PHÓNG VIÊN: - Theo ông vì sao Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền KTTT, dù trước đó họ đánh giá rất tích cực?
Ông NGUYỄN VĂN TOÀN: - Tôi thấy khá ngạc nhiên, vì trong thông báo của Bộ Thương mại Mỹ nếu xem kỹ, họ ghi nhận những tích cực của Việt Nam trong việc phấn đấu trở thành một thị trường hoàn chỉnh, nghĩa là họ công nhận nhiều vấn đề, nhưng lại không công nhận Việt Nam là một nền KTTT hoàn chỉnh.
Trong khi nếu nhìn rộng ra, rất nhiều nước trên thế giới đã công nhận Việt Nam là nền KTTT như Anh, Australia, và đây là những nước dựa vào Mỹ để tham khảo, bởi Mỹ là nước có vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Năm ngoái, Mỹ và Việt Nam đã ký kết nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, tức là phải có niềm tin chiến lược với nhau rồi.
Phát biểu của các nhà đầu tư, đại diện các tập đoàn lớn của Mỹ đến Việt Nam trong thời gian qua cũng thể hiện niềm tin và sự cam kết rất mạnh mẽ. Thậm chí, có những đại diện DN Mỹ khi tôi tiếp xúc, đều đánh giá rất cao thị trường Việt Nam.
- Thưa ông, sự can thiệp của nhà nước ở bất kỳ quốc gia nào vẫn có, ngay cả Mỹ cũng vậy. Nên quan điểm cho rằng “yếu tố can thiệp nhà nước quá nhiều” như một số nơi viện dẫn đối với Việt Nam, phải chăng chưa thỏa đáng?
- Trong nền KTTT, nhà nước và thị trường đều có vai trò và chức năng riêng. Bản thân thị trường luôn vận hành theo các quy luật vốn có khách quan, và trên thực tế cơ chế thị trường là cơ chế hiệu quả trong phân bổ và khai thác các nguồn lực. Song thị trường vận động tự do luôn có xu hướng đẩy nền kinh tế vào tình trạng không ổn định và khủng hoảng.
Thị trường vẫn có những khiếm khuyết cố hữu, đòi hỏi phải có sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế để khắc phục. Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường xuất phát từ chính nhu cầu của cả 2 bên, đó là mối quan hệ tất yếu, tương tác phụ thuộc nhau. Biểu hiện kết quả của sự tương tác giữa nhà nước và thị trường là sự phát triển của kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia.
Bất cứ một nước nào cũng có những hỗ trợ nhất định cho các DN nội địa, ngay cả Mỹ cũng vậy với nhiều cách. Trong điều hành kinh tế vĩ mô, nhà nước cũng vậy, đều có sự can thiệp, Mỹ cũng thế. Nhưng trong khuôn khổ nào đó, cơ chế đó phải phù hợp với luật chơi chung. Nên ở góc độ nào đó cũng cho thấy các quy định này cũng rất khó có thể áp cho nước cụ thể với những điều kiện đặc thù.
Ở Việt Nam, dẫn chứng dễ thấy nhất là thị trường vàng trong nước vừa rồi, bị tác động rất nhiều bởi hiệu ứng tâm lý từ những xung đột địa chính trị, những bất ổn về kinh tế của các khu vực trên thế giới đã dội vào Việt Nam, khiến cho tâm lý thị trường cũng thay đổi, biến động về giá vàng, dẫn đến chênh lệch rất cao với giá vàng thế giới.
Nhưng khi Chính phủ can thiệp vào giá vàng trong nước đã dần bình ổn, tránh gây hệ lụy cho thị trường. Đây là lúc nhà nước cần phải ra tay can thiệp. Hay như như Mỹ, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, Chính phủ Mỹ cũng phải ra tay can thiệp bằng những chính sách hỗ trợ cụ thể. Nói vậy để thấy, nếu cho rằng Việt Nam có sự can thiệp quá nhiều của Nhà nước vào nền kinh tế là chưa thỏa đáng.
- Điều dư luận hiện nay bày tỏ lo ngại là có thể tiếp sau Mỹ, sẽ đến lượt EU cân nhắc khi xem xét Việt Nam có nền KTTT hay không, bởi Mỹ và EU thường “tương đồng” nhau trong chính sách đối ngoại, ông nhận xét vấn đề này như thế nào?
- Thực tế, mỗi nước sẽ có quy định riêng về các tiêu chí xác định kinh tế phi thị trường và KTTT. Đối với Mỹ thì đưa ra 6 tiêu chí để xác định nền KTTT, nhưng với EU chỉ có 5 tiêu chí. EU là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với Việt Nam, từ năm 2020 đến nay là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 đối với Việt Nam. Vì vậy, việc được thị trường nhập khẩu lớn như EU công nhận là KTTT có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
Giữa Mỹ và EU cũng có nhiều điểm tương đồng nhau về cả chính sách kinh tế và đối ngoại. Đơn cử như về đầu tư vào Việt Nam, cả Mỹ và EU đều thấp. Với Mỹ, theo thống kê của họ mỗi năm các nhà đầu tư Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 300 tỷ USD, trong khi đó ở thị trường Việt Nam họ đầu tư chỉ khoảng trên dưới 1 tỷ USD. Đối với EU cũng tương tự.
Tất nhiên, người ta cũng có lý giải rằng dòng vốn đầu tư từ Mỹ hay EU vào Việt Nam có thể không bằng hình thức đầu tư trực tiếp, mà đi vòng qua nước thứ ba như Hồng Kông hay Singapore. Nói như vậy để thấy rằng, khi công nhận Việt Nam là KTTT thì bản thân các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Mỹ và EU cũng đều được hưởng lợi chứ không riêng gì Việt Nam.
- Vậy ông đánh giá thế nào về triển vọng Việt Nam được công nhận là KTTT trong thời gian tới?
- Theo tôi được biết, hiện nay Bộ Công Thương đang có những xem xét, đánh giá rất cụ thể, tức là soi cụ thể vào những phân tích báo cáo của phía Bộ Thương mại Mỹ, để từ đó xem những gì Việt Nam đã đạt được, những tiêu chí nào Việt Nam còn đang chưa đạt, sẽ tiếp tục làm. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận nền kinh tế của Việt Nam cũng vẫn còn những khiếm khuyết, để từ đó tìm cách khắc phục.
Như vậy, trong khi phía Mỹ chưa có bất kỳ một ưu tiên cụ thể nào cho Việt Nam về việc xếp hạng, đánh giá hay công nhận là nền KTTT, thì đây cũng chính là động lực để Việt Nam có những cải cách, phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt được một nền KTTT hoàn chỉnh.
- Xin cảm ơn ông.
Mỹ và Việt Nam đã ký kết nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Các nhà đầu tư, đại diện các tập đoàn lớn của Mỹ đến Việt Nam trong thời gian qua cũng thể hiện niềm tin, đánh giá rất cao thị trường Việt Nam và sự cam kết rất mạnh mẽ. Như vậy việc được công nhận là nền KTTT chỉ là thời gian.