Theo National Observer, trong một cuộc thảo luận với các nghị sĩ, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định việc thế giới nhanh chóng có vaccine chống Covid-19 là “nhờ chủ nghĩa tư bản”, “nhờ sự tham lam”. Câu nói của ông Johnson phản ánh quan điểm phổ biến và gây tranh cãi, rằng sự tham lam là động lực của tiến bộ công nghệ.
Tuy nhiên, trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khắp thế giới, sự tham lam gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tính tháng 5, các quốc gia có thu nhập thấp mới chỉ nhận vỏn vẹn 0,3% tổng lượng vaccine toàn cầu.
Lòng tham không thúc đẩy đổi mới công nghệ
Tổng giám mục Thabo Makgoba ở Cape Town (Nam Phi) và cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown mô tả tình trạng này là “chế độ phân biệt chủng tộc vaccine”, xuất phát từ sự tham lam. Và các hãng dược đang kiếm bộn tiền từ sự tham lam đó. Pfizer ước tính doanh thu từ vaccine Covid-19 sẽ đạt 33,5 tỷ USD trong năm nay.
Moderna đã ký các hợp đồng cung cấp vaccine trị giá 40 tỷ USD trong năm nay và 2022. Đồng thời, các hãng dược không hề che giấu tham vọng tăng doanh số và lợi nhuận. Pfizer và Modern mới đây tăng giá vaccine bán cho châu Âu lần lượt từ 15,5 euro/liều lên 19,5 euro và từ 19 euro/liều lên 23,15 euro.
Các nước thu nhập thấp càng đối mặt nhiều khó khăn khi hàng loạt quốc gia giàu có bắt đầu xếp hàng mua thêm vaccine để tiêm liều thứ ba cho người dân. Mới đây, Mỹ, Israel và Đức đã thông qua việc tiêm mũi thứ ba cho người già và người có hệ miễn dịch yếu.
Theo chuyên gia Tahir Amin, Giám đốc Sáng kiến Dược phẩm, Khả năng tiếp cận và Kiến thức, với việc biến chủng Delta lây lan rất nhanh và các biến chủng mới có thể xuất hiện, tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine của các nước nghèo sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm.
Hiện, các công ty dược, đội ngũ vận động hành lang và các chính trị gia cánh hữu ở Mỹ tiếp tục phản đối dữ dội đề xuất miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine chống Covid-19. Họ nói rằng việc miễn trừ sẽ làm chậm tốc độ sản xuất và dẫn tới tình trạng vaccine giả xuất hiện ồ ạt.
"Không tiêm chủng vaccine chống Covid-19 cho cả thế giới là điều không thể chấp nhận được... Thế giới không thể chịu được nạn phân biệt chủng tộc vaccine", Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown.
Thậm chí, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Richard Burr tuyên bố việc miễn trừ “sẽ hủy hoại quá trình đổi mới công nghệ chúng ta đang dựa vào để vượt qua đại dịch”. Điều đó có nghĩa là theo họ, bản quyền và giá cao là điều cần thiết để thúc đẩy đổi mới công nghệ sinh học.
Tuy nhiên, vấn đề là lòng tham không tạo ra sự đổi mới công nghệ giúp tạo ra vaccine chống Covid-19. Trên thực tế, công nghệ đằng sau vaccine mRNA - loại được Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất - được các nhà khoa học thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) sáng chế sau nhiều thập niên nghiên cứu.
Theo New York Times, một trong số họ - Katalin Kariko - có thu nhập chưa bao giờ đạt mức 60.000 USD/năm.
Những lời dối trá
BioNTech nhận tiền tài trợ của chính phủ Đức để phát triển vaccine chống Covid-19 và hợp tác sản xuất với Pfizer. Modern nhận hàng tỷ USD tiền ngân sách từ chính phủ Mỹ để phát triển vaccine của hãng này. Mà tiền ngân sách là tiền thuế của dân.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford (Anh) phát triển công nghệ có trong vaccine của AstraZeneca, và hãng dược này cũng nhận sự tài trợ của chính phủ. Ban đầu, Đại học Oxford muốn cấp phép sử dụng công nghệ miễn phí. Chỉ sau khi chịu sức ép từ Quỹ Bill và Melinda Gates, họ mới cấp phép độc quyền cho AstraZeneca.
Các hãng dược nói rằng giảm giá sản phẩm sẽ dẫn đến giảm chi phí cho nghiên cứu và phát triển. Nhưng chuyên gia tài chính Yves Smith khẳng định đây chỉ là lời nói dối.
Dùng dữ liệu của Viện Tư duy Kinh tế mới, chuyên gia Smith chỉ ra rằng từ năm 2009 đến 2018, có tới 18 công ty dược thuộc chỉ số chứng khoán S&P 500 chi tiền mua lại cổ phần và chia cổ tức nhiều hơn trung bình 14% so với chi phí nghiên cứu và phát triển.
Ví dụ, từ năm 2013 đến 2018, AbbVie - công ty dược phẩm sinh học Mỹ - chi 2,45 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển, 4,17 tỷ USD mỗi năm cho quảng cáo và tiếp thị, và tới 50 tỷ USD để mua lại cổ phần và trả cổ tức cho các cổ đông.
Đồng thời, báo cáo của Ủy ban Giám sát và Cải tổ thuộc Hạ viện Mỹ cho biết các công ty dược sử dụng một phần đáng kể chi phí nghiên cứu và phát triển để “trấn áp sự cạnh tranh từ các sản phẩm tương đồng và tiếp tục tăng giá bán”. Điều đó có nghĩa là sự tham lam của các hãng dược trên thực tế cản trở sự đổi mới.
Chuyên gia Tahir Amin khẳng định để thế giới sớm đánh bại đại dịch Covid-19 và quay trở lại với cuộc sống bình thường, chúng ta cần phải chấm dứt việc đặt lợi ích của các tập đoàn dược phẩm và những tổ chức, cá nhân liên quan lên trên lợi ích của toàn bộ cộng đồng toàn cầu.
Nói như cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown thì "thế giới sẽ không thể chịu đựng được nạn phân biệt chủng tộc vaccine".