'Mùa đông gọi vốn' có thực sự đáng sợ?

(ĐTTCO) - “Mùa đông gọi vốn” là cụm từ đang được nhắc tới khá nhiều trong giới khởi nghiệp giai đoạn này do dòng vốn đầu tư đang giảm mạnh.

'Mùa đông gọi vốn' có thực sự đáng sợ?

Liệu có cách nào xoay chuyển, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN THANH LIÊM (ảnh), tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), thuộc Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE).

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sau giai đoạn bùng nổ năm 2021, vốn vào các DN khởi nghiệp (startup) Việt Nam đã sụt giảm mạnh trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Vậy theo ông các startup nên ứng phó như thế nào trong bối cảnh này?

Ông NGUYỄN THANH LIÊM: - Ngày nay, không ai tin vào những liệu pháp “xuyên tâm liên” để trị bá bệnh, vì thế theo góc nhìn của tôi, để ứng phó một cách hiệu quả các startup nên đi theo trình tự sau: Phải phân tích để tìm ra đúng căn nguyên của tình huống, bao gồm các yếu tố bên ngoài và các yếu tố bên trong (ngôn ngữ quản trị gọi bước này là đánh giá môi trường kinh doanh và nội lực DN).

Sau đó tổng hợp các giải pháp rồi khắc phục tương ứng với từng căn nguyên (brain - storm), từ đó lựa chọn giải pháp phù hợp với lợi thế cạnh tranh riêng của từng DN. Đây gọi là “phân tích SWOT” (Strengths - điểm mạnh, Weaknesses - điểm yếu, Opportunities - cơ hội, Threats - thách thức).

Cuối cùng là lập kế hoạch triển khai các chiến lược ưu tiên theo từng bước để đảm bảo tính khả thi. Lưu ý, DN cần lựa chọn đúng và đầu tư tập trung vào thị trường mục tiêu của mình.

a2-9406.jpg

Ở quy mô của startup hay mở rộng hơn là các SMEs, khó có thể khắc phục được các yếu tố vĩ mô đến từ bên ngoài, nên việc đề xuất giải pháp chủ yếu hướng vào khai thác các yếu tố lợi thế từ nội lực bên trong của SMEs.

Trong những năm gần đây, người ta hay nói nhiều về một thuật ngữ là “thế giới VUCA” (Volatility - biến động, Uncertainty – sự bất định, Complexity - phức tạp và Ambiguity - mơ hồ), tức là một thế giới có mức độ biến động rất lớn và nhanh. Để ứng phó với VUCA này, các nhà quản trị khuyên dùng một VUCA khác, với ý nghĩa như sau: Vision - tầm nhìn, Understanding - hiểu biết, Communication - giao tiếp và Agile - gọn nhẹ.

- Có ý kiến cho rằng, việc dòng vốn đầu tư chậm lại cũng có mặt tích cực, bởi lúc này các startup có nhiều thời gian xây dựng mô hình bài bản hơn để đi đường dài hơn, thay vì chạy đua với tăng trưởng doanh thu dễ dẫn đến phá sản. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

- Nguyên tắc chung là trong nguy luôn có cơ. Khi đa số các DN gặp khó khăn, sức cạnh tranh suy giảm, thì đó chính là cơ hội để các DN có nội lực mạnh mẽ vượt lên trở thành kẻ chiếm lĩnh, dẫn dắt thị trường trong giai đoạn kế tiếp. Còn khi những giá trị ảo đã bị sụp đổ, người tiêu dùng, nhà đầu tư đều trở nên cẩn trọng hơn trước khi “xuống tiền”.

Do đó, xét về nguyên tắc, thị trường sẽ lành mạnh hơn trước. Lúc này chỉ những DN thực sự tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm và dịch vụ của mình, mới có đủ khả năng thuyết phục khách hàng “xuống tiền”. Mà muốn nâng cao tỷ lệ của giá trị gia tăng trong sản phẩm hay dịch vụ, phải khai thác được lợi thế từ tri thức đã có, hoặc nâng cao yếu tố sáng tạo trong quá trình tạo ra sản phẩm và dịch vụ đó.

