PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định diễn biến nền kinh tế nước ta thời gian gần đây thế nào?
TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN: - Về cơ bản, từ báo cáo của Chính phủ với Quốc hội ngày 20-10, và trả lời chất vấn của Thủ tướng trước Quốc hội ngày 5-11 đến bây giờ tình hình không có nhiều đột biến. Những vấn đề chúng ta thấy hiện nay không phải sau ngày 20-10 mới xuất hiện, mà đã xuất hiện từ trước đó. Đúng là nền kinh tế có những rung động, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Thí dụ, với các tổ chức tín dụng (TCTD) mới có 1 đơn vị bị đưa vào giám sát đặc biệt như Thủ tướng cho biết. Tiền gửi ở TCTD xấu nhất cũng không mất. Còn trái phiếu cần xem việc mua nó như thế nào, trong lĩnh vực nào để xử lý.
Cần nhìn các vấn đề của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh TTCK thế giới biến động mạnh. Những năm 2012 TTCK giảm đến đâu? Thế giới có khó khăn không, có rung động không? Chúng ta nói đến thị trường BĐS mới chỉ nhìn vào bán-mua và BĐS nhà ở hay nghỉ dưỡng… Trong khi còn thị trường BĐS công nghiệp, logistics, thị trường cho thuê, thị trường nhà ở xã hội…
Song nhìn chung, những rung động, biến động vừa qua là sự biến động bất thường của nền kinh tế thị trường trước những tác động của các quyết định không từ kinh tế mà từ tư duy chính trị. Do vậy chúng ta hãy bình tĩnh để các cơ quan chuyên môn xử lý. Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém; đồng thời có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm các thị trường này hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững.
- Nhưng doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn và đang chờ một chính sách kinh tế vĩ mô rõ ràng?
- Vấn đề quan trọng nhất phải quan tâm của kinh tế Việt Nam, là chúng ta không dự báo được các diễn biến của kinh tế thế giới, trong khi độ mở của nền kinh tế lớn. Với kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP, Việt Nam phải chấp nhận sẽ có nhiều ảnh hưởng tác động rất nhanh.
Hiện chúng ta chưa thể biết được mùa Đông năm nay khu vực châu Âu ứng xử với thời tiết thế nào, cuộc bỏ phiếu của Lưỡng viện Mỹ hồi kết ra sao, đảng nào sẽ chiếm ưu thế ở cơ quan nào… Và như thế chính sách kinh tế vĩ mô của các đối tác quan trọng trong thương mại của Việt Nam vẫn đang chưa định hình rõ nét.
Những vấn đề trên đòi hỏi chúng ta phải lường được những năm tới rất khó khăn. Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chúng ta phải nhận thức rõ thách thức nhiều hơn hay cơ hội nhiều hơn trong năm 2023”. Xã hội cũng phải chia sẻ là chính sách có thể thay đổi rất nhanh để ứng phó được với các biến động của khu vực và thế giới. Chúng ta nên chia sẻ với Chính phủ, không nên nhìn nhận tình hình mới bằng cách nhìn ngày xưa.
- Vậy chúng ta chủ động tính toán bước đi như thế nào để giữ được sự ổn định trong sự bất định, giữ vững sự chủ động trong sự bị động?
- Hiện nay chính sách đang áp dụng là chủ động ứng phó. Với sản xuất chúng ta giảm chi phí hành chính, chi phí logistics, miễn giảm thuế phí. Hay gói hỗ trợ 1 triệu nhà ở xã hội, hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp có đầu ra tốt. Trước tình hình giá dầu thế giới tăng mạnh, chúng ta đã chủ động giảm thuế nhập khẩu và thuế môi trường với xăng dầu. Tuy nhiên có sự khan hiếm xăng dầu những ngày gần đây do sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, điều hành chậm, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường.
Mặc dù từ ngày 11-2 đến nay chúng ta đã có 29 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được tình hình này.
Đặc biệt, chúng ta đã chủ động giữ ổn định tỷ giá trong 7 năm, và vừa rồi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời điều chỉnh biên độ tỷ giá và nâng lãi suất điều hành, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc tăng biên độ tỷ giá giúp NHNN chủ động, có thêm dữ liệu để điều hành trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng thắt chặt tiền tệ của Mỹ và hơn 90 nước trên thế giới.
Đồng thời đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đảm bảo đáp ứng cung cầu ngoại tệ của thị trường.
Tình hình sẽ còn có những biến động khó lường. Chúng ta cần bình tĩnh chủ động, linh hoạt và kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả các chính sách.
- Vậy theo ông thách thức hay cơ hội nhiều hơn trong năm 2023 và ông nhìn sự ổn định vĩ mô hiện nay thế nào?
- Đứng ở góc độ nghiên cứu, chúng tôi khẳng định năm 2023 thách thức nhiều hơn thuận lợi. Nhưng tác động mạnh hay nhẹ của nó phụ thuộc vào cách xử lý như thế nào. Đến thời điểm này có thể nói chúng ta vẫn giữ được ổn định dù có những chỉ tiêu không hài lòng, như về giải ngân đầu tư công, số hóa các thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Hay chỉ tiêu về thu hút vốn FDI có công nghệ cao và phải có liên kết với doanh nghiệp Việt, chúng ta mới đạt được một nửa. Có nghĩa, giải ngân vốn FDI trong năm 2022 vẫn tăng, nhưng sự chia sẻ công nghệ và thị phần với doanh nghiệp Việt chưa được như mong muốn. Đây là bài toán chúng ta cần tiếp tục xử lý.
Thế giới rất khó lường, trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức, việc điều hành kinh tế vĩ mô, giữ ổn định vĩ mô sẽ ngày càng khó khăn hơn. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành cùng với sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư, khó khăn nào cũng vượt qua, thử thách nào cũng chiến thắng.
- Xin cảm ơn ông.