỏng là tích cực.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2023 thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể, nhưng riêng Trung Quốc được dự báo tốt hơn năm 2022. Đó là do sự kỳ vọng vào việc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch Covid-19 và giải quyết tốt hơn những bất ổn trên thị trường bất động sản của Trung Quốc.
Thực tế, khi kinh tế Trung Quốc tốt hơn sẽ ảnh hưởng tích cực đến kinh tế toàn cầu, và tất nhiên cả Việt Nam khi chúng ta là nền kinh tế rất mở. Tất nhiên, bên cạnh đó còn những vấn đề về chuyện cạnh tranh, về một số mặt hàng phụ thuộc nhiều vào một thị trường, hay việc phát triển công nghiệp phụ trợ…
- Xin cảm ơn ông.
Vai trò của ĐTC cực kỳ quan trọng cho triển vọng tăng trưởng thời gian tới. Vì vậy việc triển khai ĐTC nhanh, mạnh hơn, kết quả phục hồi kinh tế sẽ tốt hơn. |