Dự trữ ít, khó kiểm soát giá
Kể từ khi cơn lốc giá xăng dầu liên tục càn quét nền kinh tế thế giới từ khoảng giữa năm 2021 đến nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều mở kho dự trữ để kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, Mỹ mở kho đến 2 lần. Việc cho phép các công ty “tự nguyện giải phóng” kho dự trữ dầu lên tới hàng triệu thùng đã giúp các quốc gia này thành công ghìm đà tăng như vũ bão của giá xăng dầu.
Trong khi hiện giá xăng Việt Nam đã chạm mốc kỷ lục, lên gần 30.000 đồng/lít thì xăng tại Mỹ đã hạ xuống mức giá trung bình 27.333 đồng/lít, tại Úc 28.638 đồng/lít, Nhật Bản 29.342 đồng/lít, Malaysia 10.734 đồng/lít, Nigeria 10.240 đồng/lít, Myanmar 26.345 đồng/lít…
Thời điểm đầu năm, khi giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi chờ Quốc hội thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường, giải pháp mở kho dự trữ cũng đã được đề cập. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối với quan điểm kho dự trữ là để phòng trường hợp nguồn nhập khẩu từ nước ngoài quá khó khăn trong tình hình thế giới căng thẳng hoặc thiên tai, hiểm họa, chiến tranh.
Mỹ có thể sử dụng biện pháp này vì chủ động 100% nguồn nhiên liệu xăng dầu trong nước, trong khi đó Việt Nam hiện mới chỉ đảm bảo 70 - 75% nguồn cung trong nước, nguồn dự trữ ít nên không thể mở kho dự trữ.
Thực tế theo thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hồi giữa tháng 3, Việt Nam có dự trữ quốc gia về xăng dầu nhưng lượng dự trữ rất ít, chỉ đáp ứng được nhu cầu trong khoảng 5 - 7 ngày.
Dự trữ này chỉ được sử dụng trong những tình huống đặc biệt. Hiện Bộ Công thương cùng các các bộ, ngành có liên quan đang nghiên cứu, xây dựng phương án để tham mưu Chính phủ nâng mức dự trữ này lên. Mục tiêu là phải đáp ứng được 1 - 2 tháng, đủ để “chịu đòn” trong quãng thời gian kéo dài như giai đoạn biến động giá vừa qua.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, Việt Nam hiện nay gần như không có dự trữ chiến lược về xăng dầu mà chỉ là dự trữ lưu thông để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trong vài ngày hoặc vài chục ngày. Nhiệm vụ này do đầu mối cấp 1, tức các nhà nhập khẩu xăng dầu đảm nhiệm.
Bên cạnh đó có một phần dự trữ tại các nhà máy lọc dầu nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn hạn, chủ yếu liên quan đến việc kinh doanh. “Hiện nay chúng ta mới chỉ nói về vấn đề dự trữ lưu thông, theo quy định dự trữ, lưu thông 20 ngày, song có trường hợp doanh nghiệp dự trữ không đủ thời gian này vì nhiều lý do nên không có khả năng mở kho để giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trên thị trường”, ông Ánh nói.
Đảm bảo nguồn cung, chủ động giá bán
Để giảm phụ thuộc vào xăng dầu, chúng ta cần có một chiến lược như chuyển mạnh sang sử dụng vận tải đường sông, đẩy mạnh sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần phải có những biện pháp tốt hơn để sử dụng năng lượng sinh học bởi hiện đất nước của chúng ta có rất nhiều tiềm năng. TS Lê Đăng Doanh |
Ông Vũ Đình Ánh cho rằng, để hạ nhiệt giá xăng dầu trong tình huống cấp bách, không còn cách nào khác ngoài điều hành linh hoạt thu ngân sách từ xăng dầu. Dư địa vài chục phần trăm nguồn thu ngân sách từ xăng dầu, cần đánh giá tất cả các khoản thu hiện tại ổn chưa, cái gì chưa ổn thì sửa lại. Để can thiệp giá thì công cụ thuế, công cụ thu ngân sách đó sẽ sử dụng như thế nào...
Bên cạnh đó, phải thay đổi cơ chế giá của hội sản xuất xăng dầu trong nước để tạo ra mặt bằng giá khác cho xăng dầu, từ đó tạo ra khả năng điều chỉnh giá bán lẻ cuối cùng. Hiện nay, sản xuất xăng dầu trong nước đang cung cấp 70 - 75%, chiếm 3/4 thị trường. Về nguyên tắc, chúng ta có thể tự quyết định giá sản xuất, giá bán lẻ trong nước như trường hợp của Indonesia hay Venezuela.
Do đó, nếu xây dựng được cơ chế khác thì Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra giá đầu vào của xăng dầu ở mặt bằng thấp hơn hoặc ít biến động hơn rất nhiều so với giá thế giới, giúp chúng ta ổn định giá xăng dầu.
Trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều biến động, theo ông Vũ Đình Ánh, đã đến lúc Việt Nam cần đặt ra vấn đề dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia - một công cụ can thiệp của cung - cầu, can thiệp về giá cực kỳ quan trọng. Dự trữ chiến lược không chỉ liên quan đến giá thành mà còn góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng dầu.
Nhấn mạnh đây là sự thay đổi chiến lược của ngành năng lượng quan trọng, để làm được cần nguồn lực tài chính rất lớn, phải có hệ thống kho lưu trữ, kỹ thuật bảo quản, xây dựng được cơ chế vận hành, quản lý hệ thống và liên quan đến an ninh quốc phòng...
Ông Ánh nhận định, chỉ riêng Bộ Công thương không thể làm được mà phải có chủ trương, chỉ đạo từ Chính phủ để xây dựng một chiến lược bài bản với sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan.
“Việc dự trữ chiến lược về xăng dầu không nhiều nước làm được. Ngay cả với Mỹ hiện nay, nếu tình hình đứt đoạn nguồn cung kéo dài thêm thì kho dự trữ quốc gia cũng khó trụ nổi. Để làm được, cần một sự thay đổi chiến lược, có tầm nhìn dài hạn và thay đổi tư duy về thị trường xăng dầu”, vị này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm Việt Nam cần xây dựng chiến lược dự trữ xăng dầu quốc gia, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, phân tích xăng dầu đóng góp 3,52% GDP và chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Từ việc giá xăng dầu tăng cao, đã có đề nghị các nước OPEC tăng thêm sản lượng nhưng họ không tăng và cũng không đủ năng lực để tăng ở thời điểm hiện nay.
Do đó, không nên “ảo tưởng” OPEC sẽ tìm cách giảm giá mà Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, đặc biệt cần tạo dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia để đảm bảo sự an toàn về năng lượng và cho hoạt động của kinh tế. Như trường hợp của Mỹ, khi khủng hoảng xăng dầu xảy ra, Tổng thống Mỹ đã trích 60 triệu thùng dầu trong quỹ dự trữ của quốc gia để tung ra thị trường, giải quyết nhu cầu của nước này.