Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020.
Với mức tăng 2 con số (đạt 95,81 tỷ USD, tăng 24,5%) và thặng dư thương mại lên tới gần 1,3 tỷ USD đã trở thành đòn bẩy tích cực của nền kinh tế, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Lực đẩy từ nhóm công nghiệp chế biến
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy trong tháng 2/2021, xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 20 tỷ USD, đưa xuất khẩu chung trong 2 tháng lên 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.
Có được kết quả như trên là bởi nhiều mặt hàng chủ lực đã “bứt tốc” ngay từ những tháng đầu năm; trong đó rõ rệt nhất là xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết qua 2 tháng, nhóm này thu về khoảng 42,47 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ, chiếm 87,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Nhiều mặt hàng chủ lực trong nhóm này đạt mức tăng trưởng 2 cao như: Xuất khẩu Điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22,8% so với 2 tháng năm 2020; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,89 tỷ USD, tăng 27,3%...
Cũng trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản cũng tăng trưởng khá ấn tượng, ước đạt 3,78 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2020. Một số mặt hàng có đóng góp cao như: Thủy sản đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7%; rau quả đạt 610 triệu USD, tăng 14,6%; xuất khẩu hạt điều tăng 21,5%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 78,2%...
Qua bức tranh chung, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mức tăng ấn tượng trong 2 tháng vừa qua có sự đóng góp rất rõ của tất cả các ngành sản xuất, trong đó đặc biệt là các khối ngành công nghiệp.
Nỗ lực nhất chính là mặt hàng như dệt may, da giày dù bị kéo giảm tới 10% trong năm 2020 bởi dịch COVID-19 nhưng trong 2 tháng đầu năm 2021 đã phục hồi trở lại. Trong đó, xuất khẩu giày dép đem về 3,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu dệt may cũng thu được 4,76 tỷ USD.
Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm, các mặt hàng khác như điện thoại, máy móc phụ tùng, linh kiện điện tử cũng đạt mức tăng trưởng rất cao.
“Điều này phản ánh nhu cầu của thế giới trong bối cảnh tác động của dịch bệnh, việc tiêu dùng các sản phẩm này vẫn rất lớn. Đáng chú ý, một số trung tâm sản xuất các mặt hàng tương tự như vậy ở các khu vực trên thế giới do những hạn chế về sản xuất nên nguồn cung từ phía Việt Nam cũng tăng cao,” ông Hải nhấn mạnh.
Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 13,78 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,2 tỷ USD, tăng 50,5%; EU đạt 6,1 tỷ USD, tăng 18,4%; ASEAN đạt 4,1 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 3,35 tỷ USD, tăng 13,4%; Nhật Bản đạt 3,15 tỷ USD, tăng 1,1%.
Đặc biệt, ngay sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Anh trong 2 tháng đầu năm 2021 đã tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 1,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 998 triệu USD.
“Đây là mức tăng ấn tượng khi COVID-19 vẫn đang gây tác động lớn đến hoạt động thương mại đồng thời cho thấy Hiệp định Thương mại tự do Việt-Anh vừa có hiệu lực rất hứa hẹn, giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu,” đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm.
Xuất siêu tới 1,29 tỷ USD
Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, nhập khẩu hàng hóa trong 2 tháng đầu năm ước đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,62 tỷ USD, tăng 16%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,64 tỷ USD, tăng 31,4%.
Đặc biệt, việc nhập khẩu tập trung vào nhóm tư liệu sản xuất cho thấy dấu hiệu sản xuất trong nước đang phục hồi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp đã chủ động thích ứng để vượt qua khó khăn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.
Chính nhờ những giải pháp trên, trong 2 tháng vừa qua, cả nước tiếp tục xuất siêu 1,29 tỷ USD, cao hơn so với con số 1,8 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, để hoàn thành kết quả trong năm nay ở mức cao nhất (tăng trưởng xuất khẩu từ 4-5% so với năm 2020), Bộ Công Thương đã và đang triển khai một loạt các giải pháp.
Theo đó, ngoài việc tập trung vào việc phát triển thị trường ngoài nước, thì ở trong nước Bộ Công Thương đã trực tiếp tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh; đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản cho các địa phương có dịch.
Liên tục từ sau Tết Nguyên đán, thông qua sự kết nối của Bộ Công Thương, các hệ thống phân phối lớn trong nước đã vào cuộc cùng phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.
Nhờ vậy, người dân không chỉ giảm bớt được khó khăn và thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh mà còn có điều kiện để tái cơ cấu lại sản xuất, từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng.
“Toàn ngành bám sát kịch bản tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương được Quốc hội và Chính phủ giao năm 2021, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ tại Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao,” Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.