Song thực tế nội tại từ các doanh nghiệp (DN) ở các lĩnh vực đều rất khó khăn, ngân hàng (NH) bị siết room tín dụng và nguy cơ nợ xấu càng xấu hơn, DN khó tiếp cận vốn, lãi suất có xu hướng tăng, huy động vốn từ kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bị chững lại sau các sự cố gần đây… Những vấn đề này đã được TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH phân tích khi trao đổi với ĐTTC.
PHÓNG VIÊN: - Với bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đã ổn định nhưng vi mô bất ổn. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Trong nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam về mặt vĩ mô tương đối ổn định, có tín hiệu ra khỏi giai đoạn chống Covid-19 và bắt đầu đi vào phục hồi, trong nước không có nhiều biến động, lạm phát cũng duy trì ở mức thấp. Thế nhưng sang nửa sau năm 2022, biến động kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam rất mạnh mẽ.
Cụ thể là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 6 lần trong năm 2022, không những thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp mà thị trường ngoại tệ cũng chịu sức ép lớn. Tỷ giá bắt đầu tăng cao trong quý II. Trong bối cảnh đó, NHNN Việt Nam đã 2 lần tăng lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10, nâng trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, đồng thời nới biên độ tỷ giá USD/VNĐ từ ± 3% lên ± 5% để chống đỡ những tác động xấu từ thị trường tài chính thế giới.
Diễn biến trong quý III cho thấy tình hình kinh tế trong nước bị tác động bởi kinh tế toàn cầu rất mạnh. Vậy nên nói rằng, kinh tế Việt Nam đã ổn định vĩ mô là quá lạc quan. Những yếu tố nội tại của kinh tế Việt Nam có thể vẫn ổn định, từ vấn đề kiểm soát lạm phát, kiểm soát giá xăng dầu cho đến tất cả các biện pháp của chính sách tiền tệ.
Thế nhưng, càng ngày áp lực của việc tăng lãi suất từ Fed càng mạnh, bắt buộc Việt Nam phải ứng phó bằng cách tăng lãi suất điều hành, nới rộng biên độ giao dịch ngoại tệ… để đối phó với sự bất ổn bên ngoài và cả bên trong. Tất cả những hành động vừa rồi của NHNN có thể nói đang nhằm vào 2 mục đích: ổn định VNĐ và kiềm chế lạm phát.
Tóm lại, kinh tế Việt Nam về vĩ mô tương đối ổn định, đi vào phục hồi trong nửa đầu năm 2022, nhưng sang nửa sau đã bị tác động, kéo theo các DN cũng lao đao, tức là cả vĩ mô và vi mô đang gặp nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa.
- Như ông nói NHNN vẫn cố ổn định VNĐ và kiềm chế lạm phát cũng không ngoài mục đích hỗ trợ DN nói riêng và nền kinh tế nói chung, và đương nhiên sẽ gây ra sức ép trong điều hành. Theo ông, NHNN đã đi đúng hướng? Và liệu sẽ kéo dài được bao lâu?
- Đúng là cho đến nay NHNN vẫn cố gắng giữ sự ổn định của đồng nội tệ một cách tương đối thể hiện qua nhiều biện pháp, trong đó có bán ngoại tệ ra để ổn định cung cầu. Dự trữ ngoại hối trước đây khoảng 110 tỷ USD và NHNN đã bán hơn 20 tỷ USD. Thế nhưng, không thể bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá mãi được, mà NHNN buộc phải sử dụng công cụ chính sách tiền tệ mạnh hơn là tăng lãi suất để tăng giá trị VNĐ, và từ đó làm chậm lại việc chảy máu ngoại tệ ra thị trường “chợ đen”.
- Đúng là cho đến nay NHNN vẫn cố gắng giữ sự ổn định của đồng nội tệ một cách tương đối thể hiện qua nhiều biện pháp, trong đó có bán ngoại tệ ra để ổn định cung cầu. Dự trữ ngoại hối trước đây khoảng 110 tỷ USD và NHNN đã bán hơn 20 tỷ USD. Thế nhưng, không thể bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá mãi được, mà NHNN buộc phải sử dụng công cụ chính sách tiền tệ mạnh hơn là tăng lãi suất để tăng giá trị VNĐ, và từ đó làm chậm lại việc chảy máu ngoại tệ ra thị trường “chợ đen”.
Về điều hành tỷ giá, nhiều chuyên gia cho rằng NHNN đã linh hoạt và kịp thời trong điều hành, nhưng tôi cho rằng NHNN thật sự đã chậm trong việc tăng lãi suất và để cho tỷ giá tăng. Nếu linh hoạt và kịp thời, NHNN đã phải tính đến chuyện tăng tỷ giá và tăng lãi suất ngay từ đầu năm, để không chịu tác động mạnh như nửa cuối năm 2022.