Thực tế hiện nay, các DN lớn trên thế giới như Apple, Microsoft, Amazone, Google, Facebook... luôn có tỷ trọng tài sản vô hình lớn gấp nhiều lần so với tài sản hữu hình. Qua đó, có thể khẳng định nội lực có được từ tài sản vô hình luôn có giá trị lâu dài hơn so với tài sản hữu hình.

Các DN phải hết sức chú trọng vào việc xây dựng cơ cấu tổ chức tinh gọn, quy trình, biểu mẫu chuẩn mực, dữ liệu hoạt động cần được số hóa chặt chẽ, hợp lý ở từng khâu, tiến tới “chuyển đổi số” toàn diện để nâng cao hiệu quả, mới đủ sức cạnh tranh trong “thế giới phẳng” hiện nay.

Trở lại câu hỏi trên, tôi cho rằng điều quan trọng không phải là “DN có nhiều thời gian để xây dựng mô hình”, mà chính là DN có cơ hội để nhận thức rõ về việc chỉ có thể phát triển chậm mà chắc, hoặc đột phá bằng yếu tố sáng tạo chứ không thể chụp giật như trước đây, muốn vậy bắt buộc phải chọn cách xây dựng mô hình kinh doanh bài bản.

- Ông nghĩ sao ở thời điểm hiện tại nhiều DN phải thu hẹp hoạt động, thậm chí phải chia tay thị trường vì quá khó khăn, vậy liệu có còn cơ hội cho các startup mới tham gia thị trường không?

- Nhu cầu của thị trường có thể tăng/giảm nhưng không bao giờ triệt tiêu, nên tôi tin rằng, nếu DN chọn kinh doanh đúng ở những sản phẩm mà họ có lợi thế, có thể tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn so với các DN khác cùng ngành, xác định đúng thị trường ngách phù hợp với mình, thì vẫn luôn có cơ hội để phát triển.

Tuy nhiên, cần lưu ý trong thời đại 4.0 hiện nay, một “khách hàng phổ thông” là một khách hàng có sử dụng smartphone. Do vậy nếu trong mô hình tiếp thị của DN chưa có yếu tố tương tác với khách hàng qua smartphone, có thể khẳng định 99% rằng mô hình tiếp thị đó cần phải được bổ sung, chỉnh sửa.

- Đối với các DN khởi nghiệp, ngoài tìm kiếm vốn đầu tư mạo hiểm cũng rất cần bệ đỡ từ chính sách, nhưng dường như Việt Nam vẫn còn thiếu chính sách cho nhóm này?

- Thực tế, Chính phủ hiện có khá nhiều chủ trương hỗ trợ cho SMEs. Các chính sách gần đây chú trọng hỗ trợ hoạt động “chuyển đổi số”, hỗ trợ cho SMEs “khởi nghiệp sáng tạo” và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, với nhiều ưu đãi đặc biệt, như: hỗ trợ bù lãi suất vay vốn đầu tư (2%); hỗ trợ công nghệ chuyển đổi số (50% giá hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số, tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ, tư vấn chuyển giao công nghệ...); hỗ trợ tư vấn (30-100% giá hợp đồng tư vấn thực hiện bởi mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ DNNVV được Nhà nước chứng nhận).

Đáng chú ý là Thông tư 52/2023/TT-BTC ký ngày 8-8-2023, hướng dẫn cơ chế sử dụng ngân sách chi thường xuyên hỗ trợ DNNVV theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP. Hy vọng, Thông tư 52/2023/TT-BTC sẽ mở con đê cuối cùng để khai thông dòng ngân sách chi hỗ trợ cho các SMEs trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những hỗ trợ về tài chính là cần thiết, nhưng Chính phủ chú trọng hơn vào việc đào tạo phát triển năng lực quản trị của SMEs, thông qua hoạt động của “Mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ cho DNNVV”.

- Xin cảm ơn ông.

Ông Nguyễn Thanh Liêm và một số chuyên gia khác thuộc VIDE, là những thành viên ban đầu thuộc Mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ cho DNNVV, sau khi trải qua khóa “Đào tạo chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, kinh doanh mới” do Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Japan Internation Cooperation Agency (JICA) đồng tổ chức, vừa hoàn thành vào tháng 11-2023 vừa qua. Các SMEs có thể liên hệ với Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (https://vide.vn) để được hướng dẫn tiếp cận các chính sách nêu trên.

Các tin khác