PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, quá trình tái cơ cấu (TCC) sắp xếp lại DNNN, trong đó CPH và thoái vốn nhà nước được xem là nhiệm vụ trọng tâm, hiện đang thực hiện ra sao?
Ông NGUYỄN HỒNG LONG: - Ở đây sẽ có sự tách bạch 2 vấn đề: (1) đối với các DNNN chậm CPH và (2) những DNNN đang làm ăn ra sao. Bởi lẽ, CPH chỉ là một trong số những nội dung quan trọng của việc thực hiện TCC, sắp xếp lại DNNN, để các DN này tinh gọn, kinh doanh hiệu quả hơn. Cho nên không phải DNNN nào cũng phải TCC hay CPH nếu DN đó đang kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận tốt.
Đối với những DNNN buộc phải CPH, đúng là việc triển khai tại một số DN hiện nay rất chậm, do còn nhiều hạn chế, tiêu cực và có một số khó khăn, trong đó vướng mắc nổi cộm là về thể chế chậm được giải quyết, nhất là thể chế định giá đất đai, tài sản. Trách nhiệm của người quản lý DNNN cũng chưa rõ ràng, công tác cán bộ, chính sách tiền lương còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường.
Thời gian qua, Bộ Tài chính và một số bộ, ngành đã đánh giá kết quả DN đạt được sau CPH trên một số khía cạnh, như nộp ngân sách, lợi nhuận của DN, song chưa đánh giá được vấn đề quản lý, sử dụng tài sản đất đai sau CPH. Đặc biệt là công nghệ có được đổi mới hay không, người lao động được sử dụng ra sao, hay vai trò, trách nhiệm của DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ đối với xã hội ra sao… đến nay chưa có đánh giá đầy đủ, xác đáng.
Mục đích CPH DNNN là để các DN này nâng cao năng lực, năng động hơn, tinh gọn hơn và hoạt động hiệu quả hơn, song thời gian qua lại cho thấy tình trạng ngược lại. Nhiều DNNN sau CPH hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ triền miên dẫn đến mất vốn, mất luôn cả thương hiệu đã từng được xây dựng suốt hàng chục năm. Có thể lấy một số thí dụ như Vinafood 2, Tổng công ty CP Sông Hồng, Licogi…
Có nhiều nguyên nhân khiến DNNN sau CPH vẫn lỗ, mất vốn nhà nước. Trong đó nguyên nhân chính do CPH kiểu “bình mới rượu cũ”, hoặc làm hình thức, cách thức quản trị vẫn theo lề lối cũ, không thể cải thiện tình hình của DN. Vấn đề đặt ra là phải thay đổi cách thức quản trị để những DN này hoạt động hiệu quả hơn.
- Đúng như ông nói đất đai luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Vậy ông có thể cho biết thực trạng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai khi thực hiện CPH DN?
- Đất đai là lĩnh vực nhạy cảm nên tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu sử dụng sai mục đích, đặc biệt khi liên quan đến CPH. Thời gian qua nhiều nhà đầu tư quan tâm đến DN CPH chỉ vì các khu “đất vàng” do các đơn vị này nắm giữ. Thực trạng này được chỉ ra qua công tác kiểm toán, thanh tra đã lộ diện một số đơn vị không lập phương án sử dụng đất nhưng vẫn được phê duyệt phương án CPH; xây dựng phương án sử dụng đất khi hồ sơ pháp lý chưa bảo đảm, không phù hợp với quy hoạch.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đất sau CPH còn một số hạn chế, như quản lý đất đai sử dụng không đúng mục đích hoặc không đưa vào sử dụng; thiếu quản lý dẫn đến hoang hóa, tranh chấp, lấn chiếm, bán tài sản trên đất, hoặc sử dụng để góp vốn liên doanh, liên kết rồi thoái vốn nhằm mục đích chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thông qua đấu giá, làm thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN); hoặc khi chưa đủ điều kiện, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện nay, tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các khu đất có giá trị lợi thế thương mại cao thường không phù hợp quy hoạch, không qua đấu giá. Các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất được triển khai chưa đúng so với giấy phép phê duyệt ban đầu, gây thất thoát NSNN, làm sai lệch mục tiêu CPH ban đầu đề ra. Vấn đề nổi cộm hiện nay là việc tính tiền thuê đất một lần vào giá trị DN và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, là lỗ hổng để các DN tư nhân tham gia CPH DNNN chiếm quyền sử dụng các khu đất “vàng” xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại.
Chính điều này làm thất thoát tiền sử dụng đất vì định giá đất không sát giá thị trường. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân cản trở quá trình phát triển nền kinh tế, gây nên tình trạng giải thể DN, làm người lao động thất nghiệp sau CPH, do DN chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bán máy móc, thiết bị, cho công nhân nghỉ việc…
- Nhưng thưa ông, những quy định chính sách về về đất đai hiện nay đã tương đối đầy đủ, vậy vì sao vẫn vướng?
Việc tính tiền thuê đất một lần vào giá trị DN và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, là lỗ hổng để các DN tham gia CPH chiếm quyền sử dụng các khu “đất vàng” xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại, làm thất thoát tiền sử dụng đất vì định giá đất không sát giá thị trường. |
Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và DN đang quản lý, sử dụng nhà đất bắt buộc phải sắp xếp lại. Nghĩa là, không phải đợi đến khi CPH mới tiến hành sắp xếp lại cơ sở nhà đất. Khi sắp xếp lại, diện tích đất nào không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích phải trả lại cho Nhà nước để bố trí cho cơ quan, đơn vị, DN khác sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch, khai thác tối đa hiệu quả, còn khi CPH phải có phương án sử dụng đất.
Thế nhưng hiện nay DN thực hiện không nghiêm việc sắp xếp lại nhà đất. Song cũng có những đơn vị thực hiện nghiêm cũng bị vướng. Đó là trường hợp DN trả lại đất cho Nhà nước nhưng không trả được, vì mảnh đất đang xảy ra tranh chấp, hồ sơ pháp lý không đầy đủ. Nếu không xử lý được phương án sắp xếp đất đai, tiến trình CPH không thể thực hiện được.
Điểm vướng nhất trong CPH là xác định vào giá trị DN đối với đất thuê trả tiền một lần. Do đó, việc thuê đất trả tiền một lần phải đưa ra khỏi xác định giá trị DN mới gỡ được điểm nghẽn này, góp phần đẩy nhanh CPH.
- Được biết Bộ Tài chính đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này và sẽ sớm trình Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc xác định giá trị đất để tính vào giá trị DN phải sát với giá thị trường vẫn rất nan giải, thưa ông?
- Khái niệm “sát với giá thị trường” mang tính định tính, không định lượng. Như vậy đòi hỏi phải có tiêu chí, cách tính cụ thể. Đơn cử, một mảnh đất nằm trong trường hợp không tổ chức giao dịch, không tổ chức đấu giá, làm sao có giá thị trường để yêu cầu phải “sát với giá thị trường” được.
Để xử lý triệt để vướng mắc này và tránh thất thoát tài sản nhà nước, có ý kiến đề nghị không tính đất thuê trả tiền một lần vào giá trị DN, nghĩa là tách riêng phần đất đai, chỉ có như vậy mới đẩy nhanh được tiến trình CPH.
Muốn vậy, phải có văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng, đồng bộ, quy định cụ thể. Còn nếu vẫn quy định như hiện nay, không ai dám mạnh dạn tiên phong vì sẽ vi phạm pháp luật, dù thực hiện theo phương án này sẽ tháo gỡ được vướng mắc về đất đai trong tiến trình CPH.
Hiện nay cũng có quan điểm cho rằng, CPH, thoái vốn xong, Nhà nước, hay đúng hơn là DNNN sẽ bị “mất đất” là không đúng, vì đất vẫn là tài sản của Nhà nước, của DN. Vấn đề là sẽ bị thất thu NSNN sau khi những khu đất đó được chuyển đổi mục đích sử dụng sau CPH.
Thí dụ, trước CPH đó là nhà kho, bãi để xe, song sau CPH được chuyển đổi sang mục đích xây dựng trung tâm thương mại, khu mua sắm, giá trị đẩy lên rất nhiều lần. Song NSNN vẫn không thu thêm được khi vẫn áp dụng cách thu tiền thuê đất như trước khi CPH.
- Xin cảm ơn ông.