Cho nên nói việc NHNN đi đúng hướng là chính xác, nhưng tôi không nghĩ là kịp thời và linh hoạt. Còn việc này sẽ kéo dài bao lâu, tôi nghĩ NHNN sẽ chưa dừng lại ở đây (cả việc tăng lãi suất và tăng tỷ giá) mà còn tiếp tục, song mức độ sẽ tùy theo điều kiện kinh tế của thế giới. Vì NHNN cũng phải chịu sức ép từ bên ngoài và phải thay đổi nếu kinh tế toàn cầu biến động. Nếu trong trường hợp nhu cầu ngoại tệ tăng trong những tháng cuối năm, NHNN nên tăng tỷ giá lên thay vì kiềm tỷ giá ở mức thấp, sẽ dẫn đến hiện tượng nguồn USD chạy vào thị trường “chợ đen”.
Mới đây, NHNN đã tăng trần giao dịch lên ± 5%. Từ đây đến cuối năm chỉ còn có 1,5 tháng, nếu áp lực tăng có thể điều chỉnh một lần nữa biên độ giao dịch lên 0,5-1% để giá chính thức tăng lên, giảm áp lực trên thị trường ngoại tệ cũng như chặn kênh “chợ đen”. Biên độ đó không phải là bức tường cố định, khi thị trường ổn định có thể kéo xuống.
Còn nếu kiềm giữ chỉ còn cách NHNN bán dự trữ ngoại hối, nhưng không thể bán quá mức cho phép (dự trữ ngoại hối tối thiểu phải ở mức 3 tháng nhập khẩu) an ninh tiền tệ bị đe dọa.
- Do thiếu thanh khoản nên hiện nay lãi suất huy động VNĐ đã tăng lên rất nóng, có NHTM huy động trên 10%, trong khi đầu ra đã bị NHNN siết room tín dụng để kìm chế lạm phát. Theo ông điều này có bất ổn không? Vậy nguồn vốn NHTM huy động để bơm vào đâu?
- Việc NHTM tăng lãi suất huy động lên rất cao hiện nay tạo ra một rủi ro cho hệ thống NH và cho cả nền kinh tế. Đầu tiên nói về các NHTM. Đầu ra đang bị siết lại, không đủ room tín dụng để cho vay, lẽ ra lúc này NH phải chậm lại trong huy động, nhưng họ lại tăng lãi suất lên đến 10%/năm. Có vẻ các NH đang gặp vấn đề thanh khoản, ở đây có thể là do nợ xấu đã bị kiềm kẹp 2 năm nay, bây giờ đang bật tăng trở lại.
Nợ xấu đó được chặn bằng cách không chuyển nhóm nợ nhưng phải có dòng tiền thực. Và dòng tiền thực đó không trở lại với NH để tiếp tục cho vay cũng như để trả lãi, trả gốc cho khách hàng gửi tiền nên buộc phải huy động với lãi suất cao.
Bên cạnh đó, những vụ việc sai phạm liên quan đến hoạt động phát hành TPDN từ các tập đoàn lớn gần đây cũng có tác động domino trên thị trường tài chính. Vì khối lượng phát hành của các DN bất động sản (BĐS) rất lớn, trong đó NH là thành phần mua TPDN BĐS rất nhiều. Tiền đầu tư TPDN không trở lại cũng ảnh hưởng đến thanh khoản của một số NH. Hiện tại, các NH đều báo lãi, nhưng lãi đó có thể chỉ là lãi sổ sách, còn vấn đề chính là “tiền tươi thóc thật”, dòng tiền có quay trở lại để phục vụ kinh doanh và trả lãi cho khách hàng hay không lại là chuyện khác. Và việc NH không ngừng đẩy lãi suất huy động lên cao thời điểm này có thể xem là minh chứng cho giả thuyết NH đang gặp vấn đề về thanh khoản.
Lãi suất đầu vào tăng lên, sớm muộn lãi suất cho vay cũng tăng và sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Việc tăng lãi suất không chỉ tạo gánh nặng chi phí cho DN và cả cá nhân, mà sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. DN vay lãi suất NH cao hơn, cá nhân vay công ty tài chính lãi suất cũng cao hơn, từ đó có thể giới hạn lại hoạt động sản xuất kinh doanh và sức tiêu dùng của nền kinh tế.
Đồng thời, cũng như xăng dầu tăng tác động đến các hoạt động của nền kinh tế, lãi suất tăng cũng vậy, tác động lên các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, nguy cơ làm tăng lạm phát.
Hiện tại, NHNN đang siết room tín dụng với chủ đích là hạn chế lượng tiền lưu thông để kiểm soát lạm phát. Một thế trận bị siết lại từ nhiều phía, nhưng NHNN cũng không thể nào làm khác hơn là phải giữ tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp. Dẫu vậy, tôi nghĩ NHNN nên mở trần tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 16%.
