Sẽ giảm lãi suất trên diện rộng
Một trong những yếu tố khiến lãi suất cho vay tăng cao thời gian qua là do lãi suất huy động tăng mạnh. Sau khi nhiều ngân hàng đồng thuận cùng giảm lãi suất huy động xuống dưới 9,5%/năm vào cuối năm 2022, ghi nhận trên thị trường cho thấy, khoảng 18 ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 9% như ACB, MSB, PVcomBank, Saigonbank, OCB, Sacombank…
Trong đó, nhóm NHTM Big 4 có lãi suất huy động thấp nhất thị trường với 7,4%/năm kỳ hạn 12 tháng. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng quanh mức 8,2%-9%/năm; đối với kỳ hạn 12 tháng, ngoài 18 NHTM giảm dưới 9% thì số còn lại phổ biến ở mức 9%-9,4%/năm. Như vậy, lãi suất huy động hiện đã giảm bình quân 1% so với giai đoạn cao điểm năm 2022, trong khi lãi suất cho vay giảm 1,5-2%/năm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, cho biết từ ngày 1-3, OCB đã giảm 0,5% lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 12 tháng xuống còn từ 7,4- 8,4%/năm. Cách đây 3 tuần, NH đã giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên và vay vốn lưu động để sản xuất kinh doanh xuống dưới 10%/năm và trong 1-2 tuần tới sẽ có gói cho vay nhà để ở với mức lãi suất từ 10-10,5%/năm.
“Với xu hướng giảm lãi suất trên diện rộng hiện nay, nhất là khi lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhanh hơn thì lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm 1-2% trong vài tuần tới”, ông Tùng nhận định.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, cho biết, tăng trưởng tín dụng tại TPHCM trong 2 tháng vừa qua thấp nên NHNN đã khuyến nghị NHTM giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Để giảm lãi vay, các NHTM cũng đã giảm lãi suất huy động vốn để có cơ sở tạo xu hướng tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới.
"Đây là những chuyển biến tích cực gắn với hành động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp của các NHTM. Thời gian qua, các NHTM đã triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi nhằm cung ứng vốn với chi phí hợp lý cho doanh nghiệp. Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số cho vay hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn TPHCM đạt 469.000 tỷ đồng", ông Lệnh chia sẻ.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3-3, NHNN cho biết, đến nay đã có 22 NHTM hạ lãi suất cho vay với bình quân 0,43% và cơ quan này tiếp tục điều tiết lãi suất giảm trong thời gian tới.
Điều chuyển nguồn lực gói hỗ trợ lãi suất 2%
Trong năm 2023, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường. Trong tháng 2-2023, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) cho các NHTM nhưng tính đến cuối tháng 2-2022, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp, chỉ tăng 0,77%.
Lý giải tín dụng tăng chậm trong bối cảnh room tín dụng dồi dào, thanh khoản hệ thống dư thừa, NHNN cho biết có nhiều lý do. Trong đó, ngoài việc 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán thì “sức khỏe” nhiều DN vẫn bị ảnh hưởng hậu Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn.
Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm trước. Cùng với đó, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các NHTM nhưng năm nay thị trường khó khăn chủ yếu do pháp lý khiến tín dụng bất động sản tăng chậm.
Một thực tế khác là nhu cầu vốn tín dụng thấp còn do lãi suất thời gian qua quá cao, khiến các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh. Trong khi đó, các gói hỗ trợ lãi suất lớn hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ giải ngân không cao. Chẳng hạn gói hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng ban hành năm 2022 (theo Nghị quyết số 43/2022/QH15) được doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hết sức trông chờ, nhất là trong bối cảnh lãi suất tăng cao.
Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, đến nay kết quả giải ngân chậm, ước đạt 134 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng nguồn lực. Nguyên nhân khiến gói này giải ngân chậm vì điều kiện tiên quyết để được tiếp cận là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Thế nhưng, tiêu chí xác định “khả năng phục hồi” lại chưa được quy định nên cả NH và doanh nghiệp đều lúng túng khi triển khai.
Hiện NHNN đã trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 31/2022 theo hướng mở rộng đối tượng và tháo gỡ những vướng mắc hiện tại để tạo điều kiện triển khai thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ngay cả trường hợp sửa đổi Nghị định 31/2022 thì NHNN cho rằng khó có khả năng giải ngân hết trong năm 2023 (dự kiến chỉ có thể giải ngân được 2.345 tỷ đồng).
Với hơn 37.500 tỷ đồng nguồn lực không thể thực hiện hết sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình hỗ trợ này. Do đó, NHNN đề xuất chuyển nguồn gói hỗ trợ lãi suất này sang cho các nhiệm vụ chi có khả năng hấp thụ tốt hơn.
Để sử dụng nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách một cách hiệu quả, nhanh chóng, các chuyên gia cũng đề nghị Chính phủ nên xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí... cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đồng thời điều chuyển các gói hỗ trợ không còn phù hợp khác sang các chương trình khả thi hơn.