Theo đó, Bộ này cho rằng hoạt động của loại hình vận tải Uber cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi. Dự thảo mới nhất này cũng bỏ quy định “taxi điện tử” đã được đưa ra tại bản dự thảo đã trình vào cuối tháng 7 vừa qua.
Nếu quy định này được chấp thuận, toàn bộ các xe đang kết nối phần mềm điện tử như Grab sẽ phải gắn mào trên nóc như taxi truyền thống. Ngoài ra, các xe như Grab sẽ phải chịu các ràng buộc về niên hạn như taxi; tiêu chuẩn lái xe; kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã và phải niêm yết giá như taxi…
Đây là lần thứ 5 dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP được Bộ GTVT trình Chính phủ. Thế nhưng xung đột cũ - mới vẫn chưa được giải quyết, còn ách tắc trong tư duy và Nghị định. Việc Bộ GTVT liên tục thay đổi quan điểm thể hiện không có chính kiến, làm nghị định kiểu “đẽo cày giữa đường”, bên nào nói mạnh hơn thì nghe, đến khi cả hai bên cùng “tổng tiến công”, Bộ ở giữa rút lui, coi như không quản gì.
Đó là việc Nghị định này là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) có hiệu lực năm 2008. Bằng chứng là Luật GTĐB đã ban hành được 10 năm và có tới 3 Nghị định hướng dẫn. Chỉ 1 luật mà có đến 3 phương án hướng dẫn sẽ dễ dẫn đến tùy ý trong thực thi. Và việc dự thảo sửa đổi Nghị định lần thứ 5 này đã cho thấy sự lúng túng của Bộ GTVT trong việc quản lý mô hình mới theo tư duy cũ.
Tờ trình trên gần như đi ngược với quan điểm và chỉ đạo của Chính phủ về cuộc cách mạng 4.0, thậm chí đi ngược với chính nội dung đề xuất của Bộ GTVT trong tờ trình cuối tháng 7 vừa qua.
Đó là xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình hay cách thức kinh doanh mới xuất hiện, quản lý nhà nước vừa phải tạo lập được môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, bình đẳng, vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp công nghệ xuất hiện và phát triển; thúc đẩy chuyển đổi loại hình kinh doanh truyền thống. Rõ ràng nếu thông qua dự thảo Nghị định này sẽ có nguy cơ trái Luật GTĐB, Luật Giao dịch điện tử.
Đơn cử Điều 66 Luật GTĐB quy định, kinh doanh vận tải bằng xe taxi cước tính theo đồng hồ tính tiền. Trong luật này không có quy định bắt buộc xe hợp đồng đã được cấp phép hoạt động chuyên nghiệp phải chuyển đổi sang loại hình taxi. Nhưng Nghị định của Bộ GTVT lại tính “bỏ chung 1 giỏ” các loại hình vận tải chỉ để dễ quản lý.
Trong khi đó, lợi ích của việc sử dụng công nghệ là tính minh bạch cao, giúp hành khách và người điều khiển phương tiện tiết kiệm trong trao đổi giá, góp phần điều tiết giao thông trong giờ cao điểm với cách tính giá cước cao… lại không được nhắc đến trong nghị định này. Nếu như vậy, để nghị định này được thông qua, điều trước tiên là phải sửa Luật GTĐB.
Điều đáng quan ngại nữa với thay đổi của Bộ GTVT, là việc các mô hình kinh tế chia sẻ khác cũng có thể bị ảnh hưởng từ cách quản lý như vậy. Điển hình như mô hình chia sẻ nhà cho thuê airbnb chẳng hạn (mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động tương tự như ứng dụng chia sẻ xe Uber), cũng đang gây ra áp lực với ngành kinh doanh khách sạn ở Việt Nam. Vì thế, nếu nghị định mới được thông qua, đồng nghĩa nói lời chia tay với mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.
Kinh tế chia sẻ là mô hình mới, loại bỏ các khâu trung gian để vận hành hiệu quả và cắt giảm chi phí, giảm gánh nặng giá thành cho người dùng. Đồng thời, mô hình này cũng đem lại sự minh bạch giữa khách hàng và tài xế, điều các mô hình truyền thống không đáp ứng được.
Cần thiết phải có luật riêng để quản lý Grab, nhưng không thể lấy cái cũ chỉnh sửa lại vì bản chất hoàn toàn khác nhau, họ không phải taxi, không phải doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Thời đại công nghệ chỉ công nghệ mới quản được công nghệ.