Thực trạng này cho thấy các cơ quan quản lý dường như luôn bị bệnh “nghiện quản lý”. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông ĐẬU ANH TUẤN (ảnh), Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam -VCCI ), nhận định:
Điều này thể hiện ở các cơ quan soạn thảo pháp luật lý giải cho mục tiêu của chính sách, mục đích của quy định, đạo luật nhưng thực ra nhằm "đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước", hay "tăng cường quản lý nhà nước". Song một sự nhầm lẫn lớn, bởi quản lý nhà nước không phải là mục tiêu, mà là cách thức, công cụ.
Bởi khi Nhà nước can thiệp vào thị trường, vào hoạt động của DN bằng các công cụ quản lý như cấp phép, đặt ra điều kiện… luôn làm phát sinh các phí tổn trực tiếp và gián tiếp. Phí tổn trực tiếp gồm chi phí đối với bộ máy nhà nước, chi phí tuân thủ quy định của các DN và người tiêu dùng…
Phí tổn gián tiếp là toàn bộ các chi phí cho nền kinh tế và hoạt động đầu tư phải gánh chịu, làm DN giảm tính cạnh tranh, làm chậm quá trình điều chỉnh cơ cấu và tăng trưởng sản xuất.
DN càng nổicàng bị thanh tra
DN càng nổicàng bị thanh tra
PHÓNG VIÊN: - Điều này sẽ gây ra những hệ quả gì, thưa ông?
Ông ĐẬU ANH TUẤN: - Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc quá chú trọng vấn đề quản lý nhà nước, ban hành các quy định liên quan đến quản lý nhà nước, đã khiến các định chế công hoạt động không hiệu quả và tình trạng tham nhũng phổ biến hơn, trong khi không đạt được các mục tiêu tốt đẹp về lợi ích công cộng.
Thí dụ, việc đặt thêm các quy định chặt chẽ trong gia nhập thị trường, thực tế không đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Hay việc có thêm các giấy phép về môi trường cũng không làm mức độ ô nhiễm môi trường giảm bớt. Hoặc chúng ta không thiếu văn bản, quy định trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông… song các vi phạm trong lĩnh vực này vẫn cứ tăng.
Theo một nghiên cứu của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2003, chính sự kiểm soát quá mức, quá tập trung tại Việt Nam đã khuyến khích hoạt động không chính thức, thúc đẩy “tính ngầm” của nền kinh tế.
Một nguy cơ nữa với nhà kinh doanh trong “hàng rừng các quy định” là DN càng nổi, càng thành công lại càng rủi ro, bởi thường bị thanh tra thường xuyên. Số lượng các cuộc thanh tra thuế thường tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển của DN.
Năm 2015, VCCI thực hiện 3 cuộc điều tra quy mô lớn trên cả nước cũng cho thấy thực trạng này không thay đổi: các DN lớn bị thanh tra kiểm tra nhiều hơn, chịu gánh nặng hành chính lớn hơn so với DN nhỏ. Thực tế này đang hình thành văn hóa “kinh doanh nhì nhằng”, lâu dần trở thành “tảng băng” kinh tế ngầm (nền kinh tế phi chính thức), ảnh hưởng lớn đến DN và hoạt động kinh doanh.
Nó cũng tạo ra dư địa lớn cho công chức nhà nước sách nhiễu, đòi hối lộ và lạm dụng quyền lực phục vụ ý đồ, lợi ích cá nhân.
- Nói như vậy yêu cầu cải cách hệ thống giấy phép kinh doanh hiện nay ngày càng trở nên cấp bách, thưa ông?
- Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong cải thiện môi trường kinh doanh. Biểu hiện rõ nhất là ban hành các văn bản thúc đẩy cải cách các chính sách về kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN (Nghị quyết 19, Nghị quyết 35). Trên thực tế, điều kiện kinh doanh ngày càng tinh vi và phức tạp, nó không chỉ mang tên là giấy phép, giấy chứng nhận như trước đây.
Đằng sau nhiều giấy phép, điều kiện kinh doanh có bóng dáng của lợi ích, bởi cấp phép là xin cho, muốn xin người xin phải “biết điều”. Đằng sau quy định về điều kiện kinh doanh có thể là những trung tâm có thẩm quyền xét nghiệm, những nơi được đào tạo, cấp chứng chỉ… để thu phí. Hay đằng sau những thủ tục cấp phép khó khăn, mất thời gian lại nở rộ dịch vụ làm thủ tục nhanh chóng với chi phí cao…
Khi đặt ra điều kiện kinh doanh cao, những DN nhỏ, DN mới rất khó chen chân vào. Thí dụ, muốn nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền của hãng sản xuất. Hay muốn kinh doanh phân phối gas phải có trên 100.000 bình gas, có ít nhất 20 đại lý, phải sở hữu trạm chiết nạp gas… Những quy định kiểu này như đánh đố DN tư nhân.
Cách làm chưa hiệu quả
Cách làm chưa hiệu quả
- Ông nghĩ sao về việc triển khai cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian qua?
- Thực tế, cắt giảm điều kiện kinh doanh không phải là đề xuất mới, thời gian qua đã được bàn đến nhiều nhưng chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Nguyên do đề xuất cải cách giấy phép kinh doanh hiện nay vẫn dựa trên sự tự nguyện, tự rà soát, tự đề xuất của các bộ ngành, cách thức thực tế ít tạo ra sự thành công. Điều đó xuất phát từ các lý do như giao cho các bộ, ngành tự rà soát để đề xuất bãi bỏ, chưa có chỉ tiêu rõ ràng, không có cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và có thẩm quyền quyết định kết quả rà soát đó.
Cách làm này không hiệu quả bởi chính các bộ, ngành là nơi sản sinh ra các sản phẩm cấp phép đó nên không dễ gì họ bỏ. Bên cạnh đó là sự phổ biến văn hóa quản lý thích cấp phép, phổ biến xu hướng chọn dễ tránh khó trong quản lý; việc bãi bỏ giấy phép kinh doanh chưa gắn với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu bộ, ngành, lĩnh vực…
- Vậy cách nào để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách điều kiện kinh doanh?
- Phải hành động thực chất, quyết liệt. Cần có cơ chế giám sát, xử lý bộ ngành cơ quan nhà nước không bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đã yêu cầu và giám sát việc sinh thêm giấy phép mới. Chỉ cần thực hiện tốt các giải pháp nêu tại Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành hàng năm đã có thể tạo ra thay đổi lớn.
Chính phủ cũng cần tăng cường vai trò rà soát, phản biện của các cơ quan độc lập, chẳng hạn viện nghiên cứu như CIEM, các hiệp hội như VCCI. Bởi lẽ, nếu chỉ 1 giấy phép con, 1 loại điều kiện kinh doanh vô lý còn tồn tại, có thể “giết chết” hàng trăm, hàng ngàn DN Việt Nam, triệt tiêu sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh.
- Xin cảm ơn ông.
Những thiệt hại to lớn từ hàng rào giấy phép kinh doanh rất khó nhận ra. Không chỉ là thời gian, tiền bạc, cơ hội kinh doanh của DN, xa hơn còn làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, tăng tham nhũng, tiêu cực của bộ máy nhà nước. |