Ông lớn FDI đang nghiên cứu, thăm dò và... chần chừ

(ĐTTCO) - Sau những cam kết ở mức độ cao nhất cấp Nhà nước và ngoại giao, đại diện nhiều tập đoàn lớn của Mỹ và EU đã đến Việt Nam để tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ông lớn FDI đang nghiên cứu, thăm dò và... chần chừ

Song dường như các doanh nghiệp “đại bàng” này vẫn đang dừng lại ở mức độ “thăm dò” thị trường chứ chưa vội “đổ bộ”.

Số liệu từ báo cáo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong quý I-2024 cho thấy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn khá tích cực, với xu hướng tăng trưởng đều đặn khi có hơn 6,17 tỷ USD vốn đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Tương tự vốn giải ngân đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Không chỉ tăng về lượng, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực năng lượng, bao gồm sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, các dự án sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử... đã được đầu tư mới và mở rộng vốn.

Tuy nhiên, nhìn vào số liệu cho thấy vẫn vắng bóng các dự án quy mô lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp được ví là “đại bàng” của Mỹ vẫn đang dừng lại ở mức độ “nghiên cứu”, dự án lớn nhất cho đến thời điểm này hơn 660 triệu USD ở Hà Nội, nhưng lại là dự án trong lĩnh vực bất động sản. Hay điều dư luận đang trông chờ là các dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ của tương lai sẽ đổ bộ vào Việt Nam như thế nào vẫn chưa thấy.

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố tác động đến việc các doanh nghiệp “đại bàng” FDI vẫn còn “chần chừ”.

Thứ nhất, họ muốn đợi những tín hiệu tích cực hơn từ triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, không chỉ ở trong ngắn hạn mà còn ở tầm nhìn trung và dài hạn.

Thứ hai, họ chờ đợi chính sách, bởi thực tế hiện nay, một số bộ luật liên quan đến đầu tư FDI hay những chính sách ưu đãi mới dành cho nhóm doanh nghiệp này vẫn chưa có hiệu lực.

Thứ ba, bên cạnh Việt Nam, những thị trường khác trong khu vực với những ưu đãi đáng kể cùng với cơ sở hạ tầng đồng bộ và chính sách mời gọi đầu tư FDI thông thoáng, cũng khiến các “đại bàng” FDI cân nhắc vào Việt Nam. Một vấn đề cũng “nói hoài nói mãi” là cơ sở hạ tầng vẫn còn những bất cập, nhất là việc ổn định cung cấp điện, là “điệp khúc” đã kéo dài nhiều năm qua.

Nhìn nhận về vốn FDI đổ vào Việt Nam trong thời gian qua, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng để thu hút FDI chất lượng cao, nhất là lĩnh vực công nghệ then chốt, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, ưu tiên hàng đầu vẫn là hoàn thiện thể chế, luật pháp.

Đi kèm với đó là đầu tư đồng bộ để hiện đại hóa hạ tầng số, nhất là hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng cho Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, cần thúc đẩy, cải cách nền hành chính quốc gia.

Cũng theo ông Nguyễn Mại, Việt Nam cần làm ngay lúc này là phải đào tạo được nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu mới của công nghệ. Hiện nay nhân lực chất lượng cao chúng ta không thiếu, nhưng để đáp ứng nhân lực chất lượng cao phải đào tạo nhanh, đặc biệt là cho ngành bán dẫn.

Vừa qua, Chính phủ công bố kế hoạch đào tạo 50.000 kỹ sư, 500.000 công nhân lao động, có kế hoạch cụ thể là hợp tác với Mỹ, phân công đào tạo cho các trường Việt Nam thực hiện. Đây là kế hoạch đầy hoài bão, nên phải coi trọng chất lượng, số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, phải tuyển chọn người có năng lực thực sự.

Hiện nay, Việt Nam đã định hướng chiến lược thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó thị trường Mỹ phù hợp ở nhiều lĩnh vực như kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, tài chính, xe điện.

Các nhà đầu tư Mỹ cũng đang rót vốn vào thị trường tài chính Việt Nam qua các quỹ đầu tư gián tiếp và thị trường chứng khoán vẫn còn rất tiềm năng để thu hút vốn Mỹ trong tầm nhìn trung hạn và lâu dài. Hàng tỷ USD vốn đầu tư từ Mỹ có thể sẽ đổ vào Việt Nam trong thời gian tới nếu có cơ chế phù hợp và môi trường kinh doanh minh bạch.

Các tin khác