Báo ĐTTC đã có cuộc trao đổi với PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO (ảnh), Đại học Kinh tế TPHCM xoay quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa PGS., nếu phải thực hiện cách ly xã hội một lần nữa để chống dịch trên quy mô cả nước, theo ông cần lưu ý những vấn đề gì dưới góc độ kinh tế?
PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO: - Mặc dù chúng ta không bao giờ muốn nền kinh tế Việt Nam phải tạm thời “đóng băng” các hoạt động một lần nữa nhằm thực hiện cách ly xã hội để chống dịch, nhưng nếu điều này buộc phải xảy ra thì theo tôi nên rút kinh nghiệm lần trước, việc giãn cách lần này nếu đã xét thấy buộc phải thực hiện thì cần làm càng sớm càng tốt, mạnh tay và dứt khoát hơn.
Nói như vậy không phải là phủ nhận thành công của quyết sách giãn cách xã hội để chống dịch ở lần đầu hay cho rằng tồn tại những khuyết điểm, mà điều này nhằm tạo ra hiệu quả tối đa của việc giãn cách xã hội để chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm cộng đồng và hạn chế tác động tiêu cực ít nhất lên nền kinh tế.
Tôi nghĩ rằng lần này cộng đồng đã được chuẩn bị khá tốt về tâm lý, sự hiểu biết, kỹ năng và “trải nghiệm” của cuộc sống giãn cách cùng với các vấn đề đi kèm, nên truyền thông và các giải pháp mũi nhọn nên tập trung kêu gọi tinh thần tự giác, ý thức xã hội trong phòng chống dịch bệnh. Đây là nền tảng lâu dài để tiến tới “sống chung với Covid” và các dịch bệnh khác nếu có trong tương lai.
Chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm ở lần trước khi đã có những câu tuyên truyền mà tôi cho rằng vừa không hiệu quả, lãng phí nguồn lực mà còn gây phiền nhiễu cho cuộc sống người dân như câu nhạc chờ: “thiết lập trạng thái bình thường mới...”.
- Theo ông, nền kinh tế sẽ gánh chịu những tác động và hậu quả nào của đợt bùng phát dịch lần này và việc thực hiện cách ly xã hội lần 2, nếu xảy ra?
- Tôi cho rằng nền kinh tế của chúng ta không còn đủ sức để chịu đựng thêm một cú sốc cách ly xã hội lần nữa. Ngay như tình hình dịch bệnh vừa có dấu hiệu bùng phát trở lại mấy ngày qua, đã tác động rất tiêu cực lên tâm lý và kỳ vọng của dân chúng, làm cho mọi hy vọng của các kịch bản hồi phục kinh tế xem như chấm dứt.
Chúng ta vẫn còn đang gánh chịu cái giá rất đắt về kinh tế cho những thành công của quá trình chống dịch lần trước. Vì vậy, nếu lúc này mà phải tạm thời đóng băng nền kinh tế thì hậu quả sẽ cực kỳ nặng nề.
Tựa như một người vừa trải qua cơn trọng bệnh, đang gượng dậy thì bị đợt tái nhiễm hạ gục và có thể sẽ không thể nào gượng dậy nổi lần nữa.
Những hệ lụy đương nhiên không chỉ dừng lại ở suy thoái kinh tế hay tăng trưởng âm là điều chắc chắn. Điều đáng nói, tệ hơn là khả năng hồi phục sau dịch sẽ vô cùng khó khăn vì các động lực kinh tế quan trọng ở một số ngành sản xuất và dịch vụ sẽ có khả năng bị triệt tiêu. Có thể sẽ mất rất lâu để nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng.
Trước mắt, hơn 6% GDP của năm nay, xấp xỉ 20 tỷ USD sẽ bị thổi bay, cộng với những khoản ngân sách khổng lồ phải chi trả cho việc chống dịch sẽ tạo ra một áp lực cực lớn lên tài khóa và các cân đối vĩ mô khác.
Bài toán kinh tế lúc đó không còn là tính toán các kịch bản tăng trưởng cơ sở, tốt hay xấu mà là bảo toàn lực lượng, không để xảy ra đổ vỡ và giữ an toàn cho hệ thống.
Bệnh viên C Đà Nẵng nơi phát hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19 sau 99 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng.
- Tình hình lao động, thất nghiệp và hậu quả về mặt xã hội liên quan đến các vấn đề kinh tế mà ông vừa đề cập sẽ ra sao?
- Cho đến lúc này, hậu quả của đợt giãn cách lần trước là đã có gần 3 triệu lao động bị mất việc làm và hơn 30 triệu lao động bị ảnh hưởng. Tôi đang tự hỏi rằng thời gian qua họ đang làm gì và sẽ làm gì khi sắp tới con số này sẽ tăng lên nhanh chóng. Viễn cảnh kinh tế đang ngày càng xấu đi, thổi bay niềm hy vọng ít ỏi còn lại về triển vọng được quay trở lại làm việc của họ.
Trong khi chúng ta cũng biết rằng cơ hội để những người này được học tập hoặc đào tạo lại để thay đổi kỹ năng, nghề nghiệp là một việc cực kỳ khó khăn, tốn kém và mất rất nhiều thời gian.
Thế thì từ bây giờ cho đến lúc đó họ sẽ làm gì để nuôi sống bản thân và gia đình. Đây là một vấn đề mà tôi cho rằng rất hệ trọng. Nếu không giải quyết được thì hậu quả về lâu dài sẽ rất khôn lường.
Nhiều vụ cướp đã xảy ra liên quan đến hậu quả của Covid-19 trong suốt mấy tháng qua, đỉnh điểm là lần đầu tiên một giám đốc doanh nghiệp đi cướp nhà băng cũng vì hậu quả Covid-19 là những minh chứng mà chúng ta cần có những đánh giá nghiêm túc và giải pháp cụ thể chứ không chỉ trông chờ vào "trạng thái bình thường mới" của mỗi người.
Tôi cũng chưa thấy có một nghiên cứu nào ở Việt Nam đánh giá một cách đầy đủ các tác động và hậu quả về mặt xã hội của Covid-19 cho đến lúc này, ngoài chuyện thống kê số người thất nghiệp và lao động bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, có thể tham khảo một nghiên cứu vừa được công bố mới đây bởi Văn phòng Ngân khố Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) về vấn đề này. Kết quả cho thấy phải mất 10 năm để nền kinh tế Mỹ có thể quay lại với mức thất nghiệp bình quân như trước khi Covid-19 bùng nổ.
- Còn chúng ta thì sao? Theo ông phải mất bao lâu để vượt qua tất cả những hậu quả nặng nề về mặt kinh tế - xã hội đó?
Chúng ta đã phải trả một cái giá rất đắt nhưng mọi thứ đang có nguy cơ tan biến chỉ vì một sự lơ là, chủ quan phút chốc có thể sẽ làm tiêu tan mọi thành quả chống dịch và cả động lực để phục hồi kinh tế. |
Sự chống chọi hay vượt qua của chúng ta cũng không thể tách rời khỏi xu thế chung của thế giới. Điểm mấu chốt vẫn là thời điểm vaccine được chính thức công bố và tiến hành chủng ngừa đại trà trên diện rộng.
Tuy nhiên, vừa rồi Thủ tướng Anh và Đức đã bày tỏ lo ngại rằng Covid-19 đang có dấu hiệu sẽ bùng lên tại châu Âu một đợt nữa. Mỹ thì xem như đã “ngấm đòn” một cách toàn diện. Một vấn đề đáng lo ngại là khủng hoảng lương thực có thể xảy ra và Trung Quốc rơi vào nạn đói.
Bằng chứng là mới đây Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã có động thái chuẩn bị lương thực bằng việc mở rộng diện tích trồng lúa nước thay thế cho các vườn cây ăn trái và vườn ươm cây giống lâm nghiệp, để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra.
Việc Thái Lan vừa hạn chế xuất khẩu thịt heo sang Việt Nam và đẩy giá lên cao cũng là một thông tin bổ sung vào vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh.
Tất cả những điều này tạo ra một khả năng là các nền kinh tế bị rơi vào trạng thái cũng giống như “giãn cách xã hội” giữa các quốc gia với nhau trên quy mô toàn cầu. Hay nói cách khác là trạng thái nền kinh tế kiểu thời chiến, tự cung tự cấp.
Khi đó các vấn đề của một nền “kinh tế thời chiến” gồm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh tiền tệ cũng buộc chúng ta phải có sự tính toán và chuẩn bị các phương án thích ứng ngay từ bây giờ để đảm bảo không bị động.
- Vậy chúng ta rút ra được điều gì từ việc dịch bệnh đột ngột bùng phát trở lại lần này?
- Bộ Y tế đã chỉ ra rằng virus gây ra đợt lây nhiễm lần này là chủng mới và được “mang” từ bên ngoài vào Việt Nam. Điều này cho thấy chúng ta đã có sự lơ là, mất cảnh giác và chủ quan đối với công tác kiểm soát an ninh xuất nhập cảnh tại các đường biên, lối mở, đường mòn biên giới.
Tôi thấy phê bình của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25-7 vừa qua là hoàn toàn xác đáng: "Có một bộ phận chủ quan, lơ là, không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng chống dịch".
Đây chính là yếu điểm trên mặt trận “chống dịch như chống giặc” cho đến thời điểm này. Chính phủ đã rất sáng suốt khi nhanh chóng và quyết liệt dập dịch ngay khi nó bùng phát, sau đó chấp nhận hy sinh kinh tế để chống dịch và những điều này đã mang lại thành công quan trọng cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nền tảng của ổn định xã hội và khôi phục kinh tế.
Chúng ta đã phải trả một cái giá rất đắt nhưng mọi thứ đang có nguy cơ tan biến chỉ vì một sự lơ là, chủ quan phút chốc có thể sẽ làm tiêu tan mọi thành quả chống dịch và cả động lực để phục hồi kinh tế.
Tôi nghĩ rằng thậm chí đã có sự buông lỏng hoặc tiếp tay cho việc đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tại sao lại tồn tại hiện tượng quảng cáo công khai các dịch vụ trốn cách ly để vào Việt Nam trong một thời gian dài mà cơ quan chức năng ngó lơ, không tổ chức điều tra để xử lý?
Và tại sao ngay khi Thủ tướng vừa yêu cầu ngày hôm trước phải điều tra, ngăn chặn thì ngay ngày hôm sau cơ quan chức năng đã bắt được hàng chục đối tượng cầm đầu, nhiều đường dây khác nhau ở cả nước? Và liên tục cho đến hôm nay hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đã bị phát hiện và đưa đi cách ly.
Câu hỏi là nếu như không có đợt bùng dịch này thì liệu họ có bị phát hiện không? Và còn bao nhiêu người Trung Quốc nữa đang lưu trú bất hợp pháp gây ra những hành động nguy hại nào khác? Tôi cho rằng sau khi ưu tiên dập dịch xong, cần làm rõ những vấn đề này.
- Xin cảm ơn PGS.