Dưới trần đó, mở room tín dụng cho các NH một cách rất chọn lọc, loại trừ những NH cho vay nhiều với những lĩnh vực rủi ro, NH có nợ xấu cao. Theo đó, một số NH có sức khỏe tốt có thể cấp vốn cho thị trường. Còn hiện nay, những NH nào huy động vốn với lãi suất quá cao, NHNN cần quan tâm và thanh tra ngay.
- Sức ép lãi suất đã nóng, nhưng sức ép về TPDN còn nóng hơn. Đó là việc hầu hết các DN đều không thể huy động trái phiếu do “sự cố” chỉ xảy ra ở 1 vài DN. Có ý kiến cho rằng, lãnh đạo cao nhất về quản lý cũng như về chuyên môn phải giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư (NĐT). Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Chính phủ phải có ngay một chương trình hoãn việc trả nợ cho khách hàng đối với các TPDN đến hạn trong năm nay và năm tới. Đây là biện pháp rất cực đoan, vì theo quy định TPDN là tự vay tự trả, một hợp đồng dân sự, Chính phủ không can thiệp. Nhưng đây là tình huống đặc biệt, không cứu họ sẽ dẫn đến vỡ nợ hàng loạt. |
Trước nhất, các quy định về phát hành riêng lẻ phải được thực hiện một cách rất nghiêm túc, không có miễn trừ trong trường hợp này. Vấn đề xếp hạng tín nhiệm cũng phải được thúc đẩy, để NĐT có cơ sở tham khảo.
Thời điểm này, ngoài trái phiếu của những DN liên quan đến các vụ án lớn đã “dừng lại”, đang có rất nhiều TPDN sắp đến hạn trong khoảng từ đây đến cuối năm và năm 2023. Với thị trường như vậy, phát hành TPDN mới để trả nợ cũ (cơ cấu lại nợ) hầu như không thực hiện được. Có ý kiến đề nghị các nhà phát hành TPDN khi đến thời hạn phải bán tài sản để trả nợ, nhưng giải pháp đó cũng hạn chế, rất nhiều những TPDN không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo là những dự án đang dở dang, không có giá thị trường nên rất khó bán.
Theo tôi, trước hết phải giải quyết các vấn đề cho các TPDN đến hạn, không có tiền để trả nợ dễ dẫn đến vỡ nợ rất nguy hiểm, sẽ tạo ra hiệu ứng domino từ TPDN này sang TPDN khác. Chính phủ phải có ngay một chương trình hoãn việc trả nợ cho khách hàng đối với các TPDN đến hạn trong năm nay và năm tới, hoãn trong vòng 1 năm. Đúng đây là biện pháp rất cực đoan, vì theo quy định TPDN là tự vay tự trả, một hợp đồng dân sự, Chính phủ không can thiệp. Nhưng đây là tình huống đặc biệt, không cứu họ sẽ dẫn đến vỡ nợ hàng loạt. Tuy nhiên, chương trình hoãn trả nợ này phải đi kèm các điều kiện.
Hiện đang có nhiều DN BĐS đang mua lại TPDN trước hạn trên thị trường. Bởi trong Nghị định 65 có điều khoản, các DN phát hành có thể mua lại nợ trước hạn nếu được yêu cầu. Tuy nhiên, những DN nào phát hành TPDN sai quy định bắt buộc phải mua lại trước hạn hoặc đến hạn phải mua lại. Còn hiện nay hoạt động mua lại TPDN trước hạn đang rất rầm rộ, vì họ lo sợ nếu hiện tại không trả được nợ có thể rơi vào danh sách bị điều tra, nên lúc này nhiều DN dùng cách này cách kia mua lại để “thoát hiểm”. Và như vậy càng làm rúng động thị trường TPDN, càng làm mất lòng tin của NĐT.
Vậy nên Chính phủ cần phải có chương trình hoãn lại việc trả nợ, áp dụng cho những DN làm ăn chân chính, phát hành đúng theo quy định, vì lúc này họ gặp khó khăn về vốn chưa trả được nợ cho khách hàng. Nhưng những DN phát hành sai quy định phải tự lo liệu mua lại TPDN trước hạn.
Bên cạnh việc Chính phủ có chương trình cho hoãn nợ, NHNN cũng cần có chương trình cho vay đối với các nhà phát hành được phép hoãn nợ để có tiền trả lãi cho NĐT. Khi Chính phủ cho phép hoãn nợ và được ngành NH cho vay để trả lãi cho NĐT trong thời gian chờ đợi, có lẽ NĐT cũng sẵn sàng thỏa thuận.
Đối với TPDN muốn phát hành tại thời điểm này, tốt nhất là DN nên đến NH, yêu cầu NH bảo lãnh. Nếu NH không bảo lãnh khả năng phát hành rất thấp, vì lúc này để NĐT tin tưởng ít nhất phải có bảo lãnh của NH hoặc có xếp hạng tín nhiệm tốt để cho các NĐT thấy công ty phát hành có khả năng trả nợ.
- Khó khăn của các DN đặc biệt là các DN BĐS khi chỉ dựa vào vốn NH và khách hàng. Tuy nhiên, room NH thì hạn chế nên DN không thể vay bổ sung dự án, còn khách hàng cũng không thể vay để đầu tư dự án. Và khi dự án đóng băng đương nhiên nợ xấu sẽ bùng nổ. Ông có thể bình luận về hiện trạng nợ xấu sẽ ra sao trong các năm tới?
- Trong 5 năm vừa qua, việc DN phát hành TPDN rất được hoan nghênh, vì giảm gánh nặng cho các NH cũng như giúp phát triển thị trường vốn. Nhưng sự lạc quan đó quá sớm. Thị trường TPDN không có cơ sở nền tảng vững chắc, hơn 90% phát hành TPDN riêng lẻ thay vì phát hành ra công chúng. Thị trường riêng lẻ là thị trường mà nhà phát hành tránh được sự điều tra, xem xét của các cơ quan chức năng, tránh được các luật lệ chặt chẽ, và ở đó NĐT cá nhân cũng không có nhiều kiến thức đầu tư. Thị trường TPDN xây dựng trên nền tảng quá mỏng và đối mặt với rủi ro rất lớn.
Khi TPDN gặp khủng hoảng, DN trở lại với NH, cánh cửa NH cũng đóng lại, kể cả các quỹ đầu tư hiện tại cũng “không tiếp”. Mọi cánh cửa đóng lại, hiện tượng này khiến DN thiệt hại rất nhiều, họ không còn vốn, không điều hành được dự án, đặc biệt là DN BĐS. Nhưng các NH cũng có khó khăn của họ. NH là nhà đầu tư lớn TPDN, khi hiện tại thị trường BĐS “đóng băng”, NH sẽ lâm vào tình trạng nợ xấu. Tôi cho rằng đây là một cái giá rất đắt, nhưng khó khăn này buộc NH và DN phải nhìn lại kế hoạch tài chính của mình, NĐT cũng sẽ cẩn trọng hơn, và rộng hơn là thị trường sẽ phải có sự điều chỉnh để tốt hơn.
- Vậy theo ông liệu nền kinh tế năm 2022 và 2023 sẽ ra sao khi những “nút thắt” phân tích ở trên chưa kịp tháo gỡ?
- Giả sử năm 2023, NH thiếu tiền, DN thiếu tiền, cả nền kinh tế thiếu tiền. NHNN có thể in tiền. Thế nhưng, việc in tiền như thế nguy hiểm ở chỗ sẽ làm tăng lạm phát. Cho nên, vấn đề đặt ra là NHNN sẽ phải cân nhắc tính toán để tạo ra thanh khoản cho các NH, với liều lượng đủ để không làm tăng lạm phát. Khi NH có tiền lại cho vay ra nền kinh tế.
Ở đây tôi muốn nói là lạm phát theo số liệu Tổng cục Thống kê ở mức dưới 4%, nhưng thực tế lạm phát tăng hơn mức đó nhiều.
Trong sức ép hiện nay, NHNN có thể phải tăng tỷ giá vì nhu cầu mua USD rất lớn, cho đồng USD tăng giá lên để làm chậm lại nhu cầu mua USD. Hy vọng khi tình hình thế giới sẽ ổn định lại, Fed sẽ không tăng lãi suất nữa, trong trường hợp đó Việt Nam sẽ bớt được áp lực tăng lãi suất và tỷ giá. Có thể ví nền kinh tế một quốc gia cũng như cơ thể một con người, cơ thể đó sẽ thích ứng theo điều kiện thực tế. Cụ thể trong tình trạng thiếu vốn, các thành phần trong nền kinh tế sẽ phải tự điều chỉnh, ăn mặc ít đi nếu là cá nhân, sản xuất ít đi nếu là DN.
Tôi tin rằng, các nhà quản lý như Bộ Tài chính và NHNN ngoài việc dùng công cụ của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để điều hành, các thành phần kinh tế cũng phải tự điều chỉnh, có thể đến một thời gian nào đó sẽ phải “thắt lưng buộc bụng”, ít tiêu xài đi, ít nhập khẩu hàng hóa hơn và dùng xuất khẩu để lấy thêm ngoại tệ để thích ứng với môi trường mới.
- Xin cảm ơn ông.
Nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam về vĩ mô tương đối ổn định, đi vào phục hồi, nhưng sang nửa sau đã bị tác động, kéo theo các DN cũng lao đao, tức là cả vĩ mô và vi mô đang gặp nhiều khó khăn